Phóng sự điều tra độc quyền: Một câu lạc bộ mang màu sắc ‘ma mị’ giữa thủ đô

Nhóm PV 26/03/2021 08:10

Sau khi báo điện tử Đại Đoàn Kết đăng tải 5 kỳ phóng sự điều tra về hoạt động mang đầy màu sắc 'ma mị' của CLB Tình Người, rất nhiều độc giả gửi thông tin cũng như đề nghị Báo tiếp tục phơi bày những sự thật về tổ chức này. Đây là bài điều tra độc quyền đăng tải trên báo in Đại Đoàn Kết số ra hôm nay, 26/3.

Câu lạc bộ Tình Người ra mắt ngày 30/7/2019, thuộc Công ty TNHH Phát triển trí tuệ cộng đồng, có địa chỉ trụ sở tại tầng 3 - Tòa nhà số 68 đường Dương Đình Nghệ, phường Yên Hòa, quận Cầu Giấy, Hà Nội. Câu lạc bộ này đã hoạt động nhiều năm với những phương châm được quảng cáo là “kết nối những trái tim nhân ái”, “phát triển giá trị trí tuệ hạnh phúc cộng đồng”. Nhưng thực tế ra sao khi mà có không ít “học viên” khi tỉnh mộng, rời câu lạc bộ này đã rơi vào cảnh tiền mất, nhà tan?

Phía sau những khẩu hiệu “Cho đi là còn mãi”, “Lan tỏa trí tuệ tới cộng đồng” được quảng cáo là tôn chỉ, mục đích của Câu lạc bộ Tình Người là những hành động “truyền bá” khái niệm mơ hồ mang màu sắc “ma mị”... gieo rắc nỗi sợ hãi, ám ảnh.

Một buổi “chia sẻ” của Câu lạc bộ Tình Người.

Muốn “giải nghiệp” thì phải đốt phiếu ghi nhận tiền

Một trong những nội dung được quy định tại nội quy của câu lạc bộ (CLB) có nêu rõ “Không được tuyên truyền mê tín dị đoan”, nhưng hình như nội quy này chỉ để đánh lạc hướng cơ quan chức năng vì thực tế CLB thường xuyên mở lớp với hàng trăm học viên tham gia để nghe thành viên CLB chia sẻ nhiều vấn đề liên quan đến tâm linh.

Theo lời anh H.V.N. (từng là thành viên của CLB này), các thành viên được dạy “tu đạo” theo một giáo trình nội bộ cơ bản với những nội dung gồm 3 bước: Tu tiếp, trả nghiệp và hành sứ mệnh. Trong đó, bước đầu “tu tiếp” là dạy những kĩ năng sống, thay đổi bản thân. Bước hai là “trả nghiệp” thông qua những chia sẻ về tâm linh, thờ cúng; “trả nghiệp” bằng việc góp tiền từ thiện cho CLB. Bước thứ ba là “hành sứ mệnh”, truyền bá “giáo trình “ đến với người thân, bạn bè… hay còn gọi là “gieo duyên”.

Trong vai người tham gia CLB, phóng viên Báo Đại Đoàn kết đã tham gia các buổi “thuyết giảng”, chia sẻ “trí tuệ” của CLB Tình Người để tận mắt chứng kiến những phản ánh của bạn đọc về những thứ gọi là tâm linh, ma mị ở đây.

Tại trụ sở CLB đóng tại quận Cầu Giấy (Hà Nội), trong mỗi buổi “sinh hoạt”, trực tiếp đứng lên chia sẻ là một người phụ nữ trung niên (có tên Hồng Thuận, hay còn được gọi là “cô Thuận”). Người phụ nữ này được xem như vị “giáo chủ” của CLB, người được các “ngài” lựa chọn “sang tai” để dạy “trí tuệ” cho các thành viên.

Tại đây, tất cả những vấn đề bất ổn trong cuộc sống của những thành viên CLB nói riêng và con người nói chung đều được lý giải với góc độ “nghiệp” và xung quanh chúng ta đều là “vong”. “Mỗi người trần chúng ta gần với 60 - 70 vong bám theo. Vong khôn hơn người trần 70 lần. Vong biết được mình đang thế nào” - “cô Thuận” nhắc đi nhắc lại điều này trong các buổi học.

