TP Hồ Chí Minh: Sốt đất vùng ven, chủ yếu… trên mạng

ĐOÀN XÁ 25/03/2021 06:30

Cách đây ít tuần, cơ quan chức năng tại TP HCM đề xuất lộ trình đưa 3 địa phương gồm huyện Hóc Môn, Nhà Bè và Bình Chánh chuyển thành quận trong giai đoạn 2021-2025, còn 2 huyện Cần Giờ và Củ Chi trong giai đoạn 2025-2030. Thông tin này khiến nhiều cò đất đưa giá nhà đất ở các khu vực này tăng đột biến.

Chính quyền huyện Hóc Môn cảnh báo mua bán đất nền.

Các dự án vẫn im ắng

Không chỉ các quận chuẩn bị chuyển thành quận, ngay cả vùng lân cận với 3 địa phương huyện Củ Chi, Cần Giờ (TP HCM) hay Đức Hòa, Bến Lức, Cần Giuộc... (tỉnh Long An) cũng rục rịch tăng giá đất. Trên một số phương tiện truyền thông và các diễn đàn mạng xã hội, thông tin về giá cả, dự án đất đai tại các khu vực kể trên rất sôi động. Thế nhưng, thực tế ghi nhận của phóng viên Báo Đại Đoàn kết vài ngày qua, nhiều dự án tại các địa phương này vẫn im ắng. Việc sốt đất dường như chỉ xuất hiện trên mạng, do các nhóm đầu cơ thổi phồng lên để trục lợi.

Chủ một công ty môi giới bất động sản ở huyện Bình Chánh cho biết, khoảng hai tuần trở lại đây giá đất ở khu vực này tăng đáng kể. Những dự án trước có giá khoảng từ 40 tới 70 triệu đồng/m2 nay tăng 70 tới 90 triệu đồng/m2. Thậm chí khu vực Trung Sơn (xã Bình Hưng, huyện Bình Chánh), giá đất giao dịch tới 140 triệu đồng/m2.

Nhiều nơi khác như xã Vĩnh Lộc A, Vĩnh Lộc B có các dự án đất nền, phân lô thì giá cũng tăng khoảng từ 5 tới 10 triệu đồng mỗi m2. Cũng nhộn nhịp không kém là khu vực huyện Nhà Bè, đơn vị nằm trong đề án chuyển đổi thành quận trước năm 2025 của TP HCM. Do đặc thù khu vực này hiện có nhiều dự án chung cư, nhà ở thông tin lên quận như thổi bùng vào cơn sốt đất âm ỉ nhiều năm qua. Cộng thêm một số dự án cầu, đường khiến đất nền huyện Nhà Bè tăng lên hàng chục triệu đồng mỗi m2.

Thậm chí ngay cả huyện Cần Giờ, địa phương cách trung tâm TP HCM tới 70km cũng bị kéo vào cơn sốt đất này. Nhiều xã ở huyện Cần Giờ, dù chưa có cầu, đường nhưng đất đai cũng được đẩy giá lên rất cao, dao động ở mức từ 30 tới 50 triệu đồng/m2. Đặc biệt hầu hết các khu vực sốt đất này đều là đất nông nghiệp, đất rừng, đất trồng cây lâu năm chứ chưa phải là đất dành cho các dự án nhà ở, khu dân cư.

Ghi nhận thực tế, các dự án đất nền vùng ven TP HCM hiện chưa có nhiều người tìm tới cũng như giao dịch. Nhiều dự án ở vùng ven vẫn bỏ hoang, cỏ mọc um tùm, là nơi chăn thả gia súc, gia cầm của người dân trong vùng. Các tuyến đường như tỉnh lộ 10, hương lộ 80, Võ Văn Vân, quốc lộ 50 (huyện Bình Chánh) hay Nguyễn Văn Bứa, Phan Văn Hớn (Hóc Môn) hay đường Nguyễn Bình, Nguyễn Hữu Thọ, Lê Văn Lương (huyện Nhà Bè)... dù có nhiều dự án nhưng vẫn khá im ắng.

So với thời gian khoảng 2 năm trước khi cơn sốt đất đang diễn ra với thì hiện nay, số lượng những đơn vị bán và mua đã giảm sút rất nhiều. Không còn cảnh hàng trăm người phát tờ rơi, căng biển bán dọc hai bên đường ở ngoại ô chào mời khách mua đất nền như trước. Một số người làm môi giới đất đai cho biết, do đề xuất chuyển đổi huyện thành quận mới đưa ra, cộng thêm dịch Covid-19 kéo dài cả năm qua khiến cho nhiều người còn e ngại, đang nghe ngóng chưa muốn đầu tư.

Đẩy giá để trục lợi

Trong khi đó, một chuyên gia trong lĩnh vực bất động sản cho biết thực tế thông tin về việc chuyển đổi các huyện ngoại ô thành quận ở TP HCM không mới, từng xuất hiện nhiều năm trước. Thực tế, giá đất đai ở vùng ven TP HCM vẫn luôn âm thầm tăng giá nhưng không nhiều vì thành phố ngày càng phát triển, khoảng cách giữa trung tâm và ngoại ô ngày càng rút ngắn. Tuy nhiên, việc lợi dụng các chính sách của chính quyền để “té nước theo mưa”, đẩy giá nhà đất tăng cao đã xảy ra nhiều lần, khiến người dân và chính quyền đều rơi vào thế khó, bị mất kiểm soát.

Trước dấu hiệu của việc sốt đất có thể xảy ra ở khu vực ngoại ô TP HCM, ông Nguyễn Thành Phong - Chủ tịch UBND TP HCM yêu cầu Sở Nội vụ báo cáo lại đề án chuyển đổi các huyện thành quận (gồm 2 giai đoạn, từ 2021-2025 có 3 huyện, từ 2025-2030 có 2 huyện thành quận).

Theo ông Phong, vừa qua TP HCM có nhiều hoạt động thay đổi địa giới hành chính như sát nhập 3 quận (quận 2, 9 và Thủ Đức) dù đời sống người dân chưa có nhiều thay đổi nhưng lập tức giá đất đai đã xáo trộn rất nhiều, theo chiều hướng tăng lên cao. Việc giá đất tăng nhiều lần ảnh hưởng tiêu cực tới đời sống người dân, tới việc giải phóng mặt bằng của nhiều dự án hạ tầng công cộng cũng như làm tăng giá nhiều lĩnh vực đời sống dân sinh khác (theo giá thuê mặt bằng). Vì vậy, chính quyền TP HCM rất cảnh giác và yêu cầu các địa phương quản lý chặt chẽ việc cấp các loại giấy tờ, giao dịch đất theo đúng quy định của pháp luật, tránh việc nâng cấp các huyện thành quận trở thành “miếng mồi” cho giới đầu cơ tạo cơn sốt đất đai.

Theo ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND TP HCM, chính quyền rất cảnh giác và yêu cầu các địa phương quản lý chặt chẽ việc cấp các loại giấy tờ, giao dịch đất theo đúng quy định của pháp luật, tránh việc nâng cấp các huyện thành quận trở thành “miếng mồi” cho giới đầu cơ tạo cơn sốt đất đai.

ĐOÀN XÁ