Cha mẹ tá hỏa vì ‘của quý’ bé trai 2 tuổi bỗng nhiên ‘mất đạn’
Kiểm tra "của quý" trên cơ thể con trai, cha mẹ bệnh nhi tá hỏa khi phát hiện tinh hoàn đã biến mất. Các bác sĩ tiến hành cuộc phẫu thuật và phát hiện tinh hoàn của bé nằm trong ổ bụng.
Đó là trường hợp bệnh nhi N.T.T. (2 tuổi, ngụ tỉnh Bến Tre) vừa được người nhà chuyển đến thăm khám, điều trị tại Bệnh viện Nhi Đồng 2, TPHCM. Thời điểm đưa con vào bệnh viện gặp bác sĩ, tâm trạng của cha mẹ bệnh nhi thể hiện rõ sự hoang mang, lo lắng.
Người mẹ cho biết, sau khi sinh qua kiểm tra chị phát hiện một bìu bên trái của con không thấy tinh hoàn. Nghĩ rằng bé còn nhỏ nên tinh hoàn chưa phát triển nên người nhà tiếp tục theo dõi. Thời điểm bé được hơn 1 tuổi, thì cả 2 tinh hoàn đều xuất hiện ở vùng bìu nên gia đình tạm an tâm.
Tuy nhiên, gần đây trong lúc tắm cho bé, người mẹ kiểm tra thì phát hiện cả 2 tinh hoàn của con đã biến mất. Lo lắng có vấn đề bất thường, ảnh hưởng đến sức khỏe và giới tính cũng như khả năng sinh sản của con về sau nên gia đình vội đưa bé tới Bệnh viện Nhi Đồng 2 thăm khám.
Qua kiểm tra, các bác sĩ chuyên khoa tiết niệu sinh dục trẻ em không thấy tinh hoàn ở vùng bìu hay ống bẹn, siêu âm cũng không phát hiện vị trí tinh hoàn. Bé được chẩn đoán tinh hoàn ẩn không sờ thấy, rất có khả năng nằm trong ổ bụng.
Sau hội chẩn, các bác sĩ quyết định thực hiện cuộc phẫu thuật nội soi tìm tinh hoàn cho bệnh nhi. Tiến sĩ - Bác sĩ Phạm Ngọc Thạch, Phó giám đốc Bệnh viện Nhi đồng 2 cùng Bác sĩ Lê Nguyễn Yên, Phó khoa Tiết niệu đã trực tiếp thực hiện cuộc phẫu thuật cho bé. Trong quá trình nội soi, các bác sĩ đã tìm thấy tinh hoàn nằm trong ổ bụng của bệnh nhi.
Theo BS Ngọc Thạch, đây là ca bệnh đòi hỏi chuyên môn cao cần sự phối hợp nhịp nhàng và chính xác. Nếu cố gắng hạ tinh hoàn xuống, phẫu thuật viên có thể vô tình làm căng hệ thống tưới máu, khiến nguồn cung máu bị giảm, gây teo tinh hoàn về sau khi bệnh nhân lớn lên. Bên cạnh đó, nếu cố đưa tinh hoàn xuống mà trạng thái tinh hoàn quá căng dễ dẫn đến tinh hoàn quay về ổ bụng.
Các bác sĩ đã phát hiện tinh hoàn của bệnh nhi nằm trong ổ bụng và đưa về đúng vị trí thành công.
Ê kíp phẫu thuật đã nhẹ nhàng di động tinh hoàn, đưa xuống đúng vị trí vùng bìu đồng thời bảo toàn ống dẫn tinh, tránh tổn thương các mạch máu cung cấp cho tinh hoàn. Sau mổ tinh hoàn bệnh nhi nằm đúng vị trí trong bìu, vết mổ sạch, sức khỏe bệnh nhi phục hồi rất tốt.
Theo phân tích của Tiến sĩ - Bác sĩ Phạm Ngọc Thạch, trong thời kỳ phôi thai, tinh hoàn di chuyển từ trong ổ bụng xuyên qua thành bụng ở vùng bẹn vào vị trí bình thường là bìu. Nếu trong quá trình này tinh hoàn gặp phải một sự khiến chúng không nằm ở bìu mà nằm ở bụng, ở bẹn thì gọi là tinh hoàn ẩn.
Tinh hoàn ẩn có thể gặp ở 30% các trường hợp sinh non, nhưng với trẻ sinh đủ tháng, xuất độ chỉ còn khoảng 3%. Ở những trẻ có tinh hoàn ẩn, khoảng 70% trường hợp tinh hoàn sẽ xuống bìu trong những tháng đầu nhưng sau 1 tuổi thì tỷ lệ tinh hoàn ẩn xuống bìu rất ít, không đáng kể.
Tinh hoàn ẩn nếu không điều trị sẽ dẫn đến nhiều hậu quả đáng tiếc như: giảm khả năng sinh sản, vô sinh; xoắn tinh hoàn do tinh hoàn không được cố định ở bìu như bình thường, tình trạng xoắn dẫn tới thiếu máu gây hoại tử khiến bệnh nhân đối mặt với nguy cơ phải cắt bỏ tinh hoàn.
Nghiêm trọng hơn, tinh hoàn ẩn có nguy cơ hóa ác gây ung thư tinh hoàn cao gấp 22 đến 40 lần so với tinh hoàn bình thường nằm ở bìu. Đặc biệt nếu tinh hoàn nằm trong ổ bụng thì nguy cơ hóa ác càng cao do nhiệt độ trong ổ bụng cao hơn ở bìu khiến tinh hoàn không phát triển và giảm số lượng tế bào mầm . Ngoài ra, khi bị tinh hoàn ẩn một bên thì tinh hoàn đối diện cũng có nguy cơ hóa ác đến 1/4 các trường hợp.
Bác sĩ khuyến cáo phụ huynh, để nhận biết tinh hoàn ẩn, giải pháp đơn giản nhất là sờ bìu của bệnh nhi kiểm tra khi bé đang đứng. Ở tư thế đứng nếu không thấy tinh hoàn thì tiếp tục kiểm tra khi bé nằm. Với tư thế này, phụ huynh sờ lên vùng bẹn có thể thấy có một khối cộm nhỏ di động hoặc không thấy. Khi phát hiện tình trạng trên phụ huynh nên đưa bé đến bệnh viện nhi để được bác sĩ thăm khám và can thiệp kịp thời.