Nợ tiền bảo hiểm
Cơ quan Bảo hiểm Xã hội (BHXH) Việt Nam vừa đưa ra con số nợ đọng tiền BHXH, bảo hiểm các loại trong cả nước khoảng hơn 46.290 tỷ đồng. Đây chủ yếu, thực tế là tiền của các đơn vị, doanh nghiệp nợ người lao động.
Người lao động đi làm nhằm kiếm đồng lương để nuôi bản thân và gia đình, đồng thời những mong khi về hưu, về già có được khoản lương hưu, trợ cấp. Trách nhiệm trả lương, đóng bảo hiểm cho người lao động là trách nhiệm của người sử dụng lao động, đã được pháp luật quy định.
Vậy nhưng, lâu nay đã không ít đơn vị, doanh nghiệp không đóng, chậm đóng tiền BHXH, BHYT, BH thất nghiệp cho người lao động. Không ít doanh nghiệp khi vỡ nợ, phá sản hay chủ doanh nghiệp bỏ trốn, thì mới vỡ lở ra rằng ngoài đống nợ của doanh nghiệp, còn một khoản nợ lớn tiền bảo hiểm của người lao động bị chủ sử dụng ôm theo.
Và rồi, với con số cụ thể hơn 46.290 tỷ đồng nợ bảo hiểm kia đã liên quan đến rất nhiều người lao động. Việc doanh nghiệp chậm đóng, chiếm dụng tiền bảo hiểm đã là một chuyện. Còn những doanh nghiệp thua lỗ, phá sản, không chỉ nợ tiền bảo hiểm mà còn nợ cả lương thì rồi không biết quyền lợi người lao động sẽ ra sao?
Ai sẽ bảo vệ, sẽ trả lại quyền lợi, tiền bảo hiểm cho người lao động? Việc xử lý đối với các đơn vị, doanh nghiệp phá sản, giải thể, chủ bỏ trốn, ngừng hoạt động đã chẳng dễ dàng. Nhiều doanh nghiệp còn nợ lương với số tiền lớn trả đã khó, nói chi đến trả nợ tiền bảo hiểm của người lao động.
Để bảo vệ cho người lao động, không phải chờ đến lúc chủ sử dụng lao động nợ lương khi phá sản, giải thể, hay ngừng hoạt động, mà cần phải yêu cầu các đơn vị, doanh nghiệp thực hiện nghiêm túc việc đóng bảo hiểm theo quy định khi doanh nghiệp đang hoạt động bình thường, như một điều kiện cần và đủ của doanh nghiệp khi hoạt động.
Việc BHXH đã gửi hồ sơ hơn 300 doanh nghiệp cố tình chây ỳ sang các cơ quan thanh tra, công an, viện kiểm sát để xử lý là một việc làm cần thiết, phải làm ngay.
Và quan trọng hơn là vấn đề xử lý rốt ráo. Việc xử lý ngay từ ban đầu, khi đơn vị, doanh nghiệp chậm đóng bảo hiểm và càng phải xử lý nghiêm khắc. Có như vậy thì quyền lợi của người lao động mới thực sự được bảo vệ, kỷ cương pháp luật được giữ nghiêm.