Truy quét tiếng ồn
Việc Thành phố Hồ Chí Minh quyết liệt xử lý tiếng ồn những tưởng là “chuyện vặt” nhưng lại thu hút sự quan tâm không chỉ ở thành phố này mà còn rộng rãi hơn nhiều. Trong cuộc sống, những chuyện tưởng như vặt vãnh nhưng lại có tác động lớn, và nếu cứ bỏ qua “chuyện nhỏ” thì chẳng bao lâu nó dồn tích lại thành chuyện lớn.
Tiếng ổn quá dữ dội, người dân phản ứng mạnh khiến Chủ tịch UBND TP HCM phải ra công văn (số 560/UBND-NCPC), chỉ đạo các ủy viên UBND thành phố, thủ trưởng các sở, ban, ngành và chủ tịch UBND các quận, huyện, thành phố về việc tăng cường phòng, chống vi phạm tiếng ồn. Trong một cuộc gặp gỡ đối thoại có tới 312 chủ tịch UBND phường, xã và thị trấn, Chủ tịch UBND TP HCM Nguyễn Thành Phong đã chỉ đạo các đơn vị, ban, ngành liên quan phải kiên quyết dẹp nạn karaoke tự phát “tra tấn” người dân.
Tới thời điểm này, quyết tâm dẹp nạn tiếng ồn được TP HCM triển khai rất mạnh. Có hẳn cả một chiến dịch truy quét nạn ô nhiễm tiếng ồn trong khu dân cư. Theo ông Võ Văn Hoan, Phó Chủ tịch UBND thành phố thì việc này sẽ kéo dài cho tới cuối năm 2021. Ông Hoan cho rằng, tiếng ồn ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng, đặc biệt giảm chất lượng cuộc sống của người dân.
“Chúng ta cố gắng để kinh tế phát triển, đời sống nâng cao, văn hóa được hưởng thụ ở nhiều góc độ khác nhau thì dứt khoát cũng phải tìm cách để xử lý cho bằng được những vấn đề tác động làm giảm cuộc sống của người dân, trong đó có tiếng ồn” - ông Hoan nhấn mạnh.
“Cuộc chiến chống tiếng ồn” ở thành phố đông dân nhất nước được cho là rất bài bản, khi được chia thành 2 giai đoạn. Giai đoạn 1: Cho đến cuối tháng 5, sẽ tập trung cho công tác tuyên truyền, vận động cam kết, kiểm tra, nhắc nhở và hoàn thiện các quy định pháp luật để phổ biến cho người dân. Giai đoạn này chưa có việc xử lý vi phạm hành chính về tiếng ồn. Giai đoạn 2: Từ tháng 6 đến cuối năm sẽ tập trung kiểm tra và xử lý nghiêm túc các hành vi vi phạm theo quy định.
Nói về chuyện “né” việc, kêu rằng khó xử lý, vị Phó Chủ tịch UBND thành phố cho rằng lâu nay chúng ta hay nghiêng về hướng có máy đo để xác định được cường độ, nhưng điều đó chỉ áp dụng trong một không gian cụ thể, còn không gian công cộng thì không thể áp dụng được. Cho nên phải áp dụng giải pháp khác. “Cứ loay hoay chỗ không có công cụ để đo âm thanh, không có người thực hiện nhiệm vụ và thời điểm không phù hợp để rồi buông không quản lý tiếng ồn là không đúng” - ông Hoan nói.
Còn nhớ, hồi giữa tháng 7/2020, tại kỳ họp 20 HĐND TP HCM khóa IX, đại biểu đã chất vấn Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao về việc karaoke “loa kẹo kéo” gây ồn ào. Tuy nhiên, giám đốc sở này cho biết Sở không có chức năng đo tiếng ồn; việc xử phạt tiếng ồn theo quy định là trách nhiệm của Sở Tài nguyên và Môi trường, Công an thành phố và trách nhiệm của chính quyền địa phương. Còn Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường lại cho biết đối với các nguồn tiếng ồn lớn, Sở này có trách nhiệm đo đạc và xử lý. Tuy nhiên việc đo tiếng ồn phức tạp, khó xử lý. Cũng tại kỳ họp này, bà Tô Thị Bích Châu - Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP HCM đề nghị UBND các cấp xử lý triệt để nạn hát karaoke bằng loa thùng, loa kéo gây ồn ào.
Chuyện nhỏ hóa ra không nhỏ chút nào khi nó tác động xấu tới cuộc sống, từng ngày từng giờ “tra tấn” người dân. Điều này lẽ ra phải được làm từ lâu nhưng cứ lần lữa kêu khó, hoặc cho là “vặt vãnh” nên ngày một tăng cấp độ. Nói như một vị lãnh đạo Sở Y tế TP HCM thì những người thường xuyên tiếp xúc với tiếng ồn (bao gồm karaoke) thì mức độ sử dụng thuốc an thần cao hơn, tiếng ồn ảnh hưởng đến tim mạch, huyết áp dẫn đến đột quỵ.
Không biết lần này có dẹp được nạn tiếng ồn không, nhưng nếu vẫn cứ giữ mức phạt “nhẹ hều” như cũ thì chắc chắn là không ăn thua. Theo báo cáo của Sở Tài nguyên - Môi trường TP HCM, trong cả 2 năm 2019 - 2020, các quận huyện xử lý 141 trường hợp vi phạm, nhưng chỉ có 20 trường hợp vi phạm tiếng ồn trong sinh hoạt khu dân cư với tổng số tiền phạt 2,6 triệu đồng.
Quy định xử phạt tiếng ồn được áp dụng theo Nghị định 167/2013 và Nghị định 155/2016. Nhưng cả 2 quy định này đều còn bất cập. Nghị định 167 chỉ được xử phạt hành vi gây ồn từ 22 giờ đến 6 giờ sáng hôm sau, mức phạt chỉ từ 100.000 - 300.000 đồng. Còn Nghị định 155 mức phạt cao nhưng cán bộ phường không có thẩm quyền đo và lập biên bản xử phạt mà phải thuê đơn vị có chức năng đo đạc tiếng ồn.
Thì ra, nguyên nhân sâu xa của nạn tiếng ồn dai dẳng chính là ở chỗ mức phạt quá nhẹ, không khiến ai sợ cả. Vậy thì rất cần phải điều chỉnh quy định để theo kịp thực tiễn. Nhân đây cũng xin được nhắc lại chuyện vừa rồi, đó là phạt tiền triệu người không đeo khẩu trang nơi công cộng. Lập tức tình hình chuyển biến ngay.
Với tiếng ồn, thực hiện hành vi sống văn minh đương nhiên cần có thời gian nhưng nếu có chế tài mạnh thì khoảng thời gian ấy sẽ được rút ngắn. Trước kia, nghe chuyện bên trời Tây khi hàng xóm gây tiếng ồn lập tức bị nhà bên cạnh gọi điện cho cảnh sát đến phạt ngay. Nghe lạ lẫm quá, có gì đâu mà căng thẳng thế. Hóa ra chính cách suy nghĩ ấy đã làm cho các “hung thần karaoke” trong khu dân cư, trên đường phố nảy nở.
Nay, TP HCM quyết truy quét tiếng ồn. Thiết nghĩ các địa phương khác cũng nên học theo.