Không chỉ liên tục nói đến “vong”, “nghiệp”, người phụ nữ này còn bày cách để “giải nghiệp” một cách rất cụ thể, rành mạch. Theo đó, “cô Thuận” bày cách “trả nghiệp” qua việc dùng tiền để cúng gia tiên: “Mình phải trả (nghiệp - PV) cho gia tiên, cho bố mẹ mình, trả cho vợ chồng mình để không bị nợ nghiệp nữa. Ví dụ chúng ta để dành được 5 triệu đồng thì không được cúng rằng: Con làm phúc 5 triệu cho tất cả mọi người đâu. Phải ghi rõ ông bà mình tên là gì, tuổi bao nhiêu, địa chỉ ở đâu, số tiền bao nhiêu. Cả người thân lẫn những người giúp đỡ mình trong kiếp quá khứ cũng như kiếp hiện tại này. Đối với vong linh gia tiên, dòng họ phải nhiều tiền nhất”.

Theo yêu cầu của “cô Thuận”, tất cả số tiền này sẽ được đem đến CLB, đổi lại các thành viên nhận được một tờ giấy ghi nhận. Sau khi nhận giấy ghi nhận, các thành viên được dặn dò phải đem về và hóa (đốt) luôn tại nhà để kết thúc một chu trình “giải nghiệp”.

Trong mỗi bài chia sẻ của cô Thuận còn có sự xuất hiện của những yếu tố tâm linh, ma quỷ. Những thành viên mỗi khi tham gia các buổi tình nguyện đều được dặn dò phải rửa tay bằng rượu gừng để tránh ma quỷ, không bắt tay với những bệnh nhân trong bệnh viện vì sợ “vong” theo.

Trong một buổi chia sẻ, “cô Thuận” bày cách: “Thực ra người ta chìa tay ra mà mình không bắt cũng ngại, người ta lại bảo mình không ân cần với bệnh nhân. Thế nên tại sao trước khi vào đấy (bệnh viện) lại phải xoa tay rượu gừng và xong rồi thì về tắm rượu gừng. Miễn là không ôm là được. Có thể nói với người ta ở đây chúng em có văn hóa không bắt tay”.

Không chỉ có vị nữ “giáo chủ”, những “chân rết” tại đây cũng nhiệt tình chia sẻ những câu chuyện kì bí, rùng rợn có liên quan như đau đầu, đau tai, đau mắt đều do vong phá quấy, cản trở mình “học Đạo”.

“Làm phúc”… phải bí mật

Một trong những tư liệu chính của việc “truyền bá” ma quỷ, vong linh được CLB này sử dụng là một cuốn sách được truyền tai nhau “Pháp bảo”. Cuốn sách do tác giả có tên Nguyễn Kính viết, NXB Hồng Đức phát hành, với số lượng 60.000 cuốn.

Phần lớn nội dung “Pháp bảo” được cóp nhặt giáo lý, khái niệm của nhiều tôn giáo khác nhau. Trong cuốn sách này xuất hiện rất nhiều chi tiết mang màu sắc tâm linh, ma mị nhưng lại được xem như “báu vật” để “học đạo”, mở mang trí tuệ. Theo lý giải của tác giả cuốn sách, chúng ta đang ở thời mạt pháp, thời vong lên trần nên tất cả mọi người phải “học Đạo”, học trí tuệ. “Nên thời này, các ngài đang mở cửa Địa ngục cho các vong lên trần học Đạo, nghe Kinh để tu…” (trang 174).

Trong cuốn sách cũng xuất hiện nhiều nội dung khiến người đọc nhìn lệch lạc. Ví dụ: “Cây đèn dầu là một vị Phật đắc đạo đầu tiên ở Việt Nam. Ngài là Nhiên Đăng Cổ Phật. Nên gốc Phật là ở Việt Nam”.

