Về Sốp Cộp hôm nay

M.Hà 27/03/2021 10:00

Những vườn cam chín vàng, sai lúc lỉu. Những con đường trải bê tông rộng thênh thang, nhà mái ngói đỏ tươi, nổi bật giữa núi rừng… Sốp Cộp – huyện nghèo của Sơn La đang thay da đổi thịt từng ngày.

Có được kết quả đó, ngoài sự quan tâm, đầu tư của Nhà nước và các cấp chính quyền, còn là sự thay đổi đáng kể trong tư duy sản xuất của đồng bào DTTS.

Ở bản Nà Mòn (xã Mường Và), gia đình anh Lò Văn Thuấn được nhiều người nhắc đến như một điển hình vượt khó, làm kinh tế giỏi. Trước đây, cuộc sống của anh cũng rất vất vả, bắp ngô, củ sắn kém năng suất trên đất đồi khiến cái nghèo, cái đói cứ quẩn chân cả nhà. Quyết tâm xóa đói giảm nghèo, anh và gia đình đã mạnh dạn chuyển đổi diện tích trồng ngô, sắn cho năng suất, giá trị thấp sang trồng gần 300 cây cam, quýt giống bản địa.

Quá trình trồng và chăm sóc, anh không ngừng học hỏi và áp dụng đúng kỹ thuật, để cây không sâu bệnh, quả mã đẹp, ngọt. Vì vậy, sau gần 10 năm, quả ngọt đã được thu hoạch. Tính ra, mỗi năm anh có nguồn thu nhập gần 200 triệu đồng. Diện tích cây ăn trái được mở rộng và chăm sóc tốt, nhờ đó thu nhập của gia đình anh ngày càng ổn định và nâng lên đáng kể.

Không chỉ có anh Thuấn, anh Lò Văn Cương cũng là người tiên phong trồng thử nghiệm 70 gốc cam địa phương trên 3.000 m2 đất vườn. Nhờ hợp đất, lại được chăm sóc đúng kỹ thuật, cam cho quả ngọt, mọng nước được thương lái ưa chuộng tìm đến mua.

Nà Mòn vốn là bản thuần nông của 76 hộ đồng bào dân tộc Thái. Trên những sườn đất dốc, người dân chủ yếu trồng lúa, ngô, sắn, nhưng năng suất thấp nên cuộc sống của bà con không mấy dư dả. Từ những mô hình phát triển kinh tế hiệu quả như của gia đình anh Thuấn, anh Cương đến nay bản Nà Mòn đã có gần 60 ha cây ăn quả. Cứ đến tháng 10, tháng 11 là bản Nà Mòn, lại tấp nập tiểu thương tới các vườn thu mua cam. Theo lời chia sẻ của ông Lò Văn Bảo – Trưởng bản Nà Mòn thì, hiện nay hơn 50% hộ dân trong bản đã chuyển sang trồng cây ăn quả, cả bản chỉ còn 25 hộ nghèo. Thu nhập trung bình hàng năm của các hộ có vườn cây ăn quả đạt từ 200 triệu đồng trở lên. Kinh tế phát triển, cuộc sống ấm no nên bản làng ngày càng yên ấm và vui tươi hơn.

Với đặc thù huyện vùng cao biên giới, Sốp Cộp có địa hình khá phức tạp, nên kinh tế khó phát triển, đời sống người dân còn nhiều khó khăn, vất vả. Do vậy, cấp ủy, chính quyền huyện Sốp Cộp xác định xây dựng NTM là nhiệm vụ quan trọng để giúp người dân thoát nghèo. Cùng với sự vào cuộc quyết liệt của cấp ủy, chính quyền, công tác tuyên truyền về chương trình xây dựng nông thôn mới được huyện chú trọng bằng nhiều hình thức đa dạng, phong phú.

Với sự quan tâm đầu tư nguồn lực của Trung ương và tỉnh Sơn La; sự nỗ lực của cấp ủy chính quyền địa phương, đến nay huyện Sốp Cộp đã có 2 xã đạt chuẩn, 6 xã đã đạt từ 8 - 13 tiêu chí nông thôn mới. Không chỉ có Nà Mòn, một số địa phương ở huyện Sốp Cộp cũng đang thay da đổi thịt từng ngày.

Theo ông Lò Văn Thái, Chủ tịch UBND xã Dồm Cang, sau 10 năm triển khai xây dựng nông thôn mới, xã đã huy động được trên 118 tỷ đồng, trong đó nhân dân đóng góp trên 18 tỷ đồng. Nhờ đó, nhiều công trình đã được đầu tư xây dựng cải tạo nâng cấp, góp phần phát triển kinh tế - xã hội đảm bảo quốc phòng - an ninh trên địa bàn.

Bên cạnh chăm lo phát triển kinh tế, huyện Sốp Cộp còn huy động các nguồn lực xã hội xóa nhà dột nát cho các hộ nghèo. Trong năm 2020, Công đoàn Bộ Kế hoạch và Đầu tư cùng một số cơ quan của Trung ương và tỉnh đã hỗ trợ 6 tỷ 420 triệu đồng cho huyện Sốp Cộp xóa 107 nhà tạm, nhà dột nát cho hộ nghèo, hộ cận nghèo; góp phần tạo động lực để hộ nghèo ổn định cuộc sống và phấn đấu vươn lên.

M.Hà