‘Miền ký ức’ dưới góc nhìn của họa sĩ Chu Mạnh Chấn
Từ ngày 26/3 đến ngày 3/4, tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, họa sĩ - Nghệ nhân nhân dân Chu Mạnh Chấn giới thiệu đến người xem những tác phẩm ghi dấu ấn trong suốt sự nghiệp sáng tác của mình trong triển lãm cá nhân đầu tiên mang trên “Miền ký ức”.
Sinh năm 1933 tại làng Chàng Sơn (Thạch Thất, Hà Nội), với các văn nghệ sĩ xứ Đoài, họa sĩ Chu Mạnh Chấn được xếp vào thế hệ “cây đa, cây đề” và là người thầy của rất nhiều nghệ nhân nổi tiếng tại các làng thủ công mỹ nghệ.
Trước đây, ông làm giảng viên Trường Mỹ nghệ Hà Tây, chuyên sáng tác các mẫu cho các nghệ nhân khảm trai, sơn mài, mây tre đan... ở các làng nghề; đồng thời ông cũng truyền dạy cho các nghệ nhân biết về hội họa để có thể sáng tạo trong công việc của mình.
Bên cạnh mảng thiết kế và giảng dạy mỹ thuật ứng dụng, Chu Mạnh Chấn còn là một họa sĩ sơn mài. Vốn là một người con của xứ Đoài mây trắng, ông sáng tác nhiều về làng quê với phong cảnh hữu tình, nên thơ, những buổi lễ hội mang màu sắc truyền thống...
Mặc dù có rất nhiều tác phẩm để đời, nhưng mãi đến tuổi 90 họa sĩ Chu Mạnh Chấn mới tổ chức được triển lãm cá nhân đầu tiên của mình mang tên “Miền ký ức”. Triển lãm giới thiệu hơn 30 tác phẩm trong suốt sự nghiệp sáng tác của cụ về con người, cảnh vật xứ Đoài quê hương, cùng một số tác phẩm về di sản văn hóa hồi đầu thế kỷ, như hội làng, hát ca trù…
Nhiều tác phẩm trong số này hiện nằm trong các bộ sưu tập cá nhân của một số nhà sưu tầm, nay được gia đình mượn lại trưng bày trong triển lãm. Đặc biệt, triển lãm cũng giới thiệu bức tranh sơn mài khổ lớn “Lễ hội chùa Thầy” dài tới 4m, là một trong những tác phẩm công phu nhất trong sự nghiệp của họa sĩ Chu Mạnh Chấn.
Chia sẻ tại buổi khai mạc triển lãm, họa sĩ Chu Mạnh Chấn chia sẻ: Tất cả những câu chuyện về quê hương trong tranh của tôi đã sống cùng tôi suốt từ tuổi niên thiếu đến khi trưởng thành, cho đến nay. Đó là tình cảm, đạo đức thiêng liêng sâu đậm, là sinh lực nuôi dưỡng tâm hồn tôi; đó là khát vọng nối tiếp truyền thống gia đình, dòng họ và quê hương tôi.
Tôi muốn lưu giữ lại tất cả biết bao thương nhớ ấy. Bây giờ tôi mới thấu hiểu, truyền thống, tình người phải luôn được trân trọng và gìn giữ biết bao. Cho nên, tôi không ngừng cố gắng, nỗ lực, vẽ lại những điều mà những người già kể lại, cho tôi thêm yêu quê hương, thêm sức lực, thêm say mê mà quên đi tuổi tác, quên đi những nhọc nhằn. “Tôi vẽ lại những ký ức tuổi thơ không bao giờ phai”- họa sĩ bày tỏ.
Theo nhà thơ Nguyễn Quang Thiều nhìn nhận, họa sĩ Chu Mạnh Chấn là người đang sống trong thời đại công nghiệp nhưng những tác phẩm của ông hầu như chỉ vẽ về một đời sống của quá khứ. Hay nói đúng hơn là ông là người đi phục dựng lại những vẻ đẹp văn hóa Việt đã bị lãng quên.
“Tôi luôn thấy ông từ hiện tại bước vào quá khứ để gọi tên những vẻ đẹp đã chìm sâu trong quên lãng thức dậy. Những lễ hội, những cảnh sinh hoạt văn hoá xưa hiện ra như chính nó đang tồn tại song song cùng chúng ta mà chưa từng biến mất. Rồi ông lại từ quá khứ trở về hòa vào đời sống hiện tại. Và khi vẽ một bức tranh mới, ông lại bước vào quá khứ. Ông giống như người đi xuyên thời gian” - nhà thơ Nguyễn Quang Thiều nói.