Trong “Pháp bảo” còn dạy học viên những “lý thuyết” mơ hồ như “ta là con Trời, con Phật” nên tôn sùng “cha thiên, mẹ địa” hay còn gọi là “cha mẹ các ngài” còn bố mẹ sinh thành chỉ là “anh sinh và chị nở”. “Khi người mẹ mang thai đủ 9 tháng 10 ngày thì sinh con, lúc đó thì linh mới nhập vào, nếu sinh thuận thì đầu ra trước, linh nhập từ bách hội vào và trú ngụ ở trong tâm; người đỡ đẻ vỗ 3 cái vào mông thì đứa trẻ khóc, lúc đó là linh nhập đầy đủ. Những đứa trẻ mà sinh ngược thì chân ra trước, đầu ra sau, linh chưa kịp nhập từ bách hội vào thì đứa trẻ dễ bị chết”.

Không những thế, “Pháp bảo” còn cho biết, “khi con gái và con rể về thăm nhà vợ cần phải ngủ riêng, không làm ô uế, vì con gái con rể là khách… Bố mẹ vợ cho nhà hoặc cho đất để con gái và con rể ở riêng thì đó mới chỉ là phần trần, nhưng mình còn phải làm lễ để tấu lên với tổ tiên tạ ơn gia tiên nhà vợ và dành một khoản tiền để tạo phúc và trả nợ cho gia tiên nhà vợ, một khoản nữa để tạo phúc và trả nợ cho bố mẹ vợ. Tiền dâng lên tùy tâm”. (Tiền mang đến CLB để “dâng” lên tạo phúc và trả nợ).

Hầu hết trong các buổi chia sẻ tại CLB cũng như nội dung sách “pháp bảo” đều nhấn mạnh và xoay quanh việc “tạo phúc và trả nợ” bằng công và bằng của. Của là tiền bạc, vật chất được chuyển lên cho CLB, hoặc bằng những cách “sang tai” đón nhận “duyên lớn” mà người được “sang tai” khi tham gia luôn phải gồng mình chạy theo chuyển tiền. Những người “chủ trò” trong các buổi thuyết giảng của CLB còn dặn kỹ việc tạo phúc bằng công, của… không được để cho ai biết vì nếu không sẽ bị “mất phúc”.

Ngoài ra, người trong CLB còn truyền tay nhau rất nhiều những bài cúng, văn khấn tại gia đã được sao chép, thêm thắt từ kinh kệ, câu chú của Phật giáo, Đạo Mẫu kết hợp với tín ngưỡng thờ cúng gia tiên của Việt Nam. Bên cạnh đó, trong hoạt động của CLB cũng tồn tại rất nhiều những điểm bất thường như mọi người không được xin số điện thoại và liên hệ của nhau, không vay tiền và cho vay tiền giữa các thành viên trong CLB. Dù rằng mục đích của CLB là để kết nối mọi người và “cho đi là còn mãi”.

Phát minh ra “thuốc” phòng Covid-19?

Trong một buổi chia sẻ mới đây vào ngày 29/1/2021, “cô Thuận” còn chia sẻ cách phòng chống Covid-19 phản khoa học, tự mua 3.000 liều thuốc cho các thành viên CLB để “ngừa Covid-19”. Cụ thể, “cô Thuận” nói: “Hôm qua đại dịch về tiến triển rất nhanh nên 4 rưỡi sáng em gọi nhà thuốc làm 3.000 gói thuốc tặng mỗi anh chị 6 gói trước. Theo em được biết tất cả cơn ho, chỉ cần ho bình thường thôi phổi đã có vấn đề rồi, dương tính rồi. Chưa kể bị nặng, các bộ phận của chúng ta đang yếu mệt nữa nên sẽ tác động càng nhanh… Đương nhiên chúng ta chưa uống thuốc mà đi khám bệnh ngay thì dương tính rồi. Nên trước khi đi khám bệnh phải uống mấy liều thuốc cho ổn đã. Đây 6 liều là ít, anh chị phải cố gắng mua thêm”. Vậy thì, “cô Thuận” hay ai đã “phát minh” ra thuốc phòng Covid trước cả khi các nhà khoa học trên thế giới nghiên cứu ra vaccine tiêm phòng Covid?

