Vật liệu cao tốc Bắc – Nam: Chống độc quyền, đầu cơ
Nhiều giải pháp gỡ khó nguồn vật liệu cao tốc Bắc - Nam được đưa ra tại cuộc tọa đàm trực tuyến “Khó khăn vật liệu làm cao tốc Bắc - Nam: Thực trạng và giải pháp”, tổ chức ngày 25/3.
Theo ông Lê Quyết Tiến - Phó Cục trưởng Cục Quản lý xây dựng và Chất lượng công trình giao thông: Dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020 bao gồm 11 dự án thành phần, đi qua 13 tỉnh với tổng chiều dài khoảng 653 km. Hồ sơ thiết kế kỹ thuật, nhu cầu vật liệu đất đắp cho toàn bộ 11 dự án khoảng 52 triệu m3. Hiện đã có 6/11 dự án đang triển khai. Trong đó, 3 dự án thành phần là Cao Bồ - Mai Sơn, Cam Lộ - La Sơn và Cầu Mỹ Thuận 2 cơ bản hoàn thành phần đất đắp nên cơ bản không vướng các vấn đề liên quan đến vật liệu. Trong khi đó, 3 dự án còn lại là Mai Sơn - Quốc lộ 45, Mỹ Hảo - Phan Thiết và Phan Thiết - Dầu Giây bắt đầu xảy ra tình trạng khan hiếm vật liệu.
Ông Tiến thông tin thêm: Số liệu khảo sát mỏ vật liệu của các đơn vị Tư vấn thiết kế, tổng số lượng mỏ cung cấp cho 11 dự án khoảng 143 mỏ, đảm bảo cung cấp đủ nhu cầu vật liệu đất đắp cho toàn bộ dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020.
Tuy nhiên, đại diện đơn vị quản lý dự án, ông Hoàng Tuấn Khoát - Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án 7 cho hay: Trong quá trình triển khai dự án, đơn vị có làm việc với các chủ mỏ về rà soát lại chất lượng, lắp đặt thêm thiết bị công nghệ nâng cao chất lượng sản phẩm. Riêng đối nguồn vật liệu cát xây dựng, đơn vị có nhu cầu 0,6 triệu m3, là nguồn lấy từ sông Dinh, Ninh Thuận. Sắp tới đây khi triển khai dự án thành phần đoạn Cao Lâm - Vĩnh Hảo thì khả năng nguồn cát bê tông sẽ có thể tăng giá và tăng giá một cách đột biến.
Hiện nhu cầu toàn dự án cần 8 triệu m3 vật liệu. Trong khi đó, các mỏ đã được cấp phép khai thác chỉ được khoảng hơn 1 triệu m3. Như vậy, nguồn cung cấp đang thiếu nghiêm trọng. Hiện nay, địa phương đang tổ chức đấu giá và khả năng sắp tới đây các mỏ đáp ứng được nhu cầu của dự án khoảng hơn 4 triệu m3 nếu tính cả 3 nguồn: các mỏ đã có đủ giấy phép khai thác, các mỏ đã chuẩn bị hoàn thiện giấy phép khai thác và các mỏ mới đấu giá.
Do đó, ông Khoát kiến nghị các địa phương đẩy nhanh việc cấp phép đối với những mỏ hiện nay đã khai thác và nâng công suất các mỏ. Những mỏ đang hoàn thiện thủ tục cấp phép thì xem xét rút ngắn quy trình, nếu vượt thẩm quyền thì địa phương phải có kiến nghị Chính phủ và các bộ, ngành liên quan xem xét tháo gỡ...
Là một đơn vị có vai trò tổng tư vấn cho dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông, ông Võ Hoàng Anh - đại diện Tổng Công ty Tư vấn thiết kế giao thông vận tải (TEDI) cho hay, vấn đề khan hiếm vật liệu nếu không có giải pháp căn cơ thì không chỉ riêng dự án cao tốc Bắc - Nam mà tất cả các dự án trọng điểm khác cũng sẽ vướng vào tình trạng khó khăn này.
Về vấn đề tăng giá vật liệu xây dựng, ông Lại Hồng Thành - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Địa chất và Khoáng sản (Bộ Tài nguyên và Môi trường) cho biết, với hiện tượng các chủ mỏ tăng giá, các địa phương cần lưu ý, tiền cấp quyền khai thác khoáng sản một năm được điều chỉnh 6 tháng/lần. Do đó, UBND các tỉnh có thể điều chỉnh khung giá tài nguyên cho hợp lý với thực tế. Sau khi đã điều chỉnh vẫn thấy tăng giá chênh lệch thì hoàn toàn có quyền xem xét và xử lý.
Để đảm bảo tiến độ dự án cao tốc Bắc - Nam, ông Thái Duy Sâm - Tổng Thư ký Hội Vật liệu xây dựng Việt Nam đề xuất, ngoài đất còn có thể sử dụng nguồn khác như có thể dùng phế thải từ mỏ than. Bên cạnh đó, Việt Nam cũng còn nguồn chất thải tro xỉ từ các nhà máy nhiệt điện. Bộ Xây dựng vừa qua cũng đã công bố tiêu chuẩn cho phép tro xỉ làm nền đường. Hay các mỏ đá khai thác ngoài đá dăm, đá nghiền bê tông, cũng có thể tận dụng, sử dụng nguồn phế thải tháo dỡ từ các công trình xây dựng… Nếu tận dụng được những nguồn này vừa tiết kiệm lại giảm thiểu ô nhiễm môi trường.
Ở góc độ luật pháp, luật sư Trương Anh Tú - Chủ tịch TAT Law firm cho rằng, thao túng giá nói chung và vật liệu xây dựng nói trên chưa có quy định mà mới có thao túng giá chứng khoán, có thể xem xét tội cưỡng đoạt tài sản.
“Tôi không mua của anh, thì không thể mua được của người khác mà giá của anh rất cao. Giá thực tế 5 đồng mà phải mua mới giá 10 đồng. 5 đồng chênh lệch thì xử lý tội cưỡng đoạt. Một anh bị xử lý như thế, đảm bảo không ai dám. Nhưng tôi khẳng định là phải có quyết tâm của lãnh đạo tỉnh. Nếu tỉnh không quyết tâm thì không thể nào xử lý được” - theo luật sư Tú.
Theo ông Lê Quyết Tiến - Phó Cục trưởng Cục Quản lý xây dựng và Chất lượng công trình giao thông, lãnh đạo Bộ GTVT đã làm việc với lãnh đạo địa phương nơi có dự án đi qua, đề nghị UBND các tỉnh quan tâm, ưu tiên tạo mọi điều kiện thuận lợi để đẩy nhanh tiến độ hoàn tất các điều kiện, thủ tục còn thiếu cho các mỏ đã được cấp phép nhưng chưa khai thác, cấp phép khai thác cho các mỏ đã có trong quy hoạch. Đồng thời, nâng công suất khai thác mỏ, gia hạn giấy phép mỏ để đảm bảo đáp ứng đủ nhu cầu vật liệu phục vụ thi công dự án. Bộ GTVT cũng đề nghị địa phương chỉ đạo các sở, ban, ngành liên quan thực hiện tốt việc quản lý nhà nước về giá vật liệu xây dựng, có giải pháp, chế tài kịp thời và phù hợp để chống độc quyền, đầu cơ, tùy tiện nâng giá vật liệu xây dựng.