Nâng chất trong đào tạo tiến sĩ

Vi Cầm 26/03/2021 06:36

Là nội dung một đề tài nghiên cứu khoa học vừa được Bộ GDĐT tổ chức nghiệm thu mới đây. Tên gọi chính xác của để tài là “Nghiên cứu cơ sở lý luận và thực tiễn, đề xuất giải pháp nâng cao chất lượng đào tạo tiến sĩ thông qua mô hình nhóm nghiên cứu ở Việt Nam”, được thực hiện 24 tháng (từ tháng 8/2018 đến tháng 8/2020).

Thay mặt nhóm nghiên cứu, GS.TSKH Nguyễn Đình Đức - ĐH Quốc gia Hà Nội (làm chủ nhiệm) đã đề xuất chính sách và giải pháp phát triển nguồn lực cho các nhóm nghiên cứu trong trường ĐH. Theo đó, cần thay đổi chính sách trả lương cho cán bộ khoa học; có chính sách hỗ trợ các nhóm nghiên cứu với những chế độ đãi ngộ cụ thể và cơ chế thông thoáng cả về nguồn kinh phí đầu tư, cũng như cơ sở vật chất. Ngoài ra, cần tìm ra hướng đi đúng đắn cho chiến lược nghiên cứu; ưu tiên đầu tư thỏa đáng cho các nhóm nghiên cứu mạnh và tập trung cho các nhóm nghiên cứu mạnh này. Bên cạnh đó, đề tài cũng đề xuất, các cơ sở giáo dục ĐH cần xây dựng bộ KPI (có nghĩa là chỉ số đánh giá thực hiện công việc), chi tiết và dành riêng để đánh giá hiệu quả hoạt động của nhóm nghiên cứu mạnh; Xây dựng và ban hành Nghị định về hoạt động nghiên cứu khoa học trong các trường ĐH. Đồng thời đẩy mạnh tự chủ ĐH nhằm thu hút nhanh và mạnh các nguồn lực, cơ chế…

Tại cuộc họp, hầu hết các ý kiến đều cho rằng, đề tài đã “chạm” vào một trong những vấn đề trọng tâm đang được xã hội quan tâm là nâng cao chất lượng đào tạo tiến sĩ của Việt Nam.

Đây không phải lần đầu tiên, yêu cầu nâng cao chất lượng đào tạo tiến sĩ được đặt ra. Trước đó, từng có nhiều hội thảo về các giải pháp, chính sách nâng cao chất lượng đào tạo tiến sĩ, gắn với nhu cầu nghiên cứu khoa học do Bộ GDĐT tổ chức. Các ý kiến đều thống nhất rằng, phải quan niệm đúng là “làm tiến sĩ” thay vì “học tiến sĩ”. Theo TS Nguyễn Đắc Trung - Phó Trưởng phòng Đào tạo, Trường ĐH Bách Khoa Hà Nội: Nghiên cứu sinh phải thực sự là người làm tiến sĩ, coi đây là công việc của họ, để toàn tâm toàn ý, từ đó nhận được lại thành quả. Như vậy mới tạo nên động lực đúng đắn, thúc đẩy nghiên cứu sinh hoàn thành tốt công việc của mình.

Ghi nhận từ thực tế cũng cho thấy, chất lượng đào tạo tiến sĩ ở Việt Nam lâu nay vẫn còn gây nhiều tranh cãi. Thậm chí có nhiều đề tài nghiên cứu không gắn liền với thực tiễn, số lượng tiến sĩ nhiều, nhưng số lượng công trình khoa học công bố ít…

Đơn cử trước đó có nhiều câu chuyện liên quan đến những đề tài luận án tiến sĩ thuộc lĩnh vực giáo dục thể chất. Có đề tài thì khảo sát về việc phát triển thể chất của học sinh tại một địa phương nào đó; hoặc cụ thể hơn thì của một trường ĐH, trường phổ thông nào đó. Thậm chí có đề tài mang tính toàn quốc như “Nghiên cứu nâng cao năng lực thể chất của học sinh THCS 12-15 tuổi”. Những nội dung nghiên cứu ấy nghe rất là phong phú. Nhưng nhìn lại thực tế thì yêu cầu giáo dục thể chất cho học sinh phổ thông, đặc biệt là Chương trình GDPT mới đang triển khai cũng vẫn là một vấn đề còn nhiều tồn tại. Có thể chỉ ra như việc dạy môn bơi lội trong nhà trường vẫn chưa đạt được mục tiêu đề ra. Những yếu kém ấy dẫn đến việc học sinh hổng kỹ năng bơi lội, thể lực chưa đạt yêu cầu.

Trở lại với vấn đề nghiên cứu khoa học trong các cơ sở giáo dục ĐH, theo lãnh đạo Bộ GDĐT, hoạt động này phải gắn bó mật thiết với công tác đào tạo, đặc biệt là đào tạo tiến sĩ. Việc đào tạo tiến sĩ là đào tạo nhân tài, tinh hoa, nên phải đảm bảo chất lượng đầu ra. Đào tạo tiến sĩ đi vào thực chất cũng chính là góp phần xây dựng uy tín thương hiệu của trường.

Vi Cầm