Lấy căn bản từ “Pháp bảo”, các “chủ trò” còn luôn miệng tuyên truyền rằng đây là thời kỳ mạt pháp, phúc đức đã hết nên không thể làm ăn được gì. Họ khuyên các thành viên bỏ hết tất cả để tu tập, “làm phúc”… bằng cách đem tiền của đến CLB để đi làm từ thiện. Mặc dù rao giảng như vậy nhưng “cô Thuận” lại luôn mồm dặn dò học viên: “Mình học trí tuệ để biết về tâm linh, chứ không phải đến đây để học tâm linh. Về không cẩn thận mà chia sẻ cho mọi người đến đây học tâm linh hay ơi là hay thì chết”.

Không chỉ rốt ráo “chia sẻ” các lý thuyết tâm linh, CLB Tình Người liên tục thúc giục các thành viên cần “tạo phúc và trả nợ”. Trong đó nhấn mạnh việc mang tiền của đi công đức, xây dựng chùa chiền, miếu mạo… và góp tiền làm từ thiện. Song song với đó là cúng tiền để trả nợ cho mình và gia tiên.

Cụ thể, mỗi năm sẽ có 2 lần tạo phúc, 2 lần trả nợ cho bản thân, gia đình, gia tiên và những người mình nợ, những người giúp mình. Ngoài ra, hàng tháng có lộ phí đi đường cho gia tiên (“Pháp bảo” - trang 45). Tất cả số tiền này “Phải đi làm cho cộng đồng, người ngoài, tuyệt đối không biếu bố mẹ mình hay những người trong dòng họ”.

Một trong những điều kiện bắt buộc để vào CLB Tình Người là người từ 30 tuổi trở lên, có điều kiện kinh tế nhất định. Để được chính thức trở thành thành viên CLB, người tham gia sau khi đã trải qua các buổi chia sẻ “trí tuệ” còn được xét duyệt kĩ càng thông qua các bài kiểm tra, thái độ, nhân tướng… Cũng từ đây, các thành viên trở thành “con mồi” cho CLB.

“Mua hộ đồ thờ” với giá “cắt cổ”?

Các thành viên điều hành CLB không ngớt lời “quảng cáo” với học viên về độ thiêng của các bộ đồ thờ bằng đồng có giá trị từ vài chục triệu đến cả trăm triệu đồng. Để khách quan, CLB không kinh doanh hay buôn bán các vật phẩm này mà dưới hình thức “mua hộ”, “đặt hộ”. Trong buổi chia sẻ, một “chân rết” nhấn mạnh: “Xuất phát từ cái tâm của anh chị khởi lên như vậy rồi thì anh chị có muốn nhờ chúng em đặt bộ đồng không ạ? Anh chị xuất phát từ cái sự tin tưởng đúng không? Và các anh chị cũng mong muốn nhờ giúp…”. Không biết có phải do “linh thiêng” hay không mà chỉ riêng một bát hương đồng ngũ sắc tại đây có giá 24 triệu đồng, một bộ đồ đồng ngũ sắc khác cũng có giá lên đến 59 triệu đồng…Giá trị của những vật phẩm này ngoài thị trường thấp hơn rất nhiều. Vậy số tiền chênh lệch từ việc “mua hộ” đồ đồng, đồ thờ cúng này sẽ chảy về túi ai?

Không chỉ “mua hộ” đồ thờ, tại mỗi buổi chia sẻ, các thành viên liên tục được nhắc nhở học viên mua nước uống tại CLB để mời tất cả mọi người (khoảng vài trăm người/1 lớp) để tạo duyên. “Cơ hội được mời nước tuyệt vời nhất mà nhiều người chẳng biết mời nhưng có thể bỏ tiền đi du lịch vài chục triệu lên đến cả trăm triệu. Sao không bớt một chuyến du lịch vài chục triệu để mời 10 lớp (mua nước tại CLB - PV). Nếu có ân thì trả ân, nếu có oán thì giải oán, không có ân oán thì tạo duyên, tạo phúc…” - một “chân rết” chia sẻ trong buổi học.

“Cô Thuận” chia sẻ “pháp bảo” của Câu lạc bộ.

