Xem xét, quyết định nhân sự một cách khách quan, chính xác
Kỳ họp thứ 11, kỳ họp cuối cùng của Quốc hội khóa XIV sẽ diễn ra trong tuần này. Ông Trần Văn Lâm, Ủy viên Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội đã chia sẻ với Đại Đoàn kết về những vấn đề mà cử tri quan tâm ở kỳ họp tới này. Trong đó có việc kiện toàn một số chức danh nhà nước.
PV:Thưa ông qua tiếp xúc cử tri, ông thấy vấn đề nào được cử tri quan tâm nhiều nhất tại kỳ họp thứ 11?
Ông Trần Văn Lâm: Cử tri rất phấn khởi trước những thành tựu của đất nước đạt được trong nhiệm kỳ qua. Nhất là trong năm 2020 đã phòng chống dịch bệnh Covid-19, khắc phục những khó khăn để duy trì tăng trưởng kinh tế, đảm bảo đời sống cho nhân dân, giúp đỡ doanh nghiệp vượt qua những khó khăn để khôi phục sản xuất.
Bên cạnh đó cử tri bày tỏ vui mừng khi Đại hội XIII của Đảng tổ chức thành công, thắng lợi, tạo không khí và niềm tin rất lớn trong nhân dân. Sự tin tưởng của người dân đối với sự lãnh đạo của Đảng, quản lý điều hành của Nhà nước, Chính phủ, Quốc hội ngày càng được khẳng định và nâng cao.
Bên cạnh đó, cử tri mong muốn trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV tới phải phát huy, tiếp tục đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội để tăng trưởng cao hơn. Cử tri cũng mong muốn kỳ bầu cử ĐBQH khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 diễn ra chặt chẽ để Quốc hội khóa XV hoạt động mạnh mẽ, hiệu quả hơn, tiếp tục công cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng mạnh mẽ hơn.
Hiện nay đang nổi lên vấn đề về đất đai, nhiều nơi cán bộ đảng viên và nhân dân mong muốn phải xem xét điều chỉnh cho hợp lý, chặt chẽ để giảm bớt khiếu kiện phức tạp, nhất là những bất cập trong đền bù, giải phóng mặt bằng cần phải xem xét điều chỉnh. Do đó cử tri mong sau khi bầu xong Quốc hội khóa XV, Quốc hội sẽ xem xét, điều chỉnh chính sách của Luật Đất đai.
Ngoài ra cử tri mong muốn trong nhiệm kỳ tới hệ thống luật pháp cần tiếp tục được rà soát sửa đổi để đáp ứng yêu cầu hội nhập, phù hợp thông lệ quốc tế nhằm đưa nền kinh tế Việt Nam thực sự hòa nhập với kinh tế thế giới, tận dụng cơ hội từ các hiệp định thương mại, góp phần bảo vệ nền sản xuất trong nước, thúc đẩy mở rộng thị trường để hàng hóa Việt Nam vươn ra thế giới.
Là một ĐBQH, ông đánh giá như thế nào về việc giải quyết những kiến nghị của cử tri gửi đến Quốc hội trong nhiệm kỳ qua?
-Theo tôi, việc tiếp xúc, lắng nghe, tổng hợp và xem xét giải quyết ý kiến cử tri trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV đã được yêu cầu rất cao. Đặc biệt có nhiều sự đổi mới ở tất cả các Đoàn ĐBQH trong tổ chức hoạt động tiếp xúc cử tri. Ví như ngoài tiếp xúc cử tri trước và sau kỳ họp còn thêm các hình thức tiếp xúc cử tri theo chuyên đề, theo nhóm đối tượng, hay tiếp xúc cử tri theo những vấn đề đang nổi lên ở các nơi địa phương để xem tâm tư, nguyện vọng của bà con như thế nào.
Chính vì vậy, ĐBQH đã lắng nghe, tiếp cận được nhiều hơn tâm tư của cử tri. Việc phân loại đôn đốc giải quyết cũng rất quyết liệt, hầu như tất cả các ý kiến gửi đến đều được các cơ quan chức năng xem xét, trả lời đầy đủ ở cả cấp Trung ương và địa phương. Riêng tại cấp cơ sở, khi Quốc hội tổ chức tiếp xúc cử tri thì trên địa bàn cơ sở bao giờ cũng có lãnh đạo huyện, xã dự và trả lời trực tiếp những vấn đề cử tri thắc mắc thuộc thẩm quyền của mình.
Có những việc trả lời nhưng cử tri thấy chưa đạt yêu cầu nên các ĐBQH lại tiếp tục kiến nghị để giải quyết triệt để theo quy định của luật. Những việc cụ thể liên quan trực tiếp đến quyền, lợi ích của cử tri đều cơ bản được xem xét, trả lời đáp ứng theo quy định của luật pháp.
Dư luận đánh giá cao việc tranh luận trong các kỳ họp Quốc hội khóa XIV. Ý kiến cá nhân ông?
-Hoạt động của Quốc hội trên 3 nội dung: Xây dựng luật pháp, giám sát và quyết định các vấn đề quan trọng đều phải được quyết định thông qua các quyết định tập thể. Để việc quyết định chính xác, các ĐBQH phải trao đổi, thảo luận. Trước đây trong thảo luận thường có các bài tham luận, ít có trao đi đổi lại. Những phát biểu mang tính xuôi chiều, ít có phản biện, tranh luận. Còn Quốc hội khóa XIV theo đánh giá của các ĐBQH đã tham gia nhiều nhiệm kỳ, rồi kể cả cử tri thì đã có sự thay đổi.
Một vấn đề đưa ra khi có nhiều ý kiến khác nhau đã có sự tranh luận trực tiếp trên hội trường. Tranh luận tại Quốc hội thể hiện cách làm việc dân chủ, ai cũng có quyền nêu quan điểm của mình. Như thế, vấn đề được nhìn ở nhiều chiều và toàn diện. Việc đó góp phần nâng cao chất lượng của Quốc hội trong quyết định các vấn đề, bởi khi ĐBQH nắm vấn đề đầy đủ, toàn diện, nhiều chiều hơn sẽ hình thành lên chính kiến trước khi bấm nút biểu quyết.
Thưa ông, lần này ngoài việc tổng kết nhiệm kỳ, Quốc hội sẽ kiện toàn một số chức danh nhà nước?
-Việc kiện toàn một số chức danh nhà nước là yêu cầu đặt ra tại kỳ họp này. Sau nhiệm kỳ 5 năm, chúng ta có sự đổi mới, chuyển giao thế hệ. Quá trình kiện toàn này được thực hiện sau Đại hội XIII của Đảng. Lần này có một số cá nhân được Đảng giới thiệu ra Quốc hội để bầu vào các chức danh nhà nước.
Nếu nhân sự đó nhận được sự tín nhiệm cao thì càng khẳng định công tác cán bộ của Đảng là chặt chẽ và một lần nữa khẳng định thắng lợi của Đại hội XIII của Đảng. Hiện giờ chưa có thông tin chính thức nhưng từ nay đến khi vào kỳ họp thứ 11, các cơ quan chức năng sẽ cung cấp thông tin của từng người.
Sau đó các ĐBQH thảo luận tại đoàn để trao đổi, cập nhật thêm thông tin chứ không phải một chiều thông tin từ phía các cơ quan chức năng. Thông tin về nhân sự được giới thiệu sẽ rất đa chiều, và chúng tôi tin mình có đủ thông tin để xem xét, quyết định nhân sự một cách khách quan và chính xác.
Trân trọng cảm ơn ông!