Khủng hoảng nhập cư lại bủa vây nước Mỹ
Sau 2 tháng kể từ khi bước chân vào Nhà Trắng, Tổng thống Mỹ Joe Biden giờ lại phải đối mặt với làn sóng người di cư ồ ạt tràn vào từ khu vực biên giới phía Nam giáp Mexico. Với hơn 5.000 trẻ em không có người đi kèm đang bị Cơ quan Hải quan và Biên phòng Mỹ (CBP) tạm giữ, ông Biden đang phải hứng chỉ trích dữ dội từ phe Cộng hòa, cũng như một số thành viên từ chính đảng Dân chủ.
Sóng gió
Ngày 24/3, Văn phòng Giải trình trách nhiệm Chính phủ Mỹ (GAO) cho biết, cơ quan này đang điều tra sắc lệnh hành pháp của Tổng thống Joe Biden về việc dừng tài trợ cho dự án xây tường dọc biên giới giữa Mỹ và Mexico - một trong những di sản của chính quyền tiền nhiệm.
Ông Biden đã ký lệnh dừng xây dựng tường biên giới ngay trong ngày đầu tiên nhận nhiệm sở. Tân Tổng thống cũng chỉ đạo Chính phủ xem xét cách chuyển hướng nguồn vốn của dự án này.
Tuy nhiên, khoản ngân sách 1,4 tỷ USD dành cho việc xây tường biên giới đã được Quốc hội Mỹ phê chuẩn vào tháng 12 năm ngoái. Đây là một phần trong gói cứu trợ Covid-19 trị giá 900 tỷ USD của Mỹ.
Trước đó, ngày 23/3, hơn 70 nghị sĩ Cộng hòa tại Hạ viện đã viết thư gửi GAO, khẳng định họ sẽ ký vào một đề xuất trước đó của 40 nghị sĩ Cộng hòa tại Thượng viện đòi điều tra sắc lệnh của Tổng thống Biden. Những người này cho rằng, ông Biden không có thẩm quyền can thiệp vào một dự án đã được Quốc hội phê duyệt tài trợ.
GAO buộc phải mở một cuộc điều tra theo đề nghị của phe Cộng hòa. Tuy nhiên, theo RT, Tổng thống Biden sẽ không phải đối mặt với bất kỳ biện pháp xử phạt nào ngay cả khi có sai phạm được phát hiện.
Trong khi đó cùng ngày, với nỗ lực nhằm ngăn chặn dòng người di cư tìm cách nhập cảnh vào Mỹ ở biên giới phía Nam, đồng thời thiết lập quan hệ đối tác với Mexico và các nước “Tam giác phía Bắc” bao gồm Guatemala, Honduras và El Salvador nhằm giải quyết các nguyên nhân gốc rễ của tình trạng nhập cư bất hợp pháp, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã chỉ định Phó Tổng thống Kamala Harris làm người phụ trách vấn đề nhập cư của Nhà Trắng.
Theo một quan chức cấp cao của chính quyền cho biết, việc chỉ định bà Harris sẽ phụ trách vấn đề nhập cư của Nhà Trắng như một động thái của chính quyền Biden nhằm để Mexico và các nước “Tam giác phương Bắc” biết “có một nhân vật duy nhất dành riêng cho nỗ lực này.”
Trong khi đó, một quan chức Nhà Trắng cho biết công việc của bà Harris sẽ tập trung vào 2 mục tiêu chính, bao gồm việc giải quyết dòng người di cư ở biên giới phía Nam và xây dựng quan hệ đối tác lâu dài với các quốc gia Trung Mỹ mà những người di cư đang rời bỏ.
Cho đến nay, Mỹ đang quản lý ít nhất 15.000 trẻ em nhập cư và chính quyền của ông Biden đang gặp khó khăn để cung cấp nhà ở và chăm sóc cho tất cả số trẻ em này. Trong khi đó, hàng nghìn người đang bị giam giữ tại các phòng giam của lực lượng Hải quan và tuần tra biên giới (CBP) dành cho người lớn trong nhiều ngày hơn thời gian luật pháp cho phép.
Hứng chỉ trích
Như vậy là sau 2 tháng kể từ khi bước chân vào Nhà Trắng tương đối “thuận buồm xuôi gió,” Tổng thống Mỹ Joe Biden đang phải đối mặt với làn sóng người di cư ồ ạt tràn vào từ khu vực biên giới phía Nam giáp Mexico.
