Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng hay Bùi Sỹ Lợi liệu có tái cử?
“Về trường hợp các chuyên gia như đại biểu Lưu Bình Nhưỡng hay Bùi Sỹ Lợi thì đã có văn bản gửi Bộ Chính trị, và Ban Tổ chức Trung ương xem xét. Và đến nay vẫn chưa có kết quả, chưa nhận được văn bản trả lời" - Phó Trưởng ban Công tác đại biểu Nguyễn Tuấn Anh nhấn mạnh.
Ngày 23/3, Văn phòng Quốc hội tổ chức buổi họp báo về dự kiến chương trình kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa XIV.
Trả lời báo chí về việc kỳ họp này Quốc hội sẽ thông qua các chức danh lãnh đạo Nhà nước, và kỳ họp thứ 1 Quốc hội khóa XV lại bầu lại và trong đó có sự trùng nhau về chức danh?, ông Nguyễn Hạnh Phúc, Tổng Thư ký Quốc hội cho rằng: Đây không phải lần đầu tiên kiện toàn một số chức danh Nhà nước. Tại khóa XIII Quốc hội đã kiện toàn một số chức danh Nhà nước do sau đại hội Đảng có một số người không tham gia nữa.
Do đó từ kết quả sau đại hội Đảng cần phải kiện toàn một số chức danh chứ không phải tất cả. Ngay cả một số người dù không tham gia chức danh lãnh đạo nữa nhưng họ vẫn là ĐBQH của khóa XIV.
Còn việc tuyên thệ là theo quy định vì đã lên đến chức này thì phải tuyên thệ. Việc tuyên thệ là bình thường. Khi bầu Chủ tịch nước, Thủ tướng, Chủ tịch Quốc hội, những chức danh này đều phải tuyên thệ, đã nhậm chức thì phải tuyên thệ. Tháng 7 tuyên thệ là của khóa XV, còn tuyên thệ nhậm chức là ở khóa XIV.
Liên quan đến việc thời gian làm công tác nhân sự khá dài và lần này có bao nhiêu chức danh được kiện toàn?, ông Phúc cho rằng: Nhân sự là quy trình không bớt được, muốn bầu thì trước tiên phải miễn nhiệm trước. Trong quá trình trước khi Quốc hội biểu quyết thì đều phải thảo luận ở đoàn để trao đổi, sau đó Ủy ban Thường vụ Quốc hội nghe ý kiến của các ĐBQH, sau đó mới báo cáo Quốc hội.
Ông Phúc nói: “Quy trình chặt chẽ nên không thể bớt bước nào được. Sau khi bầu Chủ tịch Quốc hội mới bầu Chủ tịch nước, và Chủ tịch nước giới thiệu Thủ tướng mới để Quốc hội bầu nên các bước không thể tắt được. Hay như bầu Thường vụ Quốc hội thì Chủ nhiệm các Ủy ban đều phải là các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội trước đã. Muốn vậy phải miễn nhiệm một số Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũ và bầu Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội mới, sau đó mới đến bầu Chủ nhiệm các Ủy ban, và Tổng Thư ký Quốc hội”.
Ông Phúc cũng cho rằng, vấn đề nhân sự được làm chặt chẽ, bài bản từng bước. Do đó bầu Thường vụ Quốc hội được chia làm 3 đợt; đợt 1 là Chủ tịch Quốc hội, đợt 2 là Phó Chủ tịch Quốc hội; đợt 3 là số chức danh của Ủy ban Thường vụ Quốc hội để luôn đảm bảo số 2/3 số Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội do còn liên quan đến vấn đề giải trình và cho ý kiến. Nếu miễn nhiệm ngay tất cả sẽ không đủ số Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội để giải trình và cho ý kiến.
“Đúng là lần này dài nhưng là nguyên tắc, từng bước theo đúng quy định của pháp luật. Còn đầu nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV lại rất nhanh chỉ bầu một lần. Lần này Quốc hội sẽ kiện toàn các chức danh: Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ, và 25 chức danh như Phó Chủ tịch Quốc hội, Phó Thủ tướng Chính phủ, và phê chuẩn bổ nhiệm một số thành viên Chính phủ theo đề nghị của Thủ tướng Chính phủ” - ông Phúc thông tin.
