Phóng sự điều tra độc quyền: 60.000 bản sách đã đi đâu, gieo rắc những gì?
Trong bài viết này, chúng tôi tiếp tục thông tin về quyển sách có tên “Tạo hóa ban tặng nền tảng trí tuệ cho nhân loại” được coi như "pháp bảo" của CLB Tình Người. Ngoài ra, trong số báo in phát hành ngày 27/3 còn có 3 trang phóng sự độc lập về CLB Tình Người cũng như ý kiến của người trong cuộc, nhà tu hành chân chính.
Những buổi chia sẻ giáo lý, những hướng dẫn tâm linh… được dẫn từ quyển sách có tên “Tạo hóa ban tặng nền tảng trí tuệ cho nhân loại”, tác giả Nguyễn Kính, do Nhà xuất bản Hồng Đức cấp phép, phát hành năm 2020, với 60.000 bản in. Sách dày gần 400 trang. Quyển sách này viết gì mà hàng trăm ngàn người mê muội đến thế?
Liên hệ nhiều giáo lý và sáng tạo không giống ai
Nội dung cơ bản của cuốn sách là bàn về trí tuệ, tâm linh. Các giáo lý được nêu trong sách có dáng dấp của Phật giáo, Đạo giáo, đạo Khổng và thờ cúng dân gian, cộng thêm những “sáng tạo” mang màu sắc mê tín, dị đoan khiến trục tư tưởng của cuốn sách dễ dẫn bạn đọc đến những sai lệch.
Xin được trích dẫn một số nội dung trong cuốn sách.
Phần “Nguyên lý cuộc đời”, giải thích về sự ra đời của con người: “Ta là con Trời con Phật”, “Ta có cốt Phật, cốt Tiên: Chính là giọt máu đào do Tạo Hóa ban tặng kết hợp với tinh cha, huyết mẹ và âm dương, ngũ hành hợp nhất tạo thành ta”, “Ta có cốt linh, chính là thân năng lượng. Khi người mẹ mang thai đủ 9 tháng 10 ngày thì sinh con, lúc đó thì linh mới nhập vào, nếu thuận thì đầu ra trước, linh nhập từ bách hội vào và trú ngụ ở trong tâm; người đỡ đẻ vỗ ba cái vào mông thì đứa trẻ khóc, lúc đó là linh nhập đầy đủ….
Lý giải về sự ra đời của con người được viết ra “tưng tửng”, trộn lẫn, vay mượn từ nhiều giáo lý, tạo ra những nhận định lạ đời. Nhiều khái niệm chông chênh, không biết bám víu vào đâu.
Các khái niệm về “nghiệp”, “duyên”, “tiền kiếp”, “tạo phúc”… được vay mượn từ giáo lý đạo Phật nhưng được tác giả diễn đạt lại, hướng dẫn thực hành như là đương nhiên, không cần viện dẫn điều gì để thuyết phục.
Cụ thể trong phần “tạo phúc, trả nợ” (trang 45): “Trong năm ta tạo phúc và trả nợ thành các đợt: 6 tháng một lần để tạo phúc cho bản thân, gia đình và gia tiên, những người đã giúp mình; 6 tháng 1 lần để trả nợ cho bản thân, gia đình, gia tiên và những người đã từng nợ mà chưa trả được; Hằng tháng phải có lộ phí đi đường cho gia tiên qua cầu, qua phà, vùng đất…”.
Phần “Gia quy”, có đoạn bàn về con gái khi chưa lấy chồng: “Không đi ra khỏi nhà quá khuya (21h cần về đến nhà). “Khi con gái và con rể về thăm nhà vợ: Cần phải ngủ riêng, không làm ô uế nhà mình vì con gái, con rể là khách. Không cho con gái về nhà đẻ ở, vì sẽ làm cho con gái vô tình trở thành người con bất hiếu với gia đình chồng, do không tròn việc thờ cúng với gia đình chồng. Gia đình nào không có con trai thì cần thuê nhà hoặc mua nhà gần nhà mình rồi cho các con ở, vừa kính được lễ gia đình nhà chồng, vừa chăm sóc phụng dưỡng bố mẹ về già, tròn được đạo hiếu”.
Tiếp đó là những hướng dẫn về làm lễ động thổ, cưới hỏi…, và những giải thích về con cái đến với bố mẹ trong cuộc đời này, những đau khổ bất hạnh… là do “tiền kiếp”, do “vong”, do “oan gia trái chủ”.... Tất cả đều dẫn đến việc phải hóa giải, trả nợ, tạo phúc bằng tiền, vật chất và những việc làm khác.
Nguy hiểm!
