Hà Nội trước cơ hội vàng
Thành phố Hà Nội đã công bố các đồ án quy hoạch phân khu đô thị nội đô lịch sử tại các quận Hoàn Kiếm, Ba Đình, Đống Đa, Hai Bà Trưng, với việc di dời khoảng 215.000 người dân.
Dân số dự kiến sau khi thực hiện quy hoạch tại Hoàn Kiếm là 100.000 người, Ba Đình 160.000 người, Đống Đa 255.000 người, Hai Bà Trưng 157.000 người. Trước đó, với đồ án quy hoạch sông Hồng cũng nhận được sự quan tâm lớn của người dân.
Ông Nguyễn Đức Hùng, Phó Viện trưởng Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội, cho biết phân khu đô thị H1-1A,B,C (quận Hoàn Kiếm), gồm khu phố cổ, hồ Gươm và phụ cận, khu phố cũ, diện tích quy hoạch 347,65 ha. Dân số dự kiến 100.000 người; hiện trạng đang có 91.219 người. Phân khu đô thị H1-2 (quận Ba Đình), diện tích quy hoạch 703,93 ha. Dân số dự kiến 160.000 người; hiện trạng 199.586 người. Phân khu đô thị H1-3 (quận Đống Đa), diện tích quy hoạch 994 ha. Dân số dự kiến 255.000 người; hiện trạng 371.000 người. Phân khu đô thị H1-4 (quận Hai Bà Trưng), diện tích quy hoạch 664,37 ha. Dân số dự kiến 157.000 người; hiện trạng 255.000 người.
Di dời cư dân nội thành và mở rộng hai bên sông Hồng
Ông Hùng cho rằng, việc Hà Nội giảm khoảng 215.000 người ở 4 quận nội thành trong 10 năm tới là hoàn toàn khả thi và phù hợp với thực tiễn. Theo đó sẽ có 120.000 người thuộc diện giải phóng mặt bằng làm đường, lấn chiếm công trình công cộng được di dời; giảm cơ học 100.000 người khi di dời các trụ sở bộ, ngành. Trong 6 năm qua, dân số quận Hoàn Kiếm cũng tự giảm 20.000 người.
Còn theo ông Phạm Tuấn Long, Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm, quy hoạch nội đô lịch sử vừa được phê duyệt cũng gắn với đề án giãn dân mà quận triển khai trong nhiều năm qua. Ông Long cho rằng nhu cầu của người dân hiện nay cao hơn so với trước, nhiều người mong muốn có diện tích nhà ở lớn hơn, tiện nghi hơn, nhà ở trong phố cổ không đáp ứng được, vì thế họ chọn việc di chuyển ra ngoài.
Còn về đồ án quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng, cũng nhận được sự quan tâm rất lớn. Vì rằng sẽ có khoảng 1 triệu người “có chỗ ở” dọc theo sông Hồng, đồng thời cũng tác động tới hơn 1.500 hộ dân có thể phải di dời.
Đây là một dự án cho thấy khát vọng vươn lên của Hà Nội, khi kéo dài từ cầu Hồng Hà đến cầu Mễ Sở (khoảng 40km). Nhiều người hy vọng Hà Nội sẽ lập nên “kỳ tích sông Hồng” sau nhiều lần bàn thảo, dự định.
Dự kiến, khu vực này sẽ phát triển hệ thống đường trục và hệ thống mạng đường ven sông, đường dành cho người đi bộ và xe đạp; xây dựng cầu, hầm nối kết đô thị hai bên sông, kết nối giao thông đô thị và đường thủy, tạo điều kiện và động lực phát triển cho khu vực.
Về giải pháp quy hoạch đường và đê từng khu vực và trên toàn tuyến, trong đó đê chính đoạn qua khu vực nội đô giữ theo hiện trạng, các đoạn còn lại nâng cấp thành đường chính khu vực (4 làn xe). Đường ven sông: dự kiến dành hành lang cho 2 tuyến đường cấp đô thị (6 làn xe) chạy dọc sông tại các khu vực dân cư được tồn tại bảo vệ và các khu vực được nghiên cứu xây dựng mới.
Phân khu đô thị sông Hồng bao phủ diện tích 11.000 ha thuộc địa giới 13 quận huyện (55 phường xã) gồm: Đan Phượng, Bắc Từ Liêm, Tây Hồ, Ba Đình, Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng, Hoàng Mai, Thanh Trì, Thường Tín, Mê Linh, Đông Anh, Long Biên, Gia Lâm. Hiện đất bãi trong khu vực quy hoạch chiếm khoảng 5.480 ha (tương đương 50% tổng diện tích), chủ yếu trồng rau, hoa, cây cảnh và đất chưa sử dụng. Khu vực đã xây dựng rộng 1.190 ha (chiếm 11% tổng diện tích). Phần sông Hồng có diện tích 3.600 ha (chiếm 33% tổng diện tích).
