Kiểm định chất lượng hay là ‘trăm hoa đua nở’
Theo PGS.TS Trần Xuân Nhĩ, Phó Chủ tịch Hiệp hội Các trường ĐH, CĐ Việt Nam, hiện nay 5 trung tâm kiểm định chất lượng giáo dục đã được cấp phép thành lập và đang hoạt động vẫn chưa làm hết công suất của mình. Nay Bộ GDĐT lại cấp phép cho các trung tâm mới thành lập trong khi các điều kiện đảm bảo chất lượng chưa được công khai liệu có mở ra tình trạng “trăm hoa đua nở” các trung tâm kiểm định?
Lo nở rộ trung tâm kiểm định
2 Trung tâm mới được cấp phép hoạt động là Trung tâm Kiểm định chất lượng giáo dục Sài Gòn trực, thuộc Công ty cổ phần đầu tư Giáo dục TPHCM và Trung tâm Kiểm định chất lượng giáo dục Thăng Long, trực thuộc Công ty cổ phần đầu tư Giáo dục Hà Nội.
Điều đáng nói, những thông tin, hoạt động của 2 trung tâm này cụ thể như thế nào vẫn còn khá mù mờ và chưa được công khai rộng rãi. Điều kiện về trang thông tin điện tử, về việc có ít nhất 10 kiểm định viên làm việc toàn thời gian cho tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục theo quy định đến nay vẫn còn là câu hỏi ngỏ.
PGS Trần Xuân Nhĩ phân tích, việc Bộ cấp phép thành lập trung tâm dù là tư thục hay công lập thì cũng cần phải đảm bảo các điều kiện để thành lập và hoạt động và được công khai tới toàn thể xã hội. Bởi để được kiểm định chất lượng giáo dục của đơn vị khác, việc đầu tiên chính trung tâm đó cũng phải được kiểm định đầy đủ để tạo cơ sở khách quan, minh bạch.
Các kiểm định viên không chỉ đủ điều kiện về bằng cấp, năng lực, không chỉ kiểm định theo các văn bản, tiêu chí đã được quy định mà còn phải hội tụ đủ kinh nghiệm, trí tuệ để có khả năng tư vấn cho các trường hoạt động tốt hơn sau kiểm định - điều mà các trường và cả xã hội trăn trở hiện nay.
Nhìn vào bức tranh kiểm định chất lượng giáo dục hiện nay, PGS Trần Xuân Nhĩ cho rằng tính đến ngày 31/5/2020, cả nước đã có 139 cơ sở giáo dục đại học và 8 trường CĐ sư phạm đạt tiêu chuẩn kiểm định theo bộ tiêu chuẩn của Việt Nam.
Chu trình là 5 năm kiểm định một lần trên cơ sở phải xây dựng các tiêu chí của chương trình mới kiểm định nhưng nhiều đơn vị chưa xây dựng tiêu chí chương trình thì lấy gì để kiểm định? 5 trung tâm kiểm định đang hoạt động đến nay vẫn chưa có một tổng kết, đánh giá, rút kinh nghiệm chính thức nào? Nay lại cấp phép mở thêm các trung tâm mới, liệu rồi sau đó có ào ào mọc lên như nấm sau mưa? Chất lượng kiểm định viên đang có và những kiểm định viên mới ra sao cần được đánh giá khách quan, công bằng.
Bởi thông qua kiểm định, cần đưa được văn hóa chất lượng thực sự vào các trường. Điều này đòi hỏi các kiểm định viên phải là chuyên gia trong lĩnh vực của mình, không thỏa hiệp với các trường trong việc “sản xuất minh chứng”, tạo ra “minh chứng” để kiểm định cho xong. Và khi kiểm định xong mọi chuyện lại như cũ. “Tuy nhiên, thực tế các chuyên gia kiểm định chất lượng của chúng ta hiện nay chưa có được tố chất ấy”, TS Lê Trường Tùng, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Đại học FPT nhìn nhận.
Ai kiểm định các trung tâm kiểm định là câu hỏi đặt ra bởi mặc dù các trung tâm kiểm định đều hoạt đông theo chủ trương chung, có những văn bản hướng dẫn chung nhưng thực chất quy trình vận hành, quy trình giám sát các trung tâm này ra sao? Có đảm bảo tính minh bạch, độc lập hay không khi mà đã có những trường, khi đăng ký kiểm định ở trung tâm này không đạt nhưng chỉ một thời gian ngắn sau, đăng ký kiểm định ở trung tâm khác lại đạt?
Đề xuất quỹ kiểm định chung
Nhìn từ góc độ kinh tế, PGS Trần Xuân Nhĩ đề xuất dù là trung tâm tư thục hay trung tâm kiểm định chất lượng giáo dục công lập để hoạt động kiểm định diễn ra khách quan, độc lập, người kiểm định không nên dính dáng gì tới vấn đề tiền bạc. Ngay cả các trung tâm kiểm định còn gắn với nhà trường thì về mặt quyền lợi của hai bên vẫn có mối liên hệ nên có thể gây ra ảnh hưởng tới quá trình kiểm định chất lượng, cần triệt để cắt “bầu sữa mẹ” này.
Chia sẻ quan điểm này, GS Trần Hồng Quân, nguyên Bộ trưởng Bộ GDĐT đề nghị cần xây dựng Hội đồng quốc gia đánh giá về kiểm định và xây dựng quỹ quốc gia do hội đồng đó điều hành.
Khi có Hội đồng rồi thì “đơn vị A kiểm định trường B thì hội đồng đó sẽ chi trả kinh phí chứ không phải trường B. Trường B. cũng như tất cả các trường đều phải có nghĩa vụ đóng góp quỹ chung của Nhà nước. Tức là sẽ không còn mối quan hệ kinh tế trực tiếp giữa đơn vị kiểm định và đơn vị được kiểm định”, GS Trần Hồng Quân đề xuất.
Trong bối cảnh các trường càng ngày càng tự chủ, vấn đề giám sát minh bạch, công khai chất lượng của các trường chính là giải pháp để nâng cao chất lượng giáo dục của mỗi trường. Và kiểm định chất lượng không dính dáng gì tới quyền lợi kinh tế sẽ là một trong những biện pháp thúc đẩy kiểm định độc lập, khách quan. Làm sao loại bỏ được mâu thuẫn về mặt lợi ích trong quá trình kiểm định chất lượng giáo dục là tiền đề để đem lại chất lượng kiểm định độc lập, công bằng.