Chàng sinh viên Học viện An ninh, Mùa A Sinh: Niềm tự hào của bản làng
Ngày xuống thủ đô Hà Nội học đại học, bạn bè gọi Mùa A Sinh là "trai bản" chính hiệu. Chàng trai người Mông năm ấy nay đã là sinh viên năm cuối của Học viện An ninh nhân dân.
Từ trong rừng kiếm ăn đến ước mơ trở thành công an
Ngày xuống thủ đô Hà Nội học đại học, bạn bè gọi Mùa A Sinh là "trai bản" chính hiệu. Chàng trai sinh năm 1999 tại xã Tà Mung, huyện Than Uyên, tỉnh Lai Châu nay đã là sinh viên năm cuối của Học viện An ninh nhân dân. Mùa A Sinh đã tự tin hơn khi khoác trên mình bộ đồng phục ngành màu cỏ úa đặc trưng.
Mùa A Sinh là con út trong gia đình có 7 chị em. Gia đình A Sinh trông cả vào ruộng nương, 6 người chị của cậu học lấy con chữ rồi lần lượt lấy chồng. Bố A Sinh thấy đời mình khổ sẵn rồi, không muốn con trai cũng theo con đường cũ của ông, của các chị nên quyết tâm cho A Sinh đi học bất chấp cái nghèo luôn rình rập.
Lên cấp 2, bố A Sinh tiễn cậu xuống huyện học nội trú cách nhà 20km. A Sinh chuyên tâm vào học hành, thỉnh thoảng cuối tuần lại về thăm nhà, lăn vào giúp bố mẹ việc ruộng nương, cày cấy, đi rừng chăm sóc thảo quả để kiếm thêm tiền đi học.
A Sinh có thành tích học tập đáng nể so với bạn bè cùng trang lứa. Cậu từng đạt giải khuyến khích kỳ thi học sinh giỏi môn Sử cấp tỉnh, giải ba kỳ thi học sinh giỏi môn Hóa cấp huyện cùng thành tích tốt ở các môn Giáo dục Quốc phòng, Vật lý.
"Em không thông minh như người ta nên em phải chăm chỉ", A Sinh chia sẻ bí quyết đạt thành tích học tập tốt của mình.
Ngay từ năm học lớp 10, A Sinh đã đặt mục tiêu đạt học lực tốt để được xét học bạ vào Học viện An ninh nhân dân. Nhờ vậy, 3 năm học cấp III, A Sinh luôn là học sinh khá, giỏi của trường.
"Từ nhỏ, khi xem những bộ phim cảnh sát hình sự trên truyền hình, em đã rất hâm mộ và muốn trở thành một chiến sĩ công an. Lớn hơn một chút, em nhận thấy bà con trong bản mình khổ quá, lại nhiều tệ nạn xã hội do thiếu hiểu biết. Vì vậy em càng cố gắng học tập để đạt được ước mơ, sau này quay về giúp đỡ bà con", Mùa A Sinh chia sẻ.
Ngày A Sinh đỗ đại học, cậu vui mừng rục rịch chuẩn bị hành trang xuống thủ đô học tập từ sớm. Bố mẹ cậu làm cỗ linh đình mời họ hàng, thầy cô giáo. Cán bộ xã xuống chúc mừng chàng trai duy nhất của xã trúng tuyển ngôi trường của lực lượng Công an nhân dân.
Mang tri thức giúp đỡ bản làng
Mùa A Sinh nhiều năm liền là sinh viên khá của Học viện An ninh nhân dân. Chàng trai người Mông hăng hái tham gia nhiều hoạt động xã hội, được đồng hương tín nhiệm bầu làm Hội trưởng Hội đồng hương Lai Châu của trường.
Sự thiếu hiểu biết và tệ nạn xã hội hoành hành trên quê hương mình khiến A Sinh luôn trăn trở về việc phải giúp đỡ bà con. Nhiều bạn bè cùng trang lứa với A Sinh trên bản giờ đã hai tay hai đứa con. Còn A Sinh, ngay từ năm 3 đại học đã tranh thủ những kì nghỉ ngắn ngày để về quê phối hợp cùng đoàn xã tổ chức những buổi tuyên truyền, giáo dục nhận thức cho người dân bản.
Cả xã hiếm có người học cao, lại học ngành công an, lớn lên từ bản làng, nên A Sinh nhận được sự tin tưởng của dân bản. A Sinh luôn đứng ra tuyên truyền, giáo dục cho bà con về chính sách của Đảng, pháp luật của nhà nước, những tác hại của tệ nạn xã hội, cách phòng chống dịch bệnh Covid-19, hướng bà con tập trung làm kinh tế…
"Bà con cũng tiếp thu, chăm chú lắng nghe vì tin tưởng mình là người được ăn học đàng hoàng. Khi giải thích xong thì họ cũng vỡ lẽ, trầm trồ cả lên.
Mình mới chỉ là sinh viên nên khó khăn nhất là đứng trước đông đảo người dân, toàn các cô, các bác lớn tuổi. Mình tuyên truyền, giảng giải bằng tiếng Mông cho bà con hiểu, vừa dịch sang tiếng Mông vừa giảng cùng lúc khiến mình còn va vấp nhiều chỗ nhưng dần cũng quen.
Mình không dám khẳng định rằng việc mình làm có thể thay đổi được bà con nhưng cũng góp phần để bà con hiểu rằng như thế nào là đúng", A Sinh chia sẻ.
Những vấn đề nào dân bản chưa biết, họ sẽ gọi điện nhờ A Sinh tư vấn. A Sinh thường xuyên chỉ cho họ cách làm các loại giấy tờ, thủ tục khi bán đất, các quy định của pháp luật.
Cuối năm 2020, thương bản làng bị mùa đông lạnh giá bao phủ, A Sinh đã thông qua Hội đồng hương của mình, tổ chức chương trình Đông ấm vùng cao. Cậu viết thư kêu gọi các nhà hảo tâm quyên góp tiền bạc, quần áo, sách vở tặng bà con.
Trong lúc thi cử dồn dập, chuẩn bị mọi thứ cho kì thực tập, A Sinh cùng cộng sự vẫn dành thời gian rong ruổi xe máy tới các điểm tặng quần áo cũ, sách vở…
"Khi nhận được quà, người dân rất vui mừng và nói lời cảm ơn. Đó là niềm vui với mình, vì khi họ nói được câu cảm ơn, tức là họ đã phần nào nâng cao nhận thức", A Sinh phấn khởi.
Mùa A Sinh cho biết, sau khi tốt nghiệp cậu mong muốn trở về quê hương công tác để được tiếp tục phục vụ bà con.