Tiền “phát tâm” của hàng trăm nghìn học viên gửi vào câu lạc bộ Tình Người thuộc Công ty TNHH Phát triển trí tuệ cộng đồng được sử dụng như thế nào? Việc thành lập câu lạc bộ trong doanh nghiệp để nhận tiền từ thiện có là hoạt động hợp pháp? Cơ quan chức năng có quản lý được hoạt động của câu lạc bộ này hay không? Đó là những câu hỏi lớn đang chờ các cơ quan chức năng vào cuộc xác minh làm rõ.

Đặc biệt, trong các lần “thuyết giáo”, thành viên điều hành CLB nhiều lần úp mở về việc “tạo phúc đức” thông qua việc đón nhận các “duyên đặc biệt” như công đức xây dựng tượng Phật, chùa chiền…Vẫn với hình thức “rỉ tai”, “truyền tai” nhau nhưng lần này hiệu quả hơn rất nhiều, các khoản thu hầu như không được ai giám sát, kiểm soát. Lạ nỗi, những “duyên đặc biệt” kiểu này chỉ được truyền đến tai những thành viên có điều kiện kinh tế trong CLB, trước đó đã nằm lòng lý thuyết “trả nghiệp”, “hành sứ mệnh”. “Duyên đặc biệt” nên số tiền cũng đặc biệt. Chưa có ai thống kê để công bố nhưng số tiền này chắc chắn không nhỏ. Đáng nói, tất cả số tiền này đều là học viên tự nguyện đóng góp cho CLB, những người đứng đầu như Nguyễn Hồng Thuận, Kim Bình Trọng nhưng thông tin về thu chi, số tiền cũng mù mờ như những lý thuyết “đặc sản” của CLB.

H.D.M. (41 tuổi, Hà Nội) đã từng hoạt động tại CLB Tình Người 2 năm cho biết: “Cái tinh vi của Tình Người ở chỗ làm cho người ta tự mang tiền đến nộp cho mình mà không mảy may nghi ngờ gì. Hồi còn ở Tình Người, chỉ cần được rỉ tai nhau có cái duyên xây cột đình, cổng chùa khoảng 200 triệu thôi là ai cũng muốn phát tâm làm phúc”. Các học viên được dạy: “Làm phúc thì phải âm thầm và không ai biết mới là đại phúc”, bởi thế sau khi đã góp một số tiền lớn làm công đức, làm phúc, không ai nói với ai nên ai cũng nghĩ mình là người duy nhất được đón cơ hội đặc biệt này.

M kể, “ai cũng lên ‘gặp riêng’ để đóng góp và nghĩ mình là người duy nhất nhưng thực tế có bao nhiêu người thì chỉ ai cầm tiền mới biết”. Theo tính toán của nhân chứng M., một năm rất nhiều “duyên” từ vài trăm triệu đến cả tỷ đồng được nộp cho những người đứng đầu CLB.

Ngoài ra, các thành viên còn được khuyến khích “gieo duyên” thông qua việc giới thiệu người thân, bạn bè quen trên 6 tháng để đến CLB học hỏi nhằm mở rộng quy mô của CLB. Tất cả đều trải qua quá trình tuyển chọn vô cùng khắt khe, dựa trên sự tự nguyện và lòng tin tuyệt đối của thành viên.

Mập mờ “doanh nghiệp phi lợi nhuận”, “giáo trình bản quyền”

Ngày 24/3/2021, đến làm việc tại trụ sở Báo Đại Đoàn kết, ông Trần Ngọc Việt nhận là Phó Chủ tịch CLB Tình Người và bà Phạm Thị Bình xưng là đại diện pháp luật Công ty TNHH Phát triển trí tuệ cộng đồng và một số thành viên CLB. Theo ông Việt, mô hình công ty mà các thành viên CLB gây dựng lên là mô hình công ty phi lợi nhuận.

Thực tế “phi lợi nhuận” nghĩa là việc doanh nghiệp không phân phối các quỹ thặng dư của nó cho các cá thể hay cổ đông mà sử dụng các quỹ này để tài trợ cho các mục tiêu xã hội của đơn vị đó. Tại Việt Nam các doanh nghiệp phi lợi nhuận được thành lập theo Luật Doanh nghiệp và hoạt động như các doanh nghiệp thông thường nhưng cam kết sử dụng ít nhất 51% tổng lợi nhuận hằng năm để tái đầu tư nhằm thực hiện mục tiêu xã hội, môi trường như đăng ký. Tuy nhiên, theo như những chia sẻ của ông Việt, thì công ty thành lập ra chỉ để đưa CLB từ Hội Chữ thập đỏ Hà Nội về đây hoạt động và không hề đề cập đến hoạt động kinh doanh nào khác.

