Sản phẩm đặc thù để phát triển du lịch

Nguyễn PHÚC LÂM 25/03/2021 09:00

Mùa hè năm nay được dự báo sẽ bùng nổ du lịch nội địa, khi mà Covid-19 đã được kiểm soát.

Tới nay, các công ty du lịch đều đã sẵn sàng vào cuộc, các địa phương cũng đã chuẩn bị đầy đủ điều kiện để đón khách. Tuy vậy thì sản phẩm du lịch riêng của từng nơi vẫn là vấn đề tiếp tục được đặt ra.

Mùa hoa súng ở Đồng bằng sông Cửu Long.

Năm nay, các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long đã sẵn kế hoạch khai thác các dịch vụ du lịch đặc thù, như khu dự trữ sinh quyển, du lịch sinh thái, văn hóa sông nước, miệt vườn, làng nghề... Đó cũng chính là lợi thế của vùng sông nước miền Tây.

Nghị quyết 120/NQ-CP của Chính phủ đã xác định tầm nhìn đến năm 2100, ĐBSCL phát triển bền vững, an toàn, thịnh vượng, trên cơ sở phát triển phù hợp nông nghiệp hàng hóa chất lượng cao, kết hợp với dịch vụ, du lịch sinh thái, công nghiệp... Chủ trương “thuận thiên” đã và đang ngấm sâu vào vùng đất này, cho dù vẫn đang phải đối mặt với tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu.

Nghị quyết 120 nêu rõ, phát triển dịch vụ - du lịch dựa trên tiềm năng, lợi thế về đặc điểm tự nhiên, sinh thái, văn hóa, con người với hiệu quả kinh tế cao; phát triển các loại hình du lịch miệt vườn, du lịch sông nước, du lịch sinh thái gắn với các khu bảo tồn thiên nhiên. Trên thực tế, tới nay nhiều khu dự trữ sinh quyển, du lịch sinh thái, văn hóa sông nước, làng nghề đã trở thành các điểm du lịch thu hút du khách đến với ĐBSCL.

Theo tiến sĩ Hà Quang Thanh (Phân viện Học viện Hành chính Quốc gia tại TPHCM), vùng châu thổ ĐBSCL dù đang đối mặt với nhiều nguy cơ, thách thức mang tính sống còn, nước biển dâng, gây ảnh hưởng nặng nề trong nhiều năm trở lại đây; nhưng cũng đang đứng trước những cơ hội phát triển. Với du lịch, đó là cơ hội khi đa dạng được các sản phẩm du lịch sinh thái, miệt vườn, du lịch văn hóa cội nguồn, du lịch nghỉ dưỡng…

Liên kết vùng để tạo nên sức mạnh tổng hợp là cần thiết, tuy nhiên, theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long Lê Quang Trung thì đối với lĩnh vực du lịch cũng rất cần xây dựng sản phẩm du lịch mang tính đặc thù, tránh tình trạng các sản phẩm hiện có mang tính gần tương đồng với các tỉnh trong khu vực.

Với tỉnh Cà Mau, năm 2020 đón trên 1,225 triệu lượt khách, đạt 88% so kế hoạch. Tổng doanh thu từ du lịch đạt 1.958 tỷ đồng, đạt 90,7% so kế hoạch. Năm 2021, ngành Du lịch Cà Mau đặt mục tiêu thu hút 1,86 triệu lượt khách, doanh thu đạt 2.600 tỷ đồng. Ông Trần Hiếu Hùng - Giám đốc Sở VHTTDL tỉnh này cho biết du lịch đang trên đà phục hồi, thích nghi với khó khăn, tạo lập được môi trường an toàn, thân thiện. Trong đó rất chú ý đến “sản phẩm du lịch đặc thù”. Hiện UBND tỉnh Cà Mau đã ký ban hành Chương trình sự kiện ‘‘Cà Mau - Điểm đến 2021’’, với các sự kiện chính là tổ chức Cuộc thi chạy Marathon với chủ đề ‘‘Kết nối đường Hồ Chí Minh huyền thoại’’ Cà Mau 2021; Lễ hội Nghinh Ông sông Đốc năm 2021; Lễ hội Tri ân Quốc tổ; Ngày hội bánh dân gian Nam bộ năm 2021 với chủ đề ‘‘Sắc màu Đất Phương Nam’’; sự kiện ‘‘Hương rừng U Minh’’; Ngày hội Cua Năm Căn gắn với văn hóa ẩm thực Cà Mau; Lễ Thượng cờ - Thống nhất non sông”…

Ông Nguyễn Ngọc Thương, Giám đốc Sở VHTTDL tỉnh Đồng Tháp, cho biết chỉ tính từ đầu năm đến nay Đồng Tháp đã công nhận thêm 14 điểm phát triển du lịch cộng đồng như điểm du lịch ẩm thực hoa hồng Thi Thơ, điểm du lịch tham quan du thuyền vượt cạn khu du lịch sinh thái Ao Nhà... góp phần làm phong phú sản phẩm du lịch của vùng đất Sen hồng.

Nhấn mạnh sản phẩm là một trong những yếu tố quan trong để thu hút du khách, tạo nên thương hiệu cho du lịch từng địa phương cũng như toàn vùng ĐBSCL, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu, bà Cao Xuân Thu Vân, cho biết tỉnh này đã ban hành chương trình hành động về phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh; trong đó đặt mục tiêu khai thác phát triển du lịch theo hướng nhân văn, bền vững. Bạc Liêu tiếp tục hoàn thiện, nâng cao chất lượng điểm đến Khu lưu niệm nghệ thuật đờn ca tài tử Nam bộ và nhạc sỹ Cao Văn Lầu, phát triển du lịch khu vực ven biển với các sản phẩm đặc thù như du lịch điện gió; du lịch kết hợp tham quan khu nông nghiệp công nghệ cao phát triển tôm Bạc Liêu; vành đai sinh thái ven biển từ giáp ranh thành phố Bạc Liêu đến cửa biển Gành Hào (huyện Đông Hải), các huyện Giá Rai - Đông Hải và không gian du lịch các huyện Vĩnh Lợi - Hồng Dân - Phước Long.

Tất nhiên, để hút khách nội địa, các địa phương trong cả nước cũng xác định phát triển sản phẩm du lịch riêng, phù hợp với thế mạnh của riêng mình. Theo ông Nguyễn Trùng Khánh - Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch, ước tính của Tổ chức Du lịch thế giới (UNWTO), sớm nhất phải đến quý 3/2021 thì du lịch thế giới mới có thể bắt đầu quá trình phục hồi, do dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp. Do đó, thị trường nội địa vẫn là cứu cánh cho du lịch Việt Nam trong thời gian tới. Du lịch Việt nam trong năm 2021 này đặt mục tiêu tập trung khai thác có hiệu quả thị trường khách nội địa, tiếp tục các hoạt động kích cầu du lịch trên cơ sở kế thừa chương trình “Người Việt Nam đi du lịch Việt Nam” và “Du lịch Việt Nam an toàn, hấp dẫn” trong năm 2020.

Nguyễn PHÚC LÂM