Mở rộng các mô hình tuyên truyền, vận động quần chúng
Việc thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở (QCDC) trên địa bàn tỉnh An Giang đã tác động tích cực đến chủ trương xây dựng và chỉnh đốn Đảng, xây dựng chính quyền trong sạch vững mạnh.
Việc làm đó đã tác động không nhỏ đến ý thức người dân, tạo không khí phấn khởi trong cộng đồng, góp phần nâng cao uy tín của Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức đoàn thể.
Theo ông Nguyễn Tiếc Hùng, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh An Giang, trong năm 2020, việc thực hiện QCDC đã được các cơ quan, đơn vị tiếp tục tuyên truyền, phổ biến, triển khai thực hiện mạnh mẽ ở các loại hình. Các cấp chính quyền, cơ quan, đơn vị đã gắn công tác dân vận chính quyền với việc xây dựng và thực hiện QCDC, thực hiện tốt nội quy, quy chế cơ quan, chú trọng công tác cải cách hành chính gắn với thực hành dân chủ, nhất là những cơ quan, đơn vị thường xuyên tiếp xúc với nhân dân; thực hiện tốt việc niêm yết công khai các thủ tục hành chính, công khai hóa các hoạt động, tạo sự đồng thuận, phát huy dân chủ trong nhân dân.
Việc thực hiện QCDC đã góp phần chấn chỉnh lề lối, phương pháp, tác phong làm việc của cán bộ, công chức, viên chức của Đảng và chính quyền theo hướng gần dân, tôn trọng, lắng nghe ý kiến nhân dân. Nhờ vậy, thời gian qua, nhiều vụ bức xúc trong nội bộ nhân dân được giải quyết tại chỗ, công tác hòa giải ở cơ sở được đẩy mạnh. Nhiều hoạt động của MTTQ tỉnh phối hợp Sở Tư pháp như củng cố các tổ hòa giải ở khóm, ấp; tập trung hướng dẫn hoạt động hòa giải những tranh chấp tại cộng đồng được chú trọng triển khai.
“Thực hiện QCDC được các cấp ủy Đảng, chính quyền, MTTQ và các tổ chức đoàn thể trong tỉnh tiếp tục triển khai thực hiện, tạo sự chuyển biến tích cực, mang lại kết quả cụ thể trên từng lĩnh vực, góp phần hoàn thành nhiệm vụ chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh. Qua đó, nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên và nhân dân về mục tiêu mở rộng dân chủ ở cơ sở, làm chuyển biến về phương thức lãnh đạo của Đảng, điều hành quản lý của chính quyền và hoạt động của các đoàn thể” - ông Hùng chia sẻ.
Trước tình hình dịch bệnh Covid-19 bùng phát, tỉnh đã tập trung chỉ đạo và huy động cả hệ thống chính trị, người dân chung tay tham gia phòng, chống dịch bệnh. Khi thực hiện việc này các lực lượng trên địa bàn tỉnh đã phối hợp nhịp nhàng, đồng bộ nên công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19 đạt hiệu quả cao. Bên cạnh đó, tỉnh cũng xây dựng kế hoạch đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh nhằm giảm thiểu khó khăn cho những đối tượng yếu thế, đảm bảo ổn định đời sống nhân dân.
Để góp phần thực hiện tốt QCDC ở cơ sở, tỉnh An Giang đã không ngừng mở rộng các mô hình trong tuyên truyền, vận động quần chúng. Năm 2020, toàn tỉnh có 2.374 mô hình đăng ký thực hiện ở 2 nhóm danh hiệu “Dân vận khéo” và “Dân vận khéo trong xây dựng nông thôn mới”.
Đến nay, có 1.772 mô hình thực hiện trên 4 lĩnh vực gồm: Phát triển kinh tế; văn hóa - xã hội; đảm bảo quốc phòng - an ninh; xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh. Trong đó, nhiều mô hình “Dân vận khéo” đã triển khai có hiệu quả từ những năm trước được duy trì phát triển... Thông qua phong trào, nhiều tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh đã đóng góp và vận động đóng góp hơn 100 tỷ đồng để phục vụ công tác an sinh xã hội, góp phần hoàn thành các chỉ tiêu xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh trên địa bàn tỉnh.