Những ngọn gió Hua Tát thổi mãi

Lê Hồng Lâm 25/03/2021 19:00

Nghe tin nhà văn Nguyễn Huy Thiệp qua đời, tôi đem tác phẩm của ông ra đọc lại. Ở thời điểm này, tôi nhận ra tác phẩm của ông chia tách ra hai mảng chủ đạo. 

Tuyển tập truyện ngắn của nhà văn Nguyễn Huy Thiệp.

Nếu một số truyện ngắn như “Tướng về hưu”, “Không có vua”, “Những bài học nông thôn”, “Thương nhớ đồng quê”... là những hiện thực khốc liệt hoặc trần trụi, tàn nhẫn về con người; thì một số truyện khác, như “Con gái thủy thần”, “Chảy đi sông ơi”, “Muối của rừng”..., đặc biệt là chùm truyện ngắn thời đầu – “Những ngọn gió Hua Tát”, ông lại đắm chìm vào sự bảng lảng của huyền thoại.

Trong những truyện ngắn của vế sau này, chất “folklore” đậm màu sắc dân gian với những giai thoại, huyền thoại, truyền thuyết, cổ tích… phủ bóng lên tác phẩm, tạo ra một thứ không khí nửa hư, nửa thực và làm nên sự mê hoặc cho văn chương của ông.

Cho dù vậy, cuối cùng, nỗi buồn vẫn là vĩnh cửu.

Trong “Con gái thủy thần”, câu chuyện của Chương, chàng thanh niên đi tìm con gái thủy thần cũng giống như một kẻ đi tìm đạo, tìm kinh thánh cho cuộc đời mình. Và ở cuối cuộc hành trình đó, anh ta nhận ra rằng: “Chúng tôi cần gì nhiều tiền, nhiều nhà, nhiều đạo đức, nhiều anh hùng? Thoắt buổi sáng, đã trưa, đã chiều. Thoắt mùa xuân, đã thu, đã đông… Chỉ có nỗi buồn là vĩnh cửu”.

Trong cuộc chiến để chống lại sự vô minh, tăm tối của con người, ông đưa ra một loạt câu hỏi tu từ về đời người: “Rừng vô tình, vô cảm, thản nhiên, lạnh lùng, tàn nhẫn. Tất cả đều đẩy con người về nơi tận cùng ý thức cá nhân của chính nó. Con người tự co lại như con sâu, cái kiến, thúc thủ trong phần sinh linh vừa bé mọn, vừa cô đơn, vừa bất lực; nó chớp đôi mắt phấp phỏng lo âu trong tâm hồn nó và tự hỏi mình: là ai, đi đâu? thế nào? làm gì? tiến đến đâu? bao giờ thành tựu? bao giờ kết thúc?” (Mưa Nhã Nam)

Trong cuộc chiến giữa người với thiên nhiên đó, nếu con người biết thức tỉnh trước thiên nhiên, biết buông bỏ chấp ngã, cho dù nhận ra kiếp người bé mọn, có lẽ ít nhiều họ không phải trả những cái giá khốc liệt mà còn được nhận những món quà của đời sống, như ông thợ săn Diểu trong “Muối của rừng” sững sờ phát hiện ra loài hoa tử huyền, cứ ba chục năm mới nở một lần khi ông buông tha cho một cặp vợ chồng khỉ.

“Khi rừng kết muối, đấy là điềm báo đất nước thanh bình, mùa màng phong túc.

Ra khỏi thung lũng, ông Diểu đi xuống cánh đồng. Mưa xuân dịu dàng nhưng rất mau hạt. Ông cứ trần truồng như thế, cô đơn như thế mà đi.” (Muối của rừng)

Nhưng ở đời này, mấy ai biết thức tỉnh và buông bỏ?

Thực ra, tất cả những tư tưởng thấm đẫm triết lý Phật giáo và Thiền này đã được Nguyễn Huy Thiệp đưa vào văn chương từ rất sớm, trong chùm truyện ngắn “Những ngọn gió Hua Tát” viết từ thời ông còn là một anh giáo trẻ ở vùng sơn cước Tây Bắc. Với tôi, đó là một trong những tác phẩm xuất sắc nhất và có một vị trí đặc biệt trong văn nghiệp của ông.