Trả lời về việc khóa XIV có một số ĐBQH không làm tròn chức trách nhiệm vụ, bị kỷ luật và bị bãi nhiệm. Hiện đang hiệp thương nhưng có ý kiến cho rằng trong số 205 người ứng cử để bầu làm ĐBQH chuyên trách có hiện tượng “con ông cháu cha”, hay đưa người bên ngoài về không đủ tiêu chuẩn, ông Nguyễn Tuấn Anh, Phó Trưởng ban Công tác đại biểu cho rằng: Mong muốn của cử tri cả nước là Quốc hội khóa mới bầu ra những ĐBQH xứng đáng để đại diện cho nhân dân cả nước. Trong khóa XIV đúng là có một số ĐBQH không hoàn thành nhiệm vụ được nhân dân giao phó, và đây là điều đáng tiếc. Có nhiều ĐBQH giữ những vị trí lãnh đạo của bộ, ngành, địa phương, thậm chí có người là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Trung ương Đảng bị mắc sai phạm, bị kỷ luật.
Khóa XIV có 494 ĐBQH, các đại biểu này từ đầu khóa đã đúng, khi thẩm tra tư cách ĐBQH không phát hiện ra vi phạm. Nhưng sau này trong quá trình công tác mới phát hiện ra các vi phạm. “Phải khẳng định các ĐBQH khóa XIV đã làm được nhiều việc, còn một số ĐBQH vi phạm là điều hết sức đáng tiếc” - ông Tuấn Anh cho hay.
Từ bài học kinh nghiệm trên, theo ông Tuấn Anh, để bầu Quốc hội khóa XV, ngay từ đầu Đảng, Chính phủ, Quốc hội, và MTTQ Việt Nam đã có ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, đây là quá trình chuẩn bị hết sức chu đáo.
Còn có ý kiến cho rằng chỉ chú trọng con ông cháu cha, hay người thân quen ở bên ngoài vào làm ĐBQH chuyên trách mà không huy động các chuyên gia có kinh nghiệm để làm ĐBQH chuyên trách thì trước tiên phải khẳng định ĐBQH chuyên trách có tiêu chuẩn riêng. Ví như tuổi phải theo quy định của Bộ Luật lao động sửa đổi, áp dụng từ 1/1/2021. Do đó nếu tái cử thì nam phải đủ 30 tháng công tác.
“Về trường hợp các chuyên gia như đại biểu Lưu Bình Nhưỡng hay Bùi Sỹ Lợi thì đã có văn bản gửi Bộ Chính trị, và Ban Tổ chức Trung ương xem xét. Và đến nay vẫn chưa có kết quả, chưa nhận được văn bản trả lời. Việc giải quyết về trường hợp chuyên gia hay trường hợp đặc biệt đều phải theo ý kiến chỉ đạo của cơ quan chức năng có thẩm quyền” - ông Tuấn Anh cho hay.
Liên quan đến việc có ý kiến cho rằng đưa vào danh sách 205 người để bầu làm ĐBQH chuyên trách là con ông cháu cha, ông Tuấn Anh cho rằng, dù con ông cháu cha hay người bên ngoài đưa vào thì các cán bộ đó phải là người có năng lực và cũng phải căn cứ theo tiêu chuẩn.
Những ứng cử viên này sau khi công bố còn được theo dõi và cho ý kiến. Quan điểm là không chú trọng đối tượng nào. Ngay bản thân các ứng viên này đều do các bộ, ngành, địa phương, MTTQ giới thiệu. Quan trọng là đủ tiêu chuẩn, chứ không vì cơ cấu mà làm giảm đi chất lượng của ĐBQH.
Trả lời thêm về vấn đề này, ông Phúc cho biết: ĐBQH khóa XV phải tuân theo tiêu chuẩn chung và tiêu chuẩn riêng. Riêng đối với 205 ĐBQH chuyên trách thì quy định rất chặt chẽ đó là thứ nhất phải nằm trong quy hoạch ĐBQH chuyên trách, thứ hai chức vụ phải từ Vụ trưởng trở lên, trải qua quy trình 5 bước.
Riêng đối với ĐBQH chuyên trách là các chuyên gia thì sau hiệp thương lần thứ 2 cho thấy những người có trình độ là GS, PGS có 16/205 đại biểu; trình độ Tiến sĩ là 63/205; Thạc sĩ là 94/205; còn lại đại học chỉ chiếm 32/205.
Cho nên nhìn tổng quát thấy chất lượng các ứng viên để làm ĐBQH chuyên trách rất đảm bảo. Chứ không phải vì một vài chuyên gia nghỉ mà cho rằng không đảm bảo chất lượng.
Trả lời về việc đến nay đã có ai tự ứng cử vào các chức danh Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ hay không? ông Tuấn Anh cho biết đến nay chưa thấy ai tự ứng cử vào các chức danh này.
"Đối với những chức danh trên quy trình giới thiệu hết sức chặt chẽ, tuân theo các quy định của Luật Tổ chức Quốc hội, Luật Tổ chức Chính phủ. Đến khi họp Quốc hội sẽ xem có ai tự ứng cử hay không".