Đây không chỉ là vấn đề mà các đối thủ đảng Cộng hòa tập trung xoáy vào, mà cả một số thành viên trong nội bộ đảng Dân chủ cũng chỉ trích ông Biden. Các ý kiến chỉ trích cho rằng chính quyền đã không có phản ứng phù hợp, gây ra sự hỗn loạn tại khu vực biên giới và thông tin thiếu minh bạch.
Dự kiến trong tuần này, phái đoàn nghị sỹ do Thượng nghị sỹ đảng Cộng hòa Ted Cruz dẫn đầu sẽ có chuyến thị sát khu vực biên giới phía Nam. Ông nhận định mặc dù chính quyền không thừa nhận đây là một cuộc khủng hoảng nhưng “người dân Mỹ đang bắt đầu hiểu được mức độ nghiêm trọng của tình hình.”
Hai thượng nghị sỹ John Cornyn của đảng Cộng hòa và Kyrsten Sinema của đảng Dân chủ, đại diện cho các bang có biên giới chung với Mexico là Texas và Arizona, cũng đã viết một bức thư chung kêu gọi chính quyền của Tổng thống Biden tăng cường các biện pháp để giải quyết tình hình hiện nay.
Từ nhiều năm qua, nhập cư trái phép vẫn là vấn đề nan giải tại Mỹ. Tuy nhiên, ngay ngày đầu tiên lên nắm quyền, Tổng thống Biden đã ký một loạt sắc lệnh đảo ngược một số chính sách nhập cư gây tranh cãi của người tiền nhiệm, theo đó ngừng xây dựng bức tường dọc biên giới với Mexico và đề xuất dự luật tạo điều kiện cho gần 11 triệu người sống bất hợp pháp tại Mỹ được cấp quốc tịch.
Quyết định trên của chính quyền Tổng thống Biden vấp phải sự phản đối mạnh mẽ của đảng Cộng hòa, cho rằng sự đảo chiều chính sách này sẽ khiến số người di cư tìm cách vượt biên trái phép vào Mỹ tăng mạnh, tất yếu gây nên một cuộc khủng hoảng ở biên giới.
Chính phủ Mỹ đang gấp rút mở thêm cơ sở để tiếp nhận khoảng 5.000 trẻ em nhập cư từ các cơ sở của lực lượng tuần biên, đồng thời xúc tiến việc trao trả trẻ em đang được Bộ Y tế và Dịch vụ Nhân sinh giám hộ cho cha mẹ hoặc các đơn vị bảo trợ khác.
Tuy nhiên, các nhân viên tuần biên giữ lại nhiều trẻ em nhập cư hơn số được trao trả, dù 40% trong số này đi cùng cha mẹ hoặc người giám hộ hợp pháp.
Trong thời gian gần đây, Mexico đã tăng cường lực lượng bảo vệ pháp luật ở biên giới phía Nam nhằm ngăn chặn dòng người di cư từ Trung Mỹ tìm cách đi qua lãnh thổ nước này để tới Mỹ.
Số lượng người di cư đã tăng mạnh trong những tháng qua và trở thành một thách thức chính sách cấp bách với chính quyền của Tổng thống Biden.
Theo các tổ chức nhân quyền, mỗi năm, hàng nghìn người dân các nước Trung Mỹ đã vượt qua Mexico để tìm đường tới Mỹ, bất chấp hành trình dài và đầy nguy hiểm khi họ có thể trở thành nạn nhân của các đường dây buôn người hay tội phạm có tổ chức.
Số người nhập cư trái phép vào Mỹ bị bắt giữ tại khu vực biên giới chung với Mexico trong tháng 2 vừa qua đã tăng 28% so với tháng trước đó.
Cụ thể, Cơ quan Hải quan và bảo vệ biên giới Mỹ (CBP) đã bắt giữ khoảng 100.000 người, trong đó có gần 9.500 trẻ không có người thân đi cùng.
Ngày 25/3, Tổng thống Mỹ Joe Biden dự kiến sẽ có cuộc họp báo chính thức đầu tiên tại Nhà Trắng kể từ khi nhậm chức. Theo kế hoạch, cuộc họp báo sẽ diễn ra lúc 1h15 chiều ngày 25/3 theo giờ địa phương (1h15 sáng 26/3 giờ Việt Nam). Trong đó, theo nhận định của Washington Post, ông Biden có thể đối mặt với những câu hỏi liên quan đến làn sóng nhập cư ở biên giới phía Nam.