Hàng loạt ca khúc Vpop bị nghi ngờ 'đạo nhạc', lỗi tại ai?
Việc “đạo” nhạc trong Vpop đã trở thành bệnh có phần ngày càng tăng nặng. Như trong năm 2020 và đầu năm 2021 đã ồn ào đầy thị phi....
Showbiz Việt, đặc biệt là Vpop luôn bi những nghi án “đạo” nhạc mỗi khi ra mắt một MV mới. Từ đầu năm đến nay, có những MV bị “bay màu” khỏi Youtube trong hơn 24 giờ, hay vừa ra mắt là “dính” nghi án “đạo” nhạc của ca sĩ nước ngoài, có ca sĩ bị tố “đạo” nhạc tới 12 lần và chưa dừng lại. Thật sự có phải chỉ là ảnh hưởng hay Vpop thiếu khả năng sáng tạo trong cuộc đua MV đứng top trending?
Phải công nhận những MV đã tạo nên sinh khí cho thị trường âm nhạc Việt, và chính nhu cầu không ngừng tăng cả chất và lượng của công chúng khán giả, nên tốc độ các MV ra mắt đều rất ấn tượng, không những mở rộng kho tàng ca khúc hit cho khán giả, mà còn làm cho cuộc đua MV trong Top các bảng xếp hạng giữa các ca sĩ trở nên hào hứng và khốc liệt. Nhưng cũng chính vì thế, việc “đạo” nhạc đã trở thành “bệnh” có phần ngày càng tăng nặng. Như trong năm 2020 và đầu năm 2021 đã ồn ào đầy thị phi.
Càng nổi tiếng càng dễ mắc “đạo” nhạc
Trong giới Vpop thì có lẽ hiện tại Sơn Tùng M-TP là vướng scandal “đạo” nhạc kỷ lục, trong 8 năm lên tới 12 lần, gần như MV nào ra cũng dính lùm xùm “đạo” nhạc. Mới nhất, cuối tháng 2/2021, gây rúng động cả làng Vpop là liên tiếp 2 lần bị tố “đạo” nhạc, chỉ trong vài ngày MV sở hữu cả chục triệu view “Chúng ta của hiện tại” bất ngờ bị gỡ khỏi Youtube vì vướng khiếu nại bản quyền từ kênh Youtube của GC. Ngay sau đó, ca khúc “Có chắc yêu là đây” của Sơn Tùng tiếp tục bị tố đạo nhạc beat “Lucky”- Smooth Love R&B Hip Hop Instrumental Beat - Lil Baby x Layton Greene Type Beat 2020 đăng tải vào tháng 11/2019 của tài khoản YouTube Robin Wesley.
Cùng lúc đó, Jack, ca sĩ trẻ có lượng fan đông đảo không kém Sơn Tùng bị “gọi tên” nhiều nhất do vướng vào nghi án đạo nhạc. Từ MV “Em gì ơi”, khi còn hợp tác với K-ICM bị đưa ra mổ xẻ là “đạo” ý tưởng "Vì ai em ra đi" của Akira Phan, và một bản demo "Thứ Jack cần là melody" chưa phát hành đã bị tố sao chép giai điệu bản hit nửa tỷ view “It Ain't Me” của Selena Gomez.
Trong khi Jack vẫn còn đang nằm trong nghi án “đạo” nhạc thì mới đây lại “dính” tiếp khi hai MV "Hoa hải đường" và "Đom đóm" bị dân mạng đem ra soi vì nghi án “đạo” nhạc Hoa Ngữ. "Hoa hải đường" được cho là có sự tương đồng với "Thiên địa vô sương", nhạc phim truyền hình đình đám Hoa Ngữ là "Hương mật tựa khói sương". "Đom đóm" lại được cho rằng lấy ý tưởng trong “Sứ Thanh Hoa” của Châu Kiệt Luân.
Ngay như Erik vừa tung MV mới mang tên “Anh luôn là lý do”, do nhạc sĩ Nguyễn Phúc Thiện sáng tác, nhưng đã vấp phải những tranh cãi trái chiều khi nhiều ý kiến cho rằng sản phẩm của Erik có những giai điệu tương đồng với ca khúc Hoa ngữ Cpop “Tâm lặng như nước” của Ice Paper (ca khúc ra mắt năm 2019 và clip Vietsub ca khúc này đạt gần 10 triệu view trên YouTube).
Trướx đó tháng 3/2020, Phạm Hồng Phước bị nghi “đạo” nhạc khi “Mọi người che mặt sống” khá giống với giai điệu “Apple is A” của nhóm T-ara. Ca khúc “Một chiều mưa bất ngờ” của nhà sản xuất K-ICM do Ryo thể hiện cũng bị cho là được giai điệu “Don't leave” của T-ara "truyền cảm hứng".