Trong sách có một phần đặc biệt chú ý: “Thực tế thời thế”. Tác giả sách cho rằng, hiện nay là “…thời mạt, thời sàng lọc nhân gian”. Có đoạn: “Vận của quả địa cầu đang rơi vào thời mạt. Mạt thế là thế gian. Mạt kỷ là kỷ nguyên này đang rơi vào thời mạt. Mạt kiếp nên con người ta đang mạt tâm rất lớn…”. Những nhận định không trích dẫn nguồn, không dựa vào căn cứ khoa học với ngôn từ rất ma mị thật sự rất nguy hiểm với người đọc.
Một trong nhận định khiến nhiều người tiếp cận sẽ hoang mang: “Từ những mạt đó dẫn đến phúc cạn, loạn tâm, sàng lọc nhân gian do phúc cạn, nghiệp dầy. Trước đây theo đúng chu kỳ thời này đang là diệt vong. Nhưng bây giờ các Ngài cứu các con, không cho diệt vong mà cứu các con bằng cách sàng lọc…”.
Và đây là sợ hãi: “Nghiệp quả là của trần gian chứ không phải của riêng ai. Tương ứng với mỗi nghiệp quả, các Ngài rải cho các sàng lọc tương ứng với nghiệp quả đó. Ví như dịch bệnh, thiên tai, ung thư, tai nạn, động đất, sóng thần, phá sản… Sàng lọc theo nghiệp quả của từng người và các nước cũng theo dòng nghiệp đó mà bị sàng lọc cộng nghiệp cùng…”.
Với kiểu lý giải “sàng lọc theo nghiệp”, quyển sách đưa nỗi sợ hãi đến đến từng số phận con người. Khi nhìn vào chính mình, nhìn vào hoàn cảnh mình đang sống nhiều người sẽ thấy đâu cũng do “nghiệp” và nguy cơ bị “sàng lọc”.
Quyển sách đẩy thêm một nhận định đầy ma quái: “Thời này cũng là thời âm thịnh dương suy: Do chúng ta nhìn thấy xã hội đang bị sàng lọc. Người trần chết xuống phần âm nhưng thực tế là không chết mà chỉ là chuyển cõi. Phần âm rất là thịnh. Phần trần càng ngày càng bị sàng lọc. Với phần âm các Ngài đang cho vong lên trần để học Đạo. Đối với các Ngài thì không phân biệt, tất cả đều là chúng sinh, kể cả vạn vật Ngài đều thương. Thời này chuẩn bị chuyển đổi chu kỳ, nên các Ngài cứu cả người trần, cứu cả phần âm, trên cung trời (hiện nay Ngài Di Lặc đang thuyết pháp), tức là ba cõi đều được cứu… Nên thời nay, các Ngài mở cửa Địa ngục cho các vong lên trần học Đạo, nghe Kinh để tu…”.
Từ đây, những lý giải không bám vào bất kỳ giáo lý, căn cứ khoa học nào tiếp tục được triển khai, diễn đạt đưa người đọc/nghe vào một ma trận của cái gọi là sàng lọc và ma quỷ. Nhiều hiện tượng diễn ra trong cuộc sống cũng được lý giả bằng vong, ma quỷ… để rồi dẫn đến cái đích cuối cùng là “tạo phúc”, “trả nghiệp” để tránh khỏi bị “sàng lọc” bằng những cách thức, quan niệm, và ngôn ngữ diễn đạt lúc mê, lúc tỉnh, lúc ở cõi này, lúc sang cõi khác. Lối diễn đạt ấy nhập não người đọc/nghe sẽ khiến đầu óc mê muội, khó dứt, rồi bị thấm, làm theo.
Dưới góc nhìn đâu cũng thấy vong (do Ngài mở cửa Địa ngục để vong lên trần học Đạo - cách giải thích của sách) nên những ai tiếp cận, “thấm” cái giáo lý này sẽ phản đối cả người thân (khi ngăn cản tham gia CLB) vì cho đó là vong hiện hình, quấy phá. Những đau khổ, thất bại trong cuộc sống (đã diễn ra hoặc sẽ diễn ra) có thể cũng do vong theo vong quấy (1 người có 70 vong đi theo, và vong thông minh hơn người 70 lần- sách lý giải). Những đổ vỡ, thất bại trong cuộc đời này của mỗi số phận con người đều xuất phát từ nợ nần tiền kiếp, những nghiệp báo, những duyên âm… Muốn thoát khỏi bị sàng lọc thì phải xuất tiền trả nợ, tạo phúc. Phúc càng nhiều khả năng bị sàng lọc càng ít. Phúc tổ tiên dòng họ càng lớn, sự bình an càng cao. Muốn có phúc thì xuất tiền trả nợ.
Sự dẫn dụ ấy, đi càng sâu càng mê, càng lạc lối. Càng ngày càng đi vào vòng xoáy trả nợ, tạo phúc. Khi tỉnh ngộ thì có người mất gia đình, bạn bè xa lánh, công việc làm ăn phá sản. Có những người trơ trọi trong cuộc sống khi tỉnh cơn mê!