Đáng chú ý, theo đồ án, bãi sông được nghiên cứu theo phương án xây khu đô thị mới hiện đại, khu nhà ở sinh thái, công trình công cộng. Khu vực bãi sông còn lại được định hướng phát triển không gian mở với loại hình công viên - quảng trường đô thị, công viên ngập lũ, phục hồi tự nhiên và không gian sinh thái nông nghiệp.
Thành phố Hà Nội dự kiến trong tháng 6/2021 sẽ cơ bản phê duyệt xong quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng. Sau khi quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng được phê duyệt, sẽ là cơ sở để chính quyền địa phương triển khai các quy hoạch chi tiết, các dự án cụ thể và là cơ sở để cấp phép xây dựng giúp cho người dân ổn định cuộc sống. Sẽ có khoảng 1.500 hộ dân phải di dời để bảo đảm an toàn phòng chống lũ.
Đòi hỏi nỗ lực, quyết tâm của chính quyền cùng sự đồng thuận của người dân
Xung quanh việc di dời dân ra khỏi khu vực trung tâm nội thành, không phải bây giờ mới tiến hành. Tuy nhiên, nhiều năm qua dẫu có vận động, đền bù, xây nhiều khu tái định cư nhưng nhìn chung kết quả đạt được thấp, nhất là tại khu vực phố cổ cũng như xung quanh Hồ Gươm.
Có thời kỳ, giá 1 m2 đất ở đây đắt ngang với giá đất tại trung tâm Thủ đô Tokyo (Nhật Bản). Người dân chấp nhận chen chúc trong một không gian cực hẹp vì cơ hội buôn bán, lợi nhuận lớn. Di dời, tới khu tái định cư có chỗ ở rộng hơn nhưng cơ hội làm ăn lớn không còn, cùng đó là những bất tiện khi phải tới trung tâm thành phố trên một đoạn đường xa cũng như những thiết chế bảo đảm cuộc sống sinh hoạt ở nơi mới chưa thể hoàn thiện, thuận tiện.
Thực tế thì cũng có những hộ dân phố cổ ra đi, nhưng số người dồn vào trung tâm Hà Nội còn nhiều hơn. Theo PGS.TS Lưu Đức Hải (Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam), mỗi ngày có hàng vạn người từ các vùng lân cận di chuyển vào khu vực trung tâm đến các cơ quan, bộ, ngành để làm việc đang tạo thêm những áp lực lớn cho hạ tầng giao thông và môi trường. Vì thế, việc di chuyển hàng vạn người ra làm việc tại khu vực vùng ven sẽ giúp cho khu vực trung tâm trở nên thông thoáng hơn và cũng là điều kiện tốt để chính quyền Hà Nội kiện toàn các chức năng đô thị đang còn thiếu.
Như vậy, gần như cùng một lúc, Hà Nội quyết tâm thực hiện hai việc rất lớn là di dời dân khu vực trung tâm ra bên ngoài và tạo cơ hội phát triển dọc theo hai bên bờ sông Hồng. Theo KTS Lưu Quang Huy (Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội), tại khu vục sông Hồng nếu chỗ nào đánh giá mức độ nguy hiểm chưa cao mà người dân sống ổn định lâu thì tạo điều kiện để giữ lại. Và rằng việc di dân là trách nhiệm của chính quyền địa phương
Còn TS Đào Trọng Tứ, Trưởng ban Điều hành Mạng lưới sông ngòi Việt Nam (VRN) cho biết, khi chưa có quy hoạch chi tiết (đồ án sông Hồng) thì rất khó để nói. Tuy nhiên, vấn đề quan trọng nhất vẫn là bảo đảm cuộc sống ổn định cho người dân. Còn trong khi đã có quy hoạch chi tiết, cơ quan chức năng sẽ xem xét câu chuyện đất lấn chiếm, đất có sổ đỏ.
Dầu sẽ có nhiều khó khăn phát sinh trong quá trình giãn dân khu vực trung tâm Thủ đô cũng như xây dựng đô thị mới hai bên bờ sông Hồng, thì dư luận chung cho rằng đây là cơ hội rất lớn đối với Hà Nội. Tuy nhiên, để thực hiện được đòi hỏi phải có những nỗ lực rất lớn, quyết tâm rất cao từ phía chính quyền, trong đó rất quan trọng là sự đồng thuận của người dân.