Xét tuyển học bạ không còn ‘mặn mà’
Khoảng 3 năm gần đây, xét tuyển vào ĐH bằng hình thức học bạ được nhiều trường ĐH sử dụng để sàng lọc thí sinh. Thí sinh cũng rất hào hứng với phương thức này bởi lý do đơn giản là không cần qua bất kỳ cuộc thi tuyển nào cũng có thể vào được ĐH.
Tuy nhiên, đợt tuyển sinh năm 2021 dù mới chỉ bắt đầu khoảng một tháng nhưng số lượng thí sinh nộp hồ sơ xét tuyển học bạ có chiều hướng giảm nhiều. Theo chia sẻ của đại diện Trường ĐH Công nghệ thực phẩm TPHCM, trường này bắt đầu nhận hồ sơ xét học bạ từ ngày 1/3, nhưng đến nay mới nhận được hơn một ngàn hồ sơ, giảm rất nhiều so với các năm trước.
Trước kia xét tuyển học bạ chủ yếu được các trường dân lập, tư thục sử dụng với mục đích “vét” các thí sinh có điểm thi thấp, không đủ điểm xét tuyển thì dần dần xét tuyển học bạ được cả các trường công lập sử dụng. Kỳ tuyển sinh năm 2019 và năm 2020, xét tuyển học bạ được hàng trăm trường ĐH sử dụng, chiếm tỷ lệ lơn trong xét tuyển đầu vào. Thậm chí nhiều trường dành tới 50% chỉ tiêu để dành cho phương thức xét tuyển này. Với ưu thế không phải tổ chức thi cử, không phải chấm cũng như sàng lọc gắt gao, thí sinh dễ dàng sử dụng kết quả học tập các năm học ở các năm học THPT để dự tuyển. Ngoài ra, xét tuyển học bạ cũng đa dạng bằng cách trường thay đổi môn, lớp hoặc tổ hợp các môn học để phù hợp với các ngành nghề khác nhau khiến cho việc tuyển sinh đơn giản hơn.
Hiện nay số lượng các trường sử dụng phương thức xét tuyển học bạ để chọn lựa thí sinh cũng vẫn rất lớn, thậm chí là gần như toàn bộ các trường ĐH đều có chỉ tiểu tuyển sinh bằng phương thức này. Dù thời gian nhận hồ sơ học bạ vẫn còn nhiều nhưng số lượng đã giảm so với trước. Ngoài nguyên nhân thời gian vẫn còn cho thí sinh thì nhiều thí sinh cho biết xét tuyển học bạ ngày càng khó khăn, không dễ dàng như trước. Nhiều trường sử dụng điểm trung bình của tổ hợp 3 môn học, như Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ của cả 3 năm THPT hay 2 năm lớp 11 và 12, hoặc tổ hợp 5 hoặc 6 môn học của lớp 12. Thậm chí nhiều trường còn quy định về điểm của từng học kỳ trong năm học khiến cho điểm học bạ cũng bị áp lực rất lớn. Đặc biệt, nhiều thí sinh cũng cho biết do cách chấm điểm học bạ của thí sinh có sự thay đổi giữa khối trường công lập và dân lập, tư thục nên việc xét tuyển học bạ không quá “công bằng”.
Dù vẫn là phương thức tuyển sinh được thí sinh, phụ huynh và các trường ĐH,CĐ chọn lựa nhưng xét tuyển học không còn thu hút đông đảo thí sinh, nhất là ở các ngành nghề có sự cạnh tranh. Với xu thế này, nhiều trường chắc chắn sẽ phải điều chỉnh tỷ lệ xét tuyển hay phương thức coi điểm học bạ chỉ là một phần trong số chỉ tiêu xét tuyển mà thôi.