Mất mát khó đo đếm
Những người vừa tỉnh cơn mê, gặp chúng tôi đều chung tâm trạng: Kinh doanh, lừa đảo tiền bạc có thể khiến chúng ta thiệt hại về kinh tế, hỏng một chút về môi trường kinh doanh, ảnh hưởng đôi chút đến sự tôn nghiêm của pháp luật. Nhưng ít ra thì mất tiền còn được bài học, được kinh nghiệm, từ đó có cách sửa sai.
Nhưng sự mất mát khi tham gia CLB này thì ngoài tiền, thời gian và những cơ hội khác, mất mát về tinh thần, ảnh hưởng di chứng đến người xung quanh là rất ghê gớm. Nó làm tê liệt tinh thần, lý tưởng, tình cảm, chuyển hướng cả những ước mơ, kế hoạch; dập tắt ý chí phấn đấu, đưa con người vào mê cung của tâm linh, ảo ảnh.
“Cái giá phải trả từ những việc làm này không phải vì mất tiền mà những mất mát về tình thần, cực kỳ nguy hiểm”, chị P. một lãnh đạo tập đoàn nói với chúng tôi khi cho biết vừa rời khỏi CLB. Chị nhấn thêm, “những người mê muội còn nhiều lắm, tìm cách thức tỉnh họ”.
Cực “giỏi” áp dụng?
Những người vừa rời khỏi CLB Tình Người nói với chúng tôi rằng, sách chỉ là một phần, cách họ chia sẻ, áp dụng mới “kinh”.
Theo những người đứng “lớp” của CLB chia sẻ: Tạo phúc thì không nên nói với ai. Nếu nói thì tổn phúc.
“Làm phúc không cần ầm ĩ, không cần nhiều người biết. Cái này giống giáo lý nhà Phật nên mọi người tin. Nhưng làm phúc âm thầm kiểu này còn có một hàm ý khác mà theo tôi hiểu là “đừng nói cho ai biết”, “giấu đi”, nó khác với ý là không nên khoe khoang thành tích làm việc thiện. Tức là không cho ai biết việc nộp tiền cho CLB (?). Hoặc biết càng ít càng tốt. Vậy thì ai biết mà can ngăn…”, một người từng tham gia CLB phân tích.
Các thành viên được dạy “tu đạo” gồm 3 bước: “tu tiếp”, “trả nghiệp” và “hành sứ mệnh”. “Tu tiếp” là thực hành những kỹ năng sống, thay đổi bản thân. “Trả nghiệp” thông qua chia sẻ về tâm linh, thờ cúng, bằng cách góp tiền cho CLB làm từ thiện. “Hành sứ mệnh” là truyền bá “giáo trình” đến người thân bạn bè, hay còn gọi là “gieo duyên”. “Trả nghiệp” bằng cách mang tiền đến nộp cho CLB để lấy về tờ giấy ghi nhận. Họ yêu cầu về hóa (đốt) tại nhà tờ giấy “ghi nhận” ấy để kết thúc chu trình “giải nghiệp”.
“Việc thu tiền xong yêu cầu hóa giấy biên nhận thì chứng cứ đâu nữa. Phải nói là “quá giỏi”, “quá tinh vi”…”, một người từng là thành viên CLB nói.
Nhiều cách làm khác của CLB này, Báo Đại Đoàn kết điện tử đã đăng 5 kỳ (mời đọc tại địa chỉ: daidoanket.vn). Vài phác họa để thấy được CLB này đang hoạt động vì mục đích gì.
Một số kiến nghị:
1. Một quyển sách mang màu sắc tâm linh, phát hành 6 vạn bản hiện đang gây tranh cãi rất lớn trong dư luận, rất cần các cơ quan chức năng phụ trách lĩnh vực văn hóa, tâm linh, tôn giáo vào cuộc thẩm định, tránh để các thông điệp thiếu chuẩn mực tiếp tục được phát tán, ảnh hưởng người dân.
2. Ngay giữa Thủ đô, một CLB trực thuộc doanh nghiệp hoạt động rầm rộ, quy mô lớn với phương thức đầy tranh cãi như vậy mà không ai nhắc nhở, cảnh báo, xử lý ở các mức độ khác nhau thì rất khó hiểu. Tránh nhiệm quản lý địa bàn, quản lý lĩnh vực ở đâu? Đề nghị các cơ quan chức năng của TP Hà Nội vào cuộc làm rõ để người dân được tiếp cận thông tin một cách chính thống về hoạt động của CLB này.
3. Báo Đại Đoàn Kết sẵn sàng phối hợp, cung cấp thông tin thêm (ngoài thông tin đã đăng trên báo) cho các cơ quan chức năng về hoạt động của CLB Tình Người và mở kênh tiếp nhận phản ánh của bạn đọc qua hộp thư điện tử: bandocdaidoanket@gmail.com. Chúng tôi mong nhận được phản ánh, ý kiến của những người từng tham gia CLB, các chuyên gia...