Ca khúc “Bức bình phong” của Trịnh Thăng Bình bị chê vì giống với “Sứ thanh hoa” của Châu Kiệt Luân. Rồi Min có 2 ca khúc triệu view cũng bị dân mạng kết luận là “đạo”: “Đừng yêu nữa em mệt rồi” có giai điệu giống với “And One” của TaeYeon, “Vì yêu cứ đâm đầu” khá tương đồng với siêu hit “Impossible” của Shontelle.
“Ai rồi cũng sẽ khác” của Quang Hà có phần giai điệu giống hệt hit khủng “Day By Day” của T-Ara. “Mình là gì của nhau” của Only C cũng bị "ném đá" vì giai điệu giống hệt “Bae Bae” của nhóm Big Bang. “Yêu là tha thu” của Nguyễn Phúc Thiện giống với “Simple Love” của cặp đôi Joyce Chu - Michiyo Ho.
Khắc Hưng, chủ nhân của giải Cống hiến cho hạng mục Nhà sản xuất cũng nhiều lần bị nghi “đạo” nhạc: “Đâu chỉ riêng em” - Mỹ Tâm giống nhạc Hoa, “Get Down” - Isaac giống “Bang Bang Bang” của BigBang, “Ăn gì đây” - Hòa Minzy giống “Niliria” - G-Dragon, “Ghen” giống với “I Got You” - Bebe Rexha...
“Ảnh hưởng” hay thiếu ý tưởng sáng tạo nên…
Ngày 22/1/2021, MV “Chúng ta của hiện tại” của Sơn Tùng bị gỡ khỏi Youtube vì vướng khiếu nạn về bản quyền và chủ kênh này cho biết nhà sản xuất phía Sơn Tùng đã thừa nhận có sự sao chép… Trước đó, năm 2020 fan yêu nhạc Việt bùng nổ nghi vấn ca khúc “Chân ái” của Orange do Châu Đăng Khoa sáng tác “đạo” nhạc vì phần giai điệu giống với 2 ca khúc “Rơi” của Hoàng Thuỳ Linh và “Please Don't Go” của Joel Adams.
Tìm kiếm bằng âm thanh trên mạng lại cho ra beat nhạc “Lier”của tài khoản Elem3ntz, và sau đó nhà sản xuất MV “Chân ái” - Addy Trần thừa nhận: "Châu Đăng Khoa đã dành 600 USD để mua độc quyền bản beat để tránh rắc rối bản quyền về sau". Châu Đăng Khoa còn vướng lùm xùm”đạo” nhạc, thơ với hai ca khúc khác “Người lạ ơi”, “Tình nhân ơi”, nhưng nhạc sĩ chỉ trả treo cãi cọ mà không đưa ra bằng chứng vô tội cho mình.
Tại “Sao Đại chiến” 2018, Phúc Bồ có đến 2 lần "đạo” nhạc Mino (Winner) trong quá trình sáng tác "Cưa cẩm" và "Rap Binh đoàn hổ”, chỉ đến khi bị fan Kpop, đặc biệt là các ICs công kích mới chịu lên tiếng giải thích rất xem thường khán giả: "Thời gian qua, tôi nghe nhạc Hàn Quốc rất nhiều nên có thể bị ảnh hưởng”.
Và với những nghi án đạo nhạc, các ca sĩ Vpop thường hay im lặng, chỉ đến khi bị cư dân mạng “bóc” ráo riết và đưa bằng chứng rát rạt thì mới chịu thừa nhận là bị “ảnh hưởng”, hoặc là mua bản quyền rồi…, chứ gần như ít ai dám thẳng thắn nhận mình “đạo”.
Tại sao lại có hiện tượng “đạo” phổ biến như thế với các MV trong giới Vpop, phải chăng vì áp lực chạy đua phải có MV cho không kém cạnh nhau, hoặc tự mình không vượt qua được chính mình khi không thể nhanh chóng tạo ra một sản phảm mới sáng tạo mới hơn cái đã qua, hoặc giả cố tình “đạo” bởi chủ quan không ai biết mà “bắt”, và tệ hơn là trình không đủ nên “đạo” để hòng sớm được nổi tiếng…?
Bất kể là lý do hay nguyên nhân, nhưng khi đã “đạo” dù giống hệt hay chỉ giống ý tưởng hay chỉ na ná một vài nốt nhạc - giai điệu, ngay cả việc mua bản quyền beat thì cũng là chứng tỏ sự thiếu kém khả năng sáng tạo, khi cái “gốc” bài bản về âm nhạc của rất nhiều ca sĩ Vpop không có.
Thời 4.0, âm nhạc thị trường Việt cũng đã vươn ra khu vực, và có rất nhiều MV nằm trong các Top bảng xếp hạng trên nền tảng số các kênh âm nhạc quốc tế về số lượt view, like… Cũng là lúc các ca sĩ, các nhà sản xuất MV nên nghiêm túc và thành thật với chính mình, với sản phẩm của mình, để tạo ra môi trường âm nhạc Việt lành mạnh, tạo uy tín không chỉ với các fan Việt mà còn với bạn bè quốc tế yêu Vpop.