Thương mại điện tử: Không lẽ chỉ mua hàng bằng… niềm tin

H.Hương 24/03/2021 06:25

Với tốc độ phát triển nhanh của kinh tế số và Internet và với lợi ích của thương mại điện tử (TMĐT) mang lại, nhưng cũng có nhiều rủi ro trục trặc xảy ra cần phải có chính sách như thế nào, liều lượng như thế nào là phù hợp là vấn đề cần được lưu tâm.

TMĐT cũng đang tồn tại nhiều vấn đề như hàng gian, hàng giả, vi phạm thương quyền... Bên cạnh đó, nhiều người tiêu dùng phàn nàn về các sản phẩm rao bán trên mạng xã hội không được thực hiện kiểm tra, chất lượng hàng hóa không đúng như quảng cáo, ảnh hưởng đến quyền lợi người tiêu dùng.

Hiện có 2 kênh bán hàng khá phổ biến được biết đến là Facebook Zalo. Trong đó 2 mạng xã hội có bổ sung chức năng hỗ trợ hoạt động có yếu tố TMĐT (như Marketplace của Facebook hay Shop của Zalo) song chức năng này mới chỉ dừng lại ở khâu giới thiệu sản phẩm và cung cấp thông tin, chưa có chức năng đặt hàng trực tuyến. Vì vậy dẫn đến việc ai có gì cũng đưa lên mạng bán. Người mua cũng mua bằng niềm tin không được kiểm chứng chất lượng sản phẩm.

Một trong những điểm khác biệt nổi bật giữa mạng xã hội và sàn TMĐT là cho đến nay các mạng xã hội chưa có chức năng đặt hàng trực tuyến. Người mua và người bán vẫn phải liên hệ trực tiếp với nhau để hoàn thành giao dịch thương mại. Trong khi đó các sàn TMĐT có thể có chức năng đặt hàng trực tuyến và cho phép giao dịch được hoàn tất trên môi trường mạng từ khâu đặt hàng cho đến khâu vận chuyển và giao hàng.

Tại cuộc tọa đàm “TMĐT trên mạng xã hội tại Việt Nam một số vấn đề pháp lý”, được Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức sáng ngày 23/3, ông Đậu Anh Tuấn - Trưởng ban Pháp chế VCCI cho biết, hiện nhiều quy định quản lý thông qua điều kiện kinh doanh cấp giấy phép hoạt động trên môi trường mạng còn nhiều bất cập; vấn đề bảo hộ tài sản sở hữu trí tuệ đối với các loại tài sản trong kinh tế số chưa thực sự rõ ràng, hiệu quả; Các mô hình kinh doanh, dịch vụ trên nền tảng kinh tế số phát triển khá nhanh, nhưng lại chưa có nhiều biện pháp quản lý…

Do vậy, đòi hỏi pháp luật về TMĐT cũng cần có những quy định phù hợp để quản lý hiệu quả cũng như tạo điều kiện cho các hoạt động này phát triển. Việc quản lý hoạt động có yếu tố TMĐT trên mạng xã hội cần có những khác biệt với các loại hình TMĐT khác để phù hợp với bản chất của hoạt động này và có tính khả thi.

Giới chuyên gia cho rằng lâu nay, quyền lợi người tiêu dùng trên TMĐT bị xâm phạm nhiều, TMĐT càng phát triển thì lòng tin người tiêu dùng càng giảm. Do đó, quản lý TMĐT trên mạng xã hội cần phải nhất quán nội dung, cố gắng bảo vệ người tiêu dùng một cách mạnh mẽ. Như vậy, mới chặn được tình trạng hàng giả, hàng kém chất lượng.

Hiện các thành phố lớn như Hà Nội, TPHCM, Đà Nẵng đã đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến chính sách thuế, kê khai nộp thuế đến tất cả người nộp thuế có hoạt động TMĐT. Đồng thời rà soát, đôn đốc người nộp thuế có hoạt động TMĐT phải kê khai, nộp thuế theo quy định phù hợp với phân cấp quản lý người nộp thuế tại địa phương.

Theo thông tin từ Cục Thuế Hà Nội, từ năm 2017 đến nay, đơn vị này đã gửi tin nhắn đến các chủ thuê bao có địa chỉ bán hàng trên các mạng xã hội với 13.000 tin nhắn và đã xác định có khoảng trên 2.000 cá nhân thực hiện các thủ tục đăng ký kê khai thuế. Cục Thuế Hà Nội cũng đã gửi giấy mời trên 1.100 cá nhân đến các chi cục thuế để được hướng dẫn về chính sách và kê khai, nộp thuế.

H.Hương