Cảnh báo một mùa hè nóng nực
Theo một nghiên cứu của Liên minh Địa vật lý Mỹ công bố, các đợt nắng nóng gây chết người ở Nam Á có thể xảy ra thường xuyên hơn trong tương lai: Nền nhiệt ở mức gây chết người tại khu vực này có thể tăng gần gấp ba lần, so với cách đây 50 năm.
Tuy nhiên, các nhà khoa học cho rằng nguy cơ này có thể giảm một nửa nếu các nước trên thế giới đáp ứng mục tiêu đề ra trong Thỏa thuận Paris năm 2015 về biến đổi khí hậu nhằm hạn chế nhiệt độ Trái Đất tăng không quá 1,5 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp.
Trong một tuyên bố, nhà khoa học về khí hậu Moetasim Ashfaq thuộc Phòng thí nghiệm quốc gia Oak Ridge (Mỹ), tác giả nghiên cứu, nêu rõ: “Tương lai dường như không sáng sủa cho Nam Á, nhưng có thể tránh được điều tồi tệ nhất bằng cách kiềm chế sao cho mức tăng nhiệt độ Trái Đất càng thấp càng tốt.”
Theo ông, với nhiệt độ Trái Đất đã tăng hơn 1 độ C, khu vực này không có sự lựa chọn nào khác là phải tập thích nghi ngay từ bây giờ chứ không phải trong tương lai. Tuy nhiên, một báo cáo của Liên hợp quốc công bố cho biết, theo các kế hoạch cập nhật về giảm khí thải mà ít nhất 75 quốc gia đã đệ trình trước khi diễn ra Hội nghị thượng đỉnh về khí hậu của LHQ (