Cây bưởi đào
Nhiều năm qua, thu nhập từ trái bưởi đào khá cao, nên nhiều hộ gia đình từ đó cũng được no ấm hơn.
Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, nông sản ở một số địa phương khó tiêu thụ. Trong bối cảnh ấy, người trồng bưởi đào ở ấp Suối Nhát (xã Xuân Đông, huyện Cẩm Mỹ, tỉnh Đồng Nai) cũng gặp khó khăn. Bưởi chín rộ nhưng thương lái ít thu mua khiến nhiều nhà vườn lao đao.
Tuy nhiên, theo lãnh đạo địa phương thì đó cũng chỉ là khó khăn nhất thời, còn thì cây bưởi đào ở đây đã có thị phần vững chắc so với nhiều loại trái cây trong vùng. Nhiều năm qua, thu nhập từ trái bưởi đào khá cao, nên nhiều hộ gia đình từ đó cũng được no ấm hơn.
Không chỉ người trồng bưởi đào ở xã Xuân Đông có thu nhập khá, mà người dân các xã Sông Ray, Xuân Tây cũng khá lên từ cây bưởi đào. Bởi bưởi đào trồng theo quy trình VietGAP đã trở thành cây trồng chủ lực trong các xã, ấp.
Bưởi đào có nhiều loại với tên gọi khác nhau. Sau đây, xin giới thiệu cùng bà con 2 loại bưởi đào khá phổ biến, cũng như cách trồng, chăm sóc để đạt hiệu quả tốt nhất.
Thứ nhất là cây bưởi đào “chuyên”, tuy là giống mới được đưa ra thị trường vài năm trở lại đây nhưng đã được người tiêu dùng ưa chuộng, bởi chúng không những cho nhiều quả đẹp mà ăn rất ngon. Đặc điểm nổi bật của giống đào này là có thể giữ được từ 3 đến 5 tháng mà không cần dùng thuốc bảo quản. Bưởi đào “chuyên” được lai tạo từ 2 giống bưởi cổ bởi nông dân Đào Duy Chuyên ở thị trấn Như Quỳnh, Văn Lâm, Hưng Yên.
Với loại bưởi này, khi mua cây giống thì chọn những cây xanh tốt, khỏe mạnh, không sâu bệnh và có chiều cao trên 50cm. Mắt ghép phải có chiều cao tối thiểu là 20cm. Nên trồng bưởi đào “chuyên” vào đầu mùa mưa, bởi lúc này, thời tiết thuận lợi cho cây sinh trưởng nhanh.
Cây phù hợp với đất thịt pha nhẹ, tơi xốp, thoát nước tốt. Nếu trồng ở vùng đất cao thì cần đắp vồng để thuận tiện khi tưới nước vào mùa khô. Làm liếp đất với chiều rộng khoảng 5 – 8m. Đào mương xung quanh vườn với chiều rộng khoảng 2m, sâu khoảng 1m để tưới nước cho cây.
Hố trồng cây: Đào hố trồng cây có kích thước khoảng 50x50x50cm. Mỗi hố cách nhau với khoảng cách 5m. Trước khi trồng cây khoảng 20 ngày nên bón lót cho cây. Trộn đất với phân chuồng hoai mục, vỏ trấu để làm phân bón lót cho cây. Vãi vôi xung quanh hố kết hợp phơi ải để khử mầm bệnh có trong đất trồng.
Trước khi trồng cần tiến hành tỉa bớt lá, xé bỏ lớp bọc dưới bầu đất nhưng không được để bầu đất bị vỡ tránh làm đứt rễ cây. Khoảng 1 tháng đầu mới trồng cây nên tưới nước thường xuyên vào mỗi buổi sáng sớm. Định kỳ làm sạch cỏ dại và vun gốc cho cây. Cắt bỏ những cành vượt, cành già, cành sâu bệnh nhằm giúp cây tập trung dinh dưỡng nuôi những cành còn lại.
Thứ hai với cây bưởi đào “thanh hồng”. Năng suất của loại bưởi này khá cao, cây thấp nhất cũng đạt 150-200 quả/năm, cây cao nhất đạt 900-1050 quả/cây. Bưởi này có thể sống và phát triển được trong khoảng nhiệt độ từ 13 độ C đến 38 độ C.
Loại cây này không thích hợp với cường độ ánh sáng quá cao vì có thể gây ra nám quả, cây bị mất nước nhiều, sinh trưởng kém dẫn đến tuổi thọ ngắn. Loại bưởi này ưa nước, nhất là trong thời kỳ ra hoa và phát triển quả, nhưng cần lưu ý là chúng không thể sinh trưởng trong điều kiện ngập nước.
Cũng cần lưu ý, khi tưới không dùng nước phèn, mặn. Khi trồng cần chọn đất có tầng dầy từ 1m trở lên, kết cấu xốp để giữ mầu, và thoát nước tốt, giàu mùn. Mật độ khoảng cách 4m 1 cây (tương ứng với 500 cây/ ha).
Đối với những vùng đất tốt hoặc có điều kiện đầu tư thâm canh và áp dụng các biện pháp đốn tỉa hàng năm có thể bố trí mật độ dày hơn (600 cây/ha). Bót lót cho mỗi hố từ 30 đến 50 kg phân chuồng hoai. Hố trồng cần phải chuẩn bị trước ít nhất 1 tháng. Khi trồng cần thường xuyên giữ ẩm trong vòng 20 ngày đến 1 tháng để cây hoàn toàn bén rễ và phục hồi.