Chờ mùa đại hội cổ đông ngân hàng

H.Hương 25/03/2021 06:30

Một trong những vấn đề mà nhiều nhà đầu tư cũng như giới quan sát quan tâm trong tháng 3, tháng 4 chính là Đại hội cổ đông thường niên năm 2021 của ngành ngân hàng.  Sau 1 năm sóng gió Covid-19, giới ngân hàng kinh doanh ra sao, lỗ lãi như thế nào?

Mùa đại hội cổ đông bao giờ cũng… lắm vấn đề. Ảnh minh họa.

Áp lực vốn

Lãnh đạo OCB cho hay, ngân hàng dự kiến mức tăng vốn điều lệ trong năm nay khoảng 25%, chia cổ tức ở mức khoảng 25%. Trong khi đó, dự kiến tại ĐHCĐ được thực hiện sắp tớiMSB sẽ trình phương án chia cổ tức tối thiểu 15%.

Dù còn một số ngân hàng chưa chính thức công bố kế hoạch ĐHCĐ năm 2021, tuy nhiên, có thể thấy, thay đổi phương thức trả cổ tức bằng cổ phiếu sẽ trở thành xu hướng chính trong năm nay.

Điều này cũng dễ lý giải vì năm qua, do ảnh hưởng dịch bệnh Covid-19, Ngân hàng Nhà nước đề nghị các ngân hàng thương mại không chia cổ tức bằng tiền mặt, tiết giảm chi phí, dành nguồn tiền để cắt giảm lãi suất đối với dư nợ hiện nay và các khoản cho vay mới nhằm hỗ trợ người dân và doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, theo quy định của NHNN, những ngân hàng vẫn còn trái phiếu đặc biệt tại VAMC không được chia cổ tức. Điều này được lãnh đạo nhiều ngân hàng đề cập khi cổ đông chất vấn.

Với ngân hàng cổ phần, nhiều ngân hàng sẽ không chia cổ tức bằng tiền mặt để tăng vốn điều lệ, nâng cao năng lực tài chính, phát triển kinh doanh. Nợ xấu cũ chưa qua, nợ xấu mới đang ập tới sẽ tạo thêm những thách thức cho ngành ngân hàng. Vì vậy, việc không chia cổ tức bằng tiền mặt sẽ giúp ngân hàng có nguồn lực gia tăng tỷ lệ dự phòng rủi ro.

Năm 2021 ngân hàng lại đứng trước áp lực tăng vốn - điều kiện tiên quyết để các ngân hàng đáp ứng chuẩn Basel II, nhất là quy định về an toàn vốn tối thiểu. Vì thế, ngay cả với những ngân hàng đã tăng vốn thành công thì vẫn phải tiếp tục tìm kiếm nguồn vốn từ nhà đầu tư chiến lược, bởi ngân hàng vốn mỏng có thể đứng trước nguy cơ mất thanh khoản. Bên cạnh đó, hạn mức tín dụng cơ quan quản lý giao cho các ngân hàng được xác định trên vốn tự có, những ngân hàng nào vốn tự có càng cao thì “room” tín dụng sẽ càng rộng mở.

Trên thị trường hiện nay, vẫn còn nhiều ngân hàng có vốn điều lệ dưới 5.000 tỷ đồng, như VietBank (4.190 tỷ đồng); SaigonBank (3.080 tỷ đồng); KienlongBank (3.237 tỷ đồng); NCB (4.102 tỷ đồng); PG Bank (3.000 tỷ đồng)… Do đó, trước thềm ĐHCĐ năm nay các ngân hàng chắc chắn sẽ bàn rất nhiều về việc tăng vốn.

Nóng chuyện nhân sự

Chưa hết, câu chuyện nhân sự cấp cao tại các ngân hàng lại được hâm nóng khi hàng loạt ngân hàng công bố các quyết định bổ nhiệm mới. Mới nhất ngày 12/3 vừa qua, BIDV chính thức thông báo về việc bổ nhiệm ông Lê Ngọc Lâm với vị trí Tổng Giám đốc. Trước đó nữa, vào cuối tháng 2 vừa qua, Ngân hàng Vietbank thông báo về việc ông Bùi Xuân Khu - nguyên Thứ trưởng Bộ Công thương được bầu làm Chủ tịch HĐQT VietBank.

Nhưng nhân sự ngân hàng thu hút sự quan tâm của báo giới lại là Ngân hàng Eximbank. Tuy nhiên nhân sự tại ngân hàng này vẫn là câu hỏi ngỏ. Thông tin gần đây nhất, cuối năm 2020, đại diện các cổ đông sở hữu trên 10% vốn của Eximbank đề nghị HĐQT đưa vào chương trình họp đại hội cổ đông thường niên 2020 việc miễn nhiệm đối với 4 thành viên HĐQT là các ông Yasuhiro Saitoh, Lê Minh Quốc, Cao Xuân Ninh và Lê Văn Quyết.

Ngoài ra, một nhóm cổ đông sở hữu 11,23% vốn Eximbank đã có thư kiến nghị đề nghị bãi nhiệm đối với 3 thành viên HĐQT với lý do “không hoàn thành trách nhiệm và nghĩa vụ khi có tỷ lệ tham dự các cuộc họp HĐQT rất ít dẫn đến hiệu suất làm việc của HĐQT bị giảm sút”.

Theo thông báo, ĐHCĐ thường niên năm 2020 của Eximbank diễn ra vào 26/4/2021 tại Hà Nội. Đối tượng tham dự là tất cả cổ đông có tên trong danh sách chốt ngày 10/3/2020. Các nội dung dự kiến họp ĐHCĐ thường niên năm 2020 vào ngày 30/6/2020 đã được công bố thông tin trước đó cho cổ đông và các nội dung khác theo thẩm quyền của ĐHCĐ.

Song nội dung của ĐHCĐ thường niên năm 2020 chưa thấy bổ sung tờ trình về miễn nhiệm, “lọc” bớt thành viên HĐQT.

Tuy nhiên, theo đánh giá, dù khó khăn vì ảnh hưởng Covid 19 nhưng ngành ngân hàng vẫn có khởi sắc khi lợi nhuận công bố nghìn tỷ đồng, quy mô ngày càng mở rộng… Do vậy, việc các ngân hàng cạnh tranh và khát các vị trí chủ chốt là hiển nhiên. Nhưng, dù luôn có mức lương hấp dẫn nhưng việc tìm nhân sự cấp cao, đặc biệt là vị trí chủ chốt tổng giám đốc, chủ tịch HĐQT đối với ngân hàng vẫn không hề dễ dàng.

H.Hương