Niềm vui của cặp vợ chồng hiếm muộn
Kết hôn từ 2008 nhưng mãi đến đầu năm 2021, gia đình thầy giáo Lê Trần Minh và chị Lý Thị Hướng ở Điện Biên mới được cảm nhận hạnh phúc trọn vẹn khi lần đầu được làm bố, làm mẹ sau 12 năm kiên trì tìm con.
Hai vợ chồng cùng tuổi, sinh năm 1984. Sau kết hôn, Lê Trần Minh và Lý Thị Hướng rời quê hương Quốc Oai (Hà Nội) đến Điện Biên dạy học. Như bao cặp đôi khác, anh chị cũng mong sớm được nghe tiếng con trẻ rộn rã trong tổ ấm nhỏ nhưng đợi mãi mà chẳng thấy tin vui. Cuộc sống của đôi vợ chồng giáo viên nơi miền Tây Bắc cứ thế trôi qua trong nỗi khát khao nghe tiếng trẻ thơ. Họ xoay xở đủ hướng, có bao nhiêu tiền dành dụm là dốc cả vào các loại thuốc Nam, thuốc Bắc. Nơi nào có thầy lang giỏi, bài thuốc tốt là hai vợ chồng chẳng quản đường xá xa xôi để đến. Vậy mà niềm mong mỏi, khát khao vẫn cứ kéo dài…
Bước sang năm thứ 10 của hành trình tìm con, được bạn bè động viên, hai vợ chồng quyết tâm vượt gần 500 cây số từ Điện Biên xuống Hà Nội để thăm khám với hy vọng Y học hiện đại sẽ giúp anh chị thỏa ước nguyện làm cha làm mẹ. Tại Bệnh viện Nam học và Hiếm muộn Hà Nội, sau khi được bác sĩ kiểm tra sức khỏe sinh sản, hai vợ chồng mới biết chính xác nguyên nhân muộn con là do biến chứng quai bị cách đây 14 năm của anh Minh. May mắn là vẫn còn cơ hội để chạy chữa. Niềm hy vọng lấp lánh trong đôi mắt người thầy giáo vùng cao.
Theo Thạc sĩ, Bác sĩ Đinh Hữu Việt - người trực tiếp thăm khám và điều trị cho anh Lê Trần Minh thì: “Tắc ống dẫn tinh là một trong những bệnh lý ảnh hưởng trực tiếp đến khả năng sinh sản của nam giới. Đó là hiện tượng ống dẫn tinh trùng của nam giới bị chặn ở một vị trí nào đó dẫn đến khi xuất tinh, tinh trùng không thể thoát ra ngoài một cách bình thường”.
Sau khi được bác sĩ tư vấn phẫu thuật nối ống dẫn tinh, dù cơ hội thành công khá thấp và tốn nhiều chi phí nhưng hai vợ chồng vẫn quyết tâm thực hiện bởi đây có lẽ là cơ hội duy nhất để họ có con.
Ngày 8/8/2018 - đúng 10 năm sau ngày cưới, anh Lê Trần Minh được thực hiện vi phẫu nối ống dẫn tinh tại bệnh viện. Theo Trưởng khoa Ngoại - Tiết Niệu và Nam học thì đây là một kỹ thuật khó được áp dụng cho những trường hợp đặc biệt, hiếm gặp trong nam khoa.
Tin tưởng và tuân thủ theo hướng dẫn của bác sĩ, sau phẫu thuật 3 tháng, vào tháng 11/2018, lần đầu tiên anh chị có tin vui. Thế nhưng, niềm vui chẳng bao lâu thì không may thai bị lưu ở tuần thứ 9 khiến chị Hướng suy sụp, buồn vì duyên con chưa tới, thương chồng vất vả chạy chữa bấy lâu.
Sau một thời gian nghỉ ngơi để hồi phục sức khỏe, đến tháng 5/2020, chị Hướng tiếp tục có thai. Suốt thai kỳ, dù 3 tháng đầu ốm nghén khó chịu nhưng chưa khi nào chị cảm thấy mệt mỏi vì niềm hạnh phúc được làm mẹ đã xua tan tất cả. Đến tháng 2/2021, khi được 39 tuần 1 ngày, chị Hướng xuất hiện dấu hiệu chuyển dạ và bé Đậu Xanh - Lê Trường An cất tiếng khóc chào đời với cân nặng 3.8kg bằng phương pháp sinh mổ.
Đến giờ, chị vẫn nhớ mãi khoảnh khắc lần đầu tiên nhìn thấy con, được ôm con trong vòng tay. Đó như một giấc mơ nhưng là giấc mơ có thật sau 12 năm khắc khoải mong con của anh chị. Điều đó càng khẳng định rằng, y học ngày nay đã tiến bộ vượt bậc và đang tiếp tục làm nên những điều kỳ diệu, mang đến niềm hạnh phúc vô bờ bến cho những cặp vợ chồng hiếm muộn như anh Minh, chị Hướng.