Mặc dù có hàng trăm nghìn học viên nhưng CLB chỉ có 50 thành viên vận hành CLB. Ông Việt gọi những người đến để được “chia sẻ trí tuệ” là “học viên”, gọi tài liệu là “giáo trình” nhưng ông Việt và bà Bình lại khẳng định những người đứng lớp không phải là giáo viên mà chỉ là thành viên CLB. Có giáo trình, có học viên, có lớp học nhưng lại gọi đây là chia sẻ trí tuệ, không phải hoạt động dạy học. Cách dùng từ đầy mâu thuẫn khiến người ngoài cuộc có thể hiểu đây là hình thức “lách luật” của CLB này.

Theo như ông Việt và bà Bình thì CLB có rất nhiều “giáo trình” độc quyền, được đăng ký bản quyền tại Cục Sở hữu trí tuệ. Các thành viên CLB đều phải chia sẻ các nội dung theo “giáo trình” đã đăng ký.

Khi được hỏi về việc ai thẩm định, ai cấp phép lưu hành “giáo trình” thì ông Việt lại nói đây không phải giáo trình mà là tài liệu đăng ký bản quyền.

Rõ ràng khái niệm giáo trình và khái niệm tài liệu độc quyền đang khiến nhiều học viên nhầm lẫn. Không phải ai cũng đủ nhận thức để nhận biết đâu là tài liệu cá nhân, đâu là giáo trình hợp pháp. Đăng ký bản quyền đôi khi chỉ là “chiêu” tăng niềm tin, lôi kéo học viên. Trong buổi làm việc với báo Đại Đoàn kết, ông Việt cũng liên tục nhắc đến các học viên đã “lĩnh hội được trí tuệ” của “giáo trình” thông qua các “lớp học” của CLB là những Đại tá, Nhà giáo nhân dân, cán bộ văn phòng Trung ương Đảng, phu nhân lãnh đạo cấp cao có tên tuổi đầy đủ.

Ám ảnh của người trong cuộc

Sau những màn tâm linh, ma mị, tham gia “trả nghiệp”, “tạo phúc”, không ít những người tham gia CLB Tình Người dần sa đà dẫn tới việc bỏ bê gia đình hoặc mang tài sản đến “phát tâm”, “gieo duyên”. Từ đây, một loạt bi kịch gia đình được hé lộ.

Anh T.Đ.S. (Hà Nội) có vợ tham gia CLB Tình Người từ những năm 2018 (trước đó là Chi hội Tán trợ chữ thập đỏ Tình Người, hoạt động từ năm 2011). Theo anh S, bắt đầu từ đây, cuộc sống gia đình của hai vợ chồng không còn êm đẹp. Vợ anh tự ý thay đổi hết đồ thờ cúng trong nhà, hàng ngày thắp hương khấn vái, đòi lập bàn thờ riêng… dẫn đến mâu thuẫn trong gia đình. “Quê gốc tôi là người Nghệ An, mọi người quan niệm chỉ nhà có người mất mới để đèn nến cả ngày như vậy. Bố mẹ tôi ở cùng nên không chấp nhận. Từ đó dẫn đến một loạt mâu thuẫn hàng ngày trong gia đình làm mọi người vô cùng bức xúc, không khí trong nhà lúc nào cũng căng thẳng”- anh S chia sẻ.

Chưa dừng lại ở đó, vợ anh lấy tiền nhà đổ vào việc làm từ thiện tại CLB. Lo lắng có “vong” theo, “vong” phá nên ngày rằm nào cũng cúng tiền thật cho cả người sống lẫn người chết để “trả nợ”, “tạo phúc”. Thời gian vợ anh S dành cho việc sinh hoạt tại CLB và làm tình nguyện ngày càng nhiều. Không những vậy, chị còn lôi kéo rất nhiều người thân tham gia cùng, cả người nhà lẫn bạn bè, đối tác. Anh S kể lại: “Tôi cũng đã từng được mời đến 3 lần với mục đích tham gia cùng để ủng hộ vợ nhưng nhận thấy có nhiều nghi vấn nên tôi không tham gia, họ cũng từ chối những người hoài nghi, không tin tưởng”.

