Không thể để cơ hội trôi qua

NAM VIỆT 25/03/2021 06:30

Ý tưởng quy hoạch hai bên bờ sông Hồng đã từng được “người ngoài” đề cập cách đây ít ra cũng đã 25 năm (vào năm 2006 với đề nghị của Thị trưởng Seoul, Hàn Quốc). Không chỉ có thế, vì nhiều lý do, dải đô thị mới dọc theo đôi bờ sông Hồng đã nhiều lần lỗi hẹn.

Vùng ven sông Hồng bên cầu Nhật Tân. Ảnh: Thanh Hải.

Lần này, việc Thường vụ Thành ủy Hà Nội đã thống nhất trình các bộ, ngành liên quan đồ án Quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng, tỷ lệ 1/5.000 để tiến tới phê duyệt, ban hành quy hoạch này vào tháng 6/2021 khiến người Hà Nội phấn chấn, tin vào tương lai không xa chúng ta sẽ làm nên “kỳ tích sông Hồng”, người Hà Nội sẽ có thêm cơ hội nhà ở, thành phố cũng nguy nga hơn rất nhiều. Bởi diện tích đất đôi bờ sông Hồng nếu được đưa vào khai thác, xây dựng sẽ rất lớn.

Đáng chú ý, nhiều người trong giới quy hoạch cho rằng đây là quyết định đúng đắn bởi lần này do Nhà nước làm, không giao cho doanh nghiệp và rằng quy hoạch thực hiện theo nguyên tắc thuận thiên, là đô thị xanh, không chồng tải cao ốc hai bên bờ sông. Cùng đó, việc hình thành con đường ven sông cũng được xem là cánh cửa rộng, tạo động lực cho phát triển kinh tế - xã hội, quản lý dân cư, xây dựng điểm đến hấp dẫn thu hút các nhà đầu tư, cải thiện chất lượng sống cho người dân Thủ đô…

Nói riêng về con đường ven sông, chỉ cần nhìn lại con đường ven Hồ Tây thôi cũng đã thấy nếu nó được hình thành thì tác động sẽ lớn đến đâu. Hôm nay, đi trên con đường ven Hồ Tây, người Hà Nội thầm biết ơn một quyết sách đúng đắn phục vụ đời sống người dân, làm đẹp cho Thủ đô.

Trở lại với dự thảo đồ án Quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng đang được lấy ý kiến các đơn vị liên quan. Nó trải dài khoảng 40km, bắt đầu từ cầu Hồng Hà (huyện Đan Phượng) đến cầu Mễ Sở (huyện Thường Tín), bao phủ diện tích 11.000 hécta thuộc địa giới 13 quận/huyện (55 phường xã) gồm: Đan Phượng, Bắc Từ Liêm, Tây Hồ, Ba Đình, Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng, Hoàng Mai, Thanh Trì, Thường Tín, Mê Linh, Đông Anh, Long Biên, Gia Lâm.

Ông Lưu Quang Huy, Viện trưởng Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội, cho rằng trước đây mọi người nói Hà Nội quay lưng vào sông Hồng nhưng với quy hoạch này Hà Nội sẽ quay mặt vào sông Hồng để phát triển. Thực ra, cần hiểu rằng khái niệm “quay lưng” không chỉ là cái gì đó cụ thể, mà còn là cả tư duy phát triển. Nói cách khác là klhi “quay lưng” là không nhận ra lợi thế hết sức to lớn của những gì Tạo hóa ban tặng, mà khư khư với lối hành xử duy ý chí.

Sông Hồng đoạn chảy qua Hà Nội biết bao năm qua không được quy hoạch đến nơi đến chốn, cho dù đó là một vùng mênh mông, lợi thế cả trên cạn lẫn dưới nước. Không chỉ là người Hà Nội mà người nhiều tỉnh khác đã “nhảy dù” vào đây để sinh cơ lập nghiệp, bất chấp mối lo có thể bị “bứng đi” bất cứ lúc nào. Nhưng đến giờ này, hãy thử tới vùng ngoài đê một lần sẽ thấy ngay đó là nơi chen chúc nhà cửa, đông đúc dân cư. Ngay cả vùng đất bãi thì người ta cũng dựng nhà để ở. Tất nhiên đều là “nhảy dù” nên khu vực này không được đầu tư, nhiều chỗ người dân sống tạm bợ, xập xệ, điều kiện sinh hoạt thiếu thốn.

Vì thế rất cần một cách nhìn thực tế, một quyết tâm lớn để biến nơi này trở thành vùng đô thị mới hiện đại, chính quy rõ ràng, được Nhà nước công nhận chứ không phải là nơi để người ta buộc phải “nhảy dù”.

Theo ông Huy, việc đồ án Quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng được Ban Thường vụ Thành ủy thông qua về chủ trương để xin ý kiến các bộ, ngành liên quan, tiến sát bước được phê duyệt và ban hành là tiến bộ vượt bậc về công tác quy hoạch, cụ thể hóa Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô; đáp ứng sự chờ đợi của người dân hàng chục năm qua.

Vậy sự khát khao chờ đợi ấy liệu rồi có thành hiện thực hay cũng lại vuột qua?

Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ, cho rằng nếu quy hoạch được thông qua và được triển khai sớm thì nó sẽ đảm bảo vấn đề sinh kế cho hàng triệu người dân sống hai bên sông. Còn với kiến trúc sư Phạm Thanh Tùng, Chánh Văn phòng Hội Kiến trúc sư Việt Nam thì quy hoạch sông Hồng cũng đã từng được đề cập cách đây gần 30 năm nhưng có vấn đề về tư duy, tầm nhìn, cách đặt vấn đề ở từng giai đoạn lãnh đạo thành phố khiến việc lập quy hoạch không đến nơi đến chốn. Đặc biệt là việc lập quy hoạch hầu như chỉ giao cho tư vấn nước ngoài hay doanh nghiệp bỏ vốn lập dưới hình thức xã hội hóa.

Nên lần này, ông Tùng “rất tâm đắc” khi đó là quy hoạch do Nhà nước làm, không giao cho bất kỳ doanh nghiệp nào. “Có thể nói, bây giờ là điều kiện chín muồi để chúng ta làm thật tốt quy hoạch có tính lịch sử này”, ông Tùng nói và cho rằng nếu để doanh nghiệp đóng góp kinh phí nghiên cứu quy hoạch thì sẽ dẫn đến nguy cơ “lợi ích nhóm”.

Trong khi đồ án Quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng chờ được thông qua (vào tháng 6 tới), thì lòng dân đã rất phấn khởi. Vậy thì, rất cần được đẩy nhanh tiến độ công nhận, không nên bàn tới bàn lui quá nhiều để rồi cuối cùng lại trở về với điểm xuất phát ban đầu như đã từng diễn ra.

Nói như ông Trần Ngọc Chính, Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam, nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng thì phân khu đô thị sông Hồng sẽ là một điểm tựa vững chắc để thành Hà Nội bứt phá về kinh tế - xã hội, giải quyết dứt điểm bài toán dân sinh và mở ra một giai đoạn phát triển mới. Ông Chính cũng nói rằng, nhìn vào trong thành phố thì nhà cao tầng lấp lánh, tráng lệ mà cuộc sống người dân ven sông còn khổ sở, vất vả như vậy thì đâu thể xứng là đô thị dẫn đầu cả nước được.

NAM VIỆT