Ngăn đường nhập lậu, cách nào?
Hiệp hội Mía đường Việt Nam (VSSA) đang vận động ban hành chính sách bắt buộc truy xuất nguồn gốc với ngành mía đường. Đây được xem là biện pháp mạnh tay nhằm ngăn chặn đường nhập lậu.
Nhập lậu bằng lượng sản xuất trong nước
Hiệp hội Mía đường Việt Nam (VSSA) thông tin, đường nhập lậu vào Việt Nam từ năm 1999, có nguồn gốc từ Thái Lan vào Việt Nam qua biên giới Tây Nam. Theo số liệu thống kê của tổ chức Đường quốc tế (ISO), mỗi năm, ước tính được lượng đường nhập lậu vào Việt Nam qua biên giới với Campuchia từ 100.000 - 749.805 tấn, qua biên giới với Lào từ 120.000 - 268.503 tấn đường.
Tính chung cả 2 nguồn đường xuất khẩu không rõ nguồn gốc của Campuchia và Lào, từ 2008 - 2019, lượng đường nhập lậu vào Việt Nam hàng năm ước tính từ 100.000 - 890.661 tấn. Trong đó, 5 năm gần đây (2015 - 2019), lượng đường nhập lậu ước tính đã tăng đột biến lên mức từ 490.000 - 890.000 tấn/năm, tương đương với từ 30% đến trên 100% so với lượng đường sản xuất trong nước. Ngoài ra còn xuất hiện thêm nguồn nhập lậu mới đường tạm nhập tái xuất ở các cảng, cửa khẩu. Đường nhập lậu đe dọa nghiêm trọng đến cung - cầu đường và sự tồn tại của ngành mía đường Việt Nam, cũng như gây thất thu rất lớn cho ngân sách nhà nước.
Theo đại diện Tổng cục Hải quan, nguyên nhân dẫn đến tình trạng này có phần buông lỏng quản lý ở địa phương. Đặc biệt trên tuyến nổi cộm An Giang, Long An, Tây Ninh. Sự phối hợp chống buôn lậu từ biên giới vào sâu trong nội địa chưa đồng bộ, còn có dấu hiệu tiếp tay cho buôn lậu. Bên cạnh đó, một số nhà máy hệ thống phân phối đường vì lợi nhuận cục bộ chưa thống nhất và đồng tâm chống buôn lậu, nâng cao chất lượng, giảm giá thành sản phẩm, thậm chí còn tiếp tay cho buôn lậu.
Phải có giải pháp quyết liệt
Trước thực trạng trên, theo VSSA ngoài nỗ lực ngăn chặn đường nhập lậu từ các cơ quan chức năng thì việc triển khai hệ thống truy xuất nguồn gốc là một giải pháp rất quan trọng để ngăn đường nhập lậu.
Thực tế cho thấy, trong thời gian qua, do chưa có hệ thống truy xuất nguồn gốc của các nhà máy mía đường, mỗi khi bắt được đường nhập lậu, các lực lượng chức năng phải lấy mẫu đem đi phân tích rất mất thời gian và cũng rất khó khăn trong việc xác định nguồn gốc.
Đáng chú ý, trong Chỉ thị 28/CT-TTg ngày 14/7/2020, Thủ tướng Chính phủ đã giao VSSA và các doanh nghiệp mía đường chủ động xây dựng và triển khai hệ thống truy xuất nguồn gốc để giúp ngăn chặn hành vi buôn lậu đường. Trên cơ sở đó, VSSA đã có công văn gửi các hội viên về việc triển khai hệ thống truy xuất nguồn gốc nhằm chống gian lận thương mại ngành mía đường Việt Nam.
Theo đó, hệ thống quản lý truy xuất nguồn gốc các sản phẩm đường phải là một hệ thống chung quy mô quốc gia để có thể quản lý, đánh giá và nhận diện được các loại đường sản xuất và đóng gói trong nước cũng như đường nhập khẩu và xuất khẩu để có cơ sở nhận diện và mặt hàng đường nhập lậu và gian lận thương mại lưu hành trên thị trường. Đặc biệt, hệ thống cũng phải bảo đảm có sự tương thích và kết nối được với hệ thống truy xuất nguồn gốc của Bộ Nông nghiệp và cổng thông tin truy xuất nguồn gốc sản phẩm hàng hóa quốc gia trong tương lai.
VSSA vận động ban hành chính sách bắt buộc truy xuất nguồn gốc với đường sản xuất trong nước, đường nhập khẩu như hàng rào thương mại để bảo vệ sản xuất trong nước và chống đường nhập lậu. Tình trạng nhập lậu đường từ nhiều năm qua đã đẩy người nông dân trồng mía vào tình trạng bấp bênh, các nhà máy làm ăn thua lỗ.
Theo chuyên gia kinh tế, PGS.TS Trần Đình Thiên: Trước đây, Việt Nam đặt ra mục tiêu 1 triệu tấn đường để mang lại công việc cho người nông dân. Nếu bây giờ mở cửa hội nhập thì 1 triệu tấn chúng ta phải tính lại xem trực tiếp là diện tích này là bao nhiêu, cần bao nhiêu diện tích trồng, nhà máy. Ngoài ra, phải tập trung tái cơ cấu theo hướng mở rộng để tăng hiệu quả. Mình phải xác định đối thủ là ai, chiêu thức là gì để nâng cao năng lực, với Thái Lan có thể đàm phán với họ để tạo ra sức mạnh cùng phát triển. Đây là sự sống còn của ngành mía, cần phải quyết liệt mới giải được bài toán này.