Nhưng ngoài anh S “chưa đủ duyên”, từ khi tham gia đến nay, vợ anh đã “gieo duyên” được 10 người cùng sinh hoạt tại CLB. Thấy vợ càng ngày càng thay đổi theo chiều hướng tiêu cực cùng những dấu hiệu bất thường trong hình thức hoạt động của CLB Tình Người, anh S đã nhiều lần gửi đơn đến cơ quan chức năng tuy nhiên đến nay vẫn chưa có câu trả lời thỏa đáng.

Tương tự như trường hợp của gia đình anh S., chị T.B.Y. có chồng mới hoạt động tại CLB Tình Người 2 năm trở lại đây cho biết: “Chồng tôi đi học tại CLB, ban đầu tôi chủ quan nên không để ý anh ấy học gì. Tuy nhiên một thời gian sau thấy việc kinh doanh của anh từ thua lỗ đến phá sản. Trong nhà thay bát hương rồi hàng ngày làm lễ cả tiếng đồng hồ khiến mọi sinh hoạt gia đình thay đổi. Đỉnh điểm là gần đây khi thuyết phục tôi đến tham gia CLB không được, anh có nói, nếu tôi không đi học thì con cái không có đức, gia tiên tiền tổ sẽ không được siêu thoát vì tôi rồi anh ấy đòi ra khỏi nhà…”.

Anh V.Đ.S. (Bắc Ninh) làm nghề kinh doanh tự do cũng từng có 6 năm hoạt động tại CLB Tình Người từ khi CLB này chưa hoạt động bài bản, có hệ thống và đông thành viên như hiện tại. Anh cho biết, càng học sâu tại những buổi chia sẻ về tâm linh thì càng mê muội, cực đoan. Bất kể ai có ý định can ngăn đều được lí giải đó là “vong”, là “oan gia trái chủ” “nhập” vào để cản trở mình “học Đạo”. “Trước đây vì mê tín tôi còn thường xuyên đánh vợ, đánh các em ruột. Vì khi tôi lên CLB họ dạy tôi rằng nếu vợ con, người thân phá mình, không cho mình học đều là vong oan gia trái chủ nhập vào nên tôi tưởng vợ bị ma nhập” - anh S cho biết.

Cũng theo lời anh S, số tiền anh đổ vào CLB Tình Người cho việc “tạo phúc”, trả nợ “vong oan gia trái chủ” lên đến hàng tỷ đồng. “Mỗi năm có 2 lần tạo phúc, trả nợ là mùa xuân và rằm tháng 7 âm lịch. Mỗi đợt như vậy, tôi đốt vào CLB từ 200 triệu đến 500 triệu một cách tự nguyện mà không biết rằng mình bị lừa. Tất cả số tiền được nộp vào số tài khoản BIDV của cô Nguyễn Hồng Thuận. Cũng có người nộp tiền mặt”.

Tham gia CLB Tình Người từ năm 2016 khi CLB đang có tên là Hội Tán trợ chữ thập đỏ Tình Người, chị N.T.Q. (Nghệ An) cho biết, trong khoảng thời gian đó, chị bỏ bê công việc kinh doanh chỉ để hàng ngày hành lễ, khấn vái bằng những bài khấn được dạy tại CLB. Cùng với đó, số tiền “tạo phúc”, “trả nợ” cũng lên đến vài trăm triệu. “Hiện tại tôi mất hết các mối quan hệ thân thiết, đối tác làm ăn, cả công ty cũng bị phá sản vì thời gian dài bỏ bê không quan tâm đến”. Chị Q. cho biết thêm, hiện tại chồng của mình cũng đang hoạt động “nhiệt tình” trong CLB, dù chị hết lời khuyên ngăn nhưng chưa thể nào thuyết phục được anh rời đi. Hàng trăm người khác do chị Q. dẫn dắt vẫn đang tham gia CLB Tình Người với tư cách học viên...

