Sớm sửa luật để tăng nguồn hiến tạng
Theo Trung tâm Điều phối ghép tạng quốc gia, nước ta hiện có khoảng 10.000 người chờ ghép thận, vài nghìn trường hợp chờ ghép gan và hàng nghìn trường hợp chờ ghép các bộ phận khác. Nhu cầu ghép tạng cao trong khi Luật Hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác vẫn còn nhiều hạn chế.
Ông Nguyễn Trường Sơn, Thứ trưởng Bộ Y tế cho biết, mặc dù lĩnh vực ghép tạng ở nước ta đã đạt được những thành tựu vượt trội, song Luật Hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác (có hiệu lực từ năm 2007) vẫn còn nhiều hạn chế.
Đặc biệt trong Luật có quy định độ tuổi được phép hiến tạng là phải trên 18 đã khống chế nguồn tạng hiến tặng từ người cho chết não. Trong khi đó, mỗi năm, Việt Nam có khoảng 10.000 trường hợp tử vong do tai nạn giao thông, đây chính là nguồn tạng tiềm năng để ghép tạng.
“Quá cứng nhắc”
Cùng quan điểm này, GS Trần Đông A, Cố vấn chuyên môn tại BV Nhi đồng 2 TPHCM, Luật Hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác năm 2007 không đưa vào đối tượng là trẻ em trong khi đây là đối tượng cần được ưu tiên để ghép tạng.
GS Trần Đông A cho biết, trong ghép thận, từ trước đến nay chủ yếu là ghép từ nguồn tạng hiến của người lớn, điều này vô cùng khó khăn cho đội ngũ y, bác sỹ. Bởi ghép tạng của người lớn vào cơ thể trẻ em thì phải làm sao để trẻ không suy tim, không bị phù phổi cấp mà không vỡ thận. “Luật cấm trẻ em chết não hiến tạng đã góp phần làm cho cơ hội được ghép tạng của trẻ em ngày càng ít đi” - GS Trần Đông A chia sẻ.
Còn theo BS Trần Thị Cẩm Tú, Phó Giám đốc Trung tâm Ghép tạng (BV Trung ương Huế), trên thế giới việc quy định độ tuổi hiến tạng khá cởi mở, từ đó tạo nên nguồn tạng hiến dồi dào. Ở Anh, người dưới 18 tuổi vẫn có thể đăng ký hiến tạng ở mọi lứa tuổi, và có thể thay đổi hoặc cập nhật quyết định bất cứ lúc nào.
Tại Hà Lan, đạo luật hiến tặng nội tạng quy định những người từ 12 tuổi trở lên có thể đăng ký hiến tạng sau khi qua đời; người dưới 12 tuổi muốn hiến tạng phải có sự cho phép của cha mẹ hoặc người giám hộ.
Tại Pháp, người chưa thành niên không được phép hiến mô, tạng khi còn sống, nhưng người đủ 13 tuổi trở lên được quyền hiến tạng sau khi qua đời. Trong khi đó, Việt Nam quy định tuổi hiến tạng đối với người chết não là trên 18 tuổi, theo các chuyên gia “vẫn còn quá cứng nhắc”.
Nguồn tạng khan hiếm, mua bán tạng phức tạp
Nhu cầu ghép tạng ngày càng tăng cao trong khi đó nguồn cung tạng khan hiếm khiến cũng dẫn đến tình trạng mua bán tạng phức tạp. Do nhu cầu cấp bách của các bệnh nhân khiến những kẻ cò mồi tha hồ hét giá để ăn chênh lệch hàng trăm triệu đồng/ca.
Trên nhiều trang mạng xã hội, không khó để bắt gặp các dòng chữ “Mình đang cần bán một quả thận để có tiền chữa bệnh cho mẹ”; “Tôi đang cần gan và thận nhóm máu B, xin liên hệ…hậu tạ cao” hay “Cần gấp các bạn từ 26 đến 42 tuổi hiến thận nhóm O,A,B hậu tạ từ 300 - 320 triệu đồng”… Sau khi đưa thông tin, cò mồi sẽ vào hỏi thăm và dụ dỗ sẽ hỗ trợ bán giá cao dưới hình thức hiến tạng nhân đạo.
Đáng nói là sau khi bán thận, nhiều đối tượng lại quay lại trở thành “cò thận”, dẫn đến tình hình thêm phức tạp. Như hồi tháng 7/2020, Cơ quan công an quận Hà Đông đã tiến hành bắt giữ và khởi tố đối với Nguyễn Mạnh Thắng (34 tuổi, ở Hà Nam) và Lê Xuân Lĩnh (39 tuổi, ở Nghệ An) cùng về tội danh “mua bán bộ phận cơ thể người”. Cả Thắng và Lĩnh đều đã từng bán thận. Sau đó, khi nhận thấy công việc môi giới mang lại lợi nhuận cao lại nhàn nhã nên hai đối tượng lập tức vào nghề, trở thành “cò” buôn thận.
Trước thực trạng nói trên, nhiều ý kiến đã đề xuất để hạn chế tình trạng mua bán bộ phận cơ thể người, Luật Hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác cần bổ sung quy định về việc các cơ sở y tế chỉ ghép tạng khi người ghép có tên trong danh sách chờ ghép quốc gia và danh sách này là cơ sở pháp lý cho việc điều phối lấy, ghép tạng trong toàn quốc.
Ngoài ra, Luật sửa đổi không nên giới hạn về độ tuổi đối với người hiến chết não. Đối với người hiến khi sống có cùng huyết thống, cần đủ 18 tuổi trở lên, có năng lực hành vi dân sự đầy đủ. Còn người hiến khi sống không cùng huyết thống, phải đủ từ 30 tuổi trở lên, có năng lực hành vi dân sự đầy đủ.
Dự kiến, trong năm 2022, Bộ Y tế sẽ trình Quốc hội về Luật Hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác sửa đổi.
Theo ông Nguyễn Hoàng Phúc, Phó Giám đốc Trung tâm Điều phối quốc gia về ghép bộ phận cơ thế người: Tính đến ngày 31/12/2020, cả nước có 40.257 trường hợp đăng ký hiến tạng sau khi chết, chết não. Đặc biệt, có 100 người đăng ký hiến tạng khi còn sống và đã có 7 người hiến tạng khi còn sống. Do đó, cần xác định rõ tạng hiến là “quà tặng của sự sống”, là “tài sản quốc gia”, không thuộc sở hữu riêng của cơ sở y tế nào cả.