Chọn đại biểu xứng đáng đại diện cho ý chí, nguyện vọng của Nhân dân

Quốc Định 22/03/2021 17:27

Ngày 22/3, Ủy ban MTTQ Việt Nam TP HCM cho biết, vừa tổ chức Hội nghị hướng dẫn các cơ quan, đơn vị về việc tổ chức lấy ý kiến nhận xét và tín nhiệm của cử tri nơi cư trú đối với người được giới thiệu ứng cử đại biểu Quốc hội (ĐBQH), đại biểu Hội đồng nhân dân (ĐBHĐND) các cấp và lấy ý kiến nhận xét, tín nhiệm của cử tri nơi cư trú, nơi công tác, nơi làm việc (nếu có) của người tự ứng cử.

Bà Tô Thị Bích Châu, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP HCM, Phó Chủ tịch Ủy ban bầu cử Thành phố chủ trì hội nghị.

Theo Ban tổ chức, hội nghị cử tri nơi cư trú phải tổ chức trong khoảng thời gian từ ngày 21/3/2021-13/4/2021, tại khu phố, ấp nơi người ứng cử thường trú hoặc tạm trú. Trường hợp không xác định được nơi thường trú hoặc tạm trú thì tổ chức hội nghị cử tri tại khu phố, ấp nơi người ứng cử đang sinh sống.

Đối với nơi có dưới 100 cử tri thì tổ chức hội nghị toàn thể cử tri để lấy ý kiến về người ứng cử ĐBQH, ĐBHĐND và phải đảm bảo số lượng cử tri tham dự hội nghị đạt ít nhất 50% tổng số cử tri được triệu tập. Đối với nơi có từ 100 cử tri trở lên thì có thể tổ chức hội nghị toàn thể hoặc hội nghị cử tri đại diện hộ gia đình và phải bảo đảm có ít nhất là 55 cử tri tham dự hội nghị.

Một đại biểu đóng góp ý kiến tại Hội nghị.

Trường hợp người ứng cử cư trú tại khu chung cư, khu đô thị chưa có tổ dân phố thì tổ chức hội nghị cử tri tại khu chung cư hoặc khu đô thị nơi người đó sinh sống để lấy ý kiến đối với người ứng cử. Trưởng ban Công tác Mặt trận phối hợp với Ban Quản trị khu chung cư hoặc Ban Quản lý khu chung cư, Ban Quản trị khu đô thị (nếu có) lập danh sách và mời cử tri cư trú tại tòa nhà khu chung cư hoặc khu đô thị đến dự hội nghị

Đối với người tự ứng cử, nếu chưa lấy ý kiến nhận xét và tín nhiệm của cử tri nơi người đó công tác, làm việc (nếu có) thì trong bước này phải lấy ý kiến của cử tri ở cả nơi cư trú và nơi công tác, nơi làm việc (nếu có).

Phát biểu tại hội nghị, bà Tô Thị Bích Châu nhấn mạnh, việc tổ chức lấy ý kiến cử tri rất quan trọng để lựa chọn người đủ tiêu chuẩn và thực sự tiêu biểu. Người tự ứng cử có quyền bình đẳng như nhau khi lấy ý kiến tại nơi cư trú. Luật quy định những người được giới thiệu, bắt buộc phải thông qua hội nghị cử tri của cơ quan, nơi làm việc của người được giới thiệu, kể cả tự ứng cử và phải được thông qua ở Hội nghị cử tri nơi thường trú, cư trú, nơi mình sinh sống.

Nhiệm kỳ này, theo Nghị quyết của Quốc hội, tại hội nghị nơi công tác hoặc nơi làm việc, nơi cư trú không đạt được trên 50% số người cử tri giới thiệu thì không được đưa vào danh sách. Trong quá trình hiệp thương, Hội nghị hiệp thương lần thứ 3 phải báo cáo toàn bộ quá trình lấy ý kiến tín nhiệm của cử tri nơi công tác. “Quy định lần này xác định việc tổ chức lấy ý kiến của cử tri là khâu rất quan trọng để sàng lọc ra các đại biểu đủ tiêu chuẩn, những người thực sự tiêu biểu, xứng đáng đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của Nhân dân. Vì vậy, các cơ quan, tổ chức, đơn vị cần tổ chức nghiêm túc, đúng quy định”, bà Tô Thị Bích Châu đề nghị.

Quốc Định