Mười năm dạy học ở Tây Bắc ở những năm tháng tuổi trẻ ấy, hẳn đã mang lại cho Nguyễn Huy Thiệp những trải nghiệm và sau đó là cái nhìn giàu suy tưởng về cuộc sống, về con người ở những bản làng nằm lọt thỏm giữa “ba bề bốn bên là núi cao bao bọc, cuối thung lũng có hồ nước nhỏ, nước gần như không bao giờ cạn”. Để rồi sau đó, ông chưng cất vào trong tác phẩm của mình. Nó cũng giống như Isak Dinesen phải ở châu Phi suốt gần 20 năm như một người bản địa, mới viết được một tác phẩm sáng chói như “Châu Phi nghìn trùng”.

Đọc lại “Những ngọn gió Hua Tát” ở thời điểm này, ta có thể nhận ra sự trong trẻo, tinh khôi mà vẫn tỏa ra một sự mê hoặc của một nhà văn lớn. Cho dù bút lực và cấu tứ không sung mãn như những truyện ngắn viết giai đoạn 1986-1997, nhưng vẫn lấp lánh những nội lực của một văn tài. Cách xây dựng không khí đậm màu “folklore” về núi rừng Tây Bắc, những chi tiết đậm màu giai thoại, nửa hư nửa thực và cuối cùng, là nỗi buồn man mác của đời người không thoát khỏi sinh mệnh cô đơn, buồn thảm của mình… như một cái đế vững chắc, để ông bước lên một cái tầng cao hơn trong những truyện ngắn về sau như “Con gái thủy thần”, “Muối của rừng”…

Mở đầu chùm truyện “Những ngọn gió Hua Tát” mà ông gọi là “Mười truyện trong bản nhỏ”, Nguyễn Huy Thiệp dẫn dắt người đọc vào một bản làng ở trong thung lũng hẹp và dài, ba bề bốn bên là núi cao bao bọc, cuối thung lũng có hồ nước nhỏ, nước gần như không bao giờ cạn. Xung quanh hồ, khi thu đến, hoa cúc dại nở vàng đến nhức mắt.

Thung lũng ở Hua Tát rất ít nắng, ở đó quanh năm cứ lung bung một thứ sương mù bàng bạc nên nhìn người nhìn vật thì chỉ thấy những nét nhòa nhòa đại thể mà thôi. Đó quả thực là một cái không khí để huyền thoại bay lên.

“Ở Hua Tát, những chuyện cổ như những bông hoa dại, màu vàng nhạt, bé như khuy áo, điểm đâu đó quanh rào trong các ngõ nhỏ. Đàn ông ngậm hoa này trong miệng uống rượu không bao giờ saỵ Nó cũng giống như những viên đá cuội trắng có gân đỏ, mảnh như sợi chỉ nằm kín đáo nơi lòng suốị. Phụ nữ thích những viên sỏi nàỵ. Họ nhặt nó về ủ trong áo lót đủ một trăm ngày. Khi làm đệm cho chồng, họ dấu viên sỏi đó vào trong. Có lời truyền rằng người chồng nằm trên đệm ấy sẽ không bao giờ mơ tưởng đến những phụ nữ khác”.

Và cuối cùng, ông kết luận: “Hua Tát là một bản nhỏ cô đơn”.

Cô đơn như một lời nguyền trăm năm. Nên những huyền thoại của Thiệp thường kết thúc rất bi thảm, hoặc buồn bã. Nó hoàn toàn không có những cái kết kiểu “happy ending” của loại truyện cổ tích mà chúng ta thường đọc.

Trong truyện đầu tiên, “Trái tim hổ”, ông viết câu chuyện những gã trai bản thi nhau đi săn bằng được trái tim của một con hổ dữ. “Trái tim nó chỉ bằng hòn sỏi và trong suốt”. Trái tim ấy là bùa hộ mệnh, cũng là vị thuốc thần mà có được nó là sẽ giàu có, chữa được bách bệnh, kể cả đôi chân bị liệt của Pùa, một cô gái mà sắc đẹp của nàng khắp các mường không ai bì kịp, da trắng như trứng gà bóc, tóc mượt và dài, môi như son đỏ.

Nhưng lòng tham và khát khao chinh phục khiến họ vẫn tiếp tục lao vào chỗ chết. Cuối cùng, Khó, chàng trai bản mồ côi nghèo khó với trái tim thuần khiết cũng giết được con hổ dữ, nhưng chàng cũng phải trả giá bằng mạng sống của mình. Có điều trái tim hổ mà chàng khao khát để chữa đôi chân liệt của Pùa cũng đã không cánh mà bay bởi kẻ khác đã đánh cắp.

“Hơn mười người chết trong mùa đông ấy vì con hổ dữ. Thêm hai người nữa chết dần sau câu chuyện đó. Hai người ấy là Pùa và Khó… Người bản Hua Tát đã chôn con hổ ngay chỗ nó chết. Không ai nhắc lại huyền thoại về sự mầu nhiệm của trái tim hổ. Người ta đã quên nó đi như quên bao điều cay đắng xảy ra trên thế gian này. Điều ấy cũng cần”.

Trong “Con thú lớn nhất”, cũng vì chấp ngã, lão thợ săn già quyết săn bằng được một con thú lớn nhất để thỏa mãn cho cả đời đi săn của lão. Để rồi cuối cùng, lão lại nhìn nhầm mà bắn chết vợ mình, vì mụ mang theo một bộ lông chim công để ra rừng đợi lão. Nhưng cái tham vọng điên cuồng khiến lão vẫn không thức tỉnh mà dừng lại.

“Lão nảy ý định lấy xác vợ lão làm mồi để săn con thú, con thú lớn nhất đời mình. Lão nằm trong bụi cây gần cái xác thối rữa của vợ lão một sải tay, đạn lên nòng, khắc khoải chờ đợi. Nhưng Then đã trừng phạt lão. Không có con thú nào đến với lão, chỉ có cái chết đến với lão.

Ba ngày sau, người ta lôi cái xác còng queo của lão ra khỏi bụi cây. Một vết đạn xuyên qua trán lão. Lão đã bắn được con thú lớn nhất đời mình”.

Sự báo thù của rừng, hay “ăn của rừng rưng rưng nước mắt” này cũng thể hiện rất rõ trong truyện “Sói trả thù”. Cha con người thợ săn, sau khi giết chết con sói mẹ, đã mang một con sói con về nhà và nuôi với chó nhà. Để rồi 13 năm sau, trong bữa tiệc sinh nhật của đứa con trai, con sói ấy đã có một màn trả thù rùng rợn khiến đứa con trai chết ngay tại chỗ. Và điều thức tỉnh cuối cùng mà ông thợ săn làm là vung rìu và liên hồi chém vào sợi dây xích sắt. Con sói tru lên một tiếng rồi phóng thẳng về phía rừng. Còn người ta thì buông rìu quỳ xuống xác đứa con duy nhất, ngón tay gầy trơ cả khớp xương cày trên mặt đất bê bết máu.

Ở một số truyện ngắn sau, như cặp truyện có liên quan đến nhau là “Đất quên” và “Sạ”, ta sẽ thấy Nguyễn Huy Thiệp khai thác câu chuyện giữa mê và tỉnh, giữa tham ái và buông bỏ.

Ông Pành, người cha trong “Đất quên” ngoài 80 tuổi vẫn tham ái, vẫn say mê một cô gái trẻ tình cờ gặp nhờ cơn mưa đá trong rừng, và chịu thách thức để cưới được cô. Nhưng cuối cùng, mới bập được nhát rìu đầu tiên vào gốc cây lim thì vỡ tim mà chết.

“Đám tang ông Pành, Muôn không đi đưa. Hôm ấy nàng bận đi chợ Yên Châu xem đám chọi gà. Chiều về nàng cũng gặp mưa, nhưng mà lần này trời không mưa đá”.

Cái kết lạnh lùng và ráo hoảnh khép lại câu chuyện.

Những câu chuyện đẫm màu sắc huyền thoại trong “Những ngọn gió Hua Tát” có một sức mê hoặc lạ kỳ, khiến ta cứ mãi muốn đắm chìm trong đó. Và nó khiến tôi nhớ đến một câu nói của Robert Fulghum: “Tôi tin rằng trí tưởng tượng mạnh hơn kiến thức. Huyền thoại mạnh hơn cả lịch sử. Giấc mơ có sức mạnh hơn sự thật. Hi vọng luôn chiến thắng kinh nghiệm Tiếng cười là cách chữa trị duy nhất cho sự đau buồn. Và tôi tin tình yêu mạnh hơn cái chết”.

Những điều này đều đúng nếu đem soi chiếu vào “Những ngọn gió Hua Tát” và những tác phẩm bảng lảng màu huyền thoại của ông.

Tôi muốn bổ sung một ý nữa: Huyền thoại trong truyện ngắn của Nguyễn Huy Thiệp cũng mặn như muối.

Muối của đất.
Muối của rừng.
Muối của sự kết tinh trăm năm.
“Chúng ta chỉ vẻn vẹn có mạng sống này thôi
Trăm năm là ngắn, một ngày dài ghê”
(Mưa Nhã Nam).
Nguyễn Huy Thiệp giờ đây cũng là huyền thoại.
Như những ngọn gió Hua Tát.
Thổi mãi!

Lê Hồng Lâm