Hơn 100 nghìn học viên đã theo học tại CLB Tình Người

Đó là khẳng định của ông Trần Ngọc Việt - Phó Chủ tịch CLB Tình Người trong buổi làm việc với Báo Đại Đoàn kết. CLB Tình Người hoạt động trong doanh nghiệp và đang là lĩnh vực hoạt động chính của Công ty TNHH Phát triển trí tuệ cộng đồng. Đây là công ty tư nhân, hoạt động theo Luật Doanh nghiệp nhưng lại thành lập CLB đứng ra nhận tiền từ thiện của hàng trăm nghìn người. Việc doanh nghiệp làm từ thiện là việc làm nhân văn, cần khuyến khích nhưng ai thu, ai chi, ai giám sát…để đảm bảo số tiền đó được tiêu đủ, tiêu đúng?

CLB Tình Người thuộc Công ty TNHH Phát triển trí tuệ cộng đồng có mã số thuế: 0108825253, Đại diện pháp luật là bà Phạm Thị Bình. Công ty TNHH Phát triển trí tuệ cộng đồng hoạt động từ tháng 7/2019. Ngành nghề kinh doanh chính là hoạt động thư viện và lưu trữ; Bán lẻ hàng dệt, may sẵn, giày dép lưu động hoặc tại chợ; Nhà hàng và các dịch vụ ăn uống phục vụ lưu động; Tổ chức giới thiệu và xúc tiến thương mại; Hoạt động tư vấn quản lý; Hoạt động chăm sóc sức khoẻ người có công, người già và người khuyết tật không có khả năng tự chăm sóc; Hoạt động trợ giúp xã hội không tập trung khác (cụ thể: Dịch vụ tư vấn tâm lý cho thanh thiếu niên; Các dịch vụ tư vấn chi tiêu gia đình; Dịch vụ tư vấn các vấn đề tâm lý tình cảm, tình bạn, tình yêu, hôn nhân, hạnh phúc gia đình (không bao gồm tư vấn pháp luật và dịch vụ môi giới hôn nhân); Dịch vụ hỗ trợ tâm lý cho người độc thân); Bán lẻ hàng hóa khác lưu động hoặc tại chợ; Giáo dục khác chưa được phân vào đâu….

Theo ông Trần Ngọc Việt, công ty này là của một số anh chị em lập ra để phục vụ hoạt động của CLB Tình Người. Trước đó, CLB Tình Người thuộc Hội Chữ thập đỏ Hà Nội. Năm 2019, CLB rời khỏi Hội Chữ thập đỏ Hà Nội về hoạt động trong Công ty TNHH Phát triển trí tuệ cộng đồng. Lý do rời Hội Chữ thập đỏ Hà Nội có người thì nói do Hội Chữ thập đỏ Hà Nội o ép, nhưng theo ông Việt thì là để tạo điều kiện cho các học viên ở khắp mọi miền không phải bay về Hà Nội sinh hoạt (?).

Khi trả lời câu hỏi làm thế nào để chứng minh tính minh bạch trong công tác tài chính thì cả bà Phạm Thị Bình và ông Trần Ngọc Việt đều cho rằng: “CLB chỉ phải thông tin với các thành viên chứ các học viên có phải đóng gì đâu…Doanh nghiệp được Sở Kế hoạch và Đầu tư cấp phép, doanh nghiệp sẽ chỉ báo cáo cơ quan chức năng khi cơ quan chức năng yêu cầu”.

Tuy nhiên ông Mai Văn Quý, thành viên CLB, thì xác nhận Ban Công tác xã hội của công ty có phiếu thu cho những người gửi tiền vào và được dán công khai tại công ty, được báo cáo thu chi công khai hàng tháng nên không lo thất thoát.

Câu hỏi đặt ra, đã có hàng trăm nghìn người gửi tiền vào công ty với số tiền chắc chắn là vô cùng lớn nhưng ai giám sát khi những khoản tiền này không nằm trên hệ thống ngân hàng, không nằm trong hệ thống doanh thu của doanh nghiệp? Ai dám chắc các khoản tiền này được sử dụng đúng mục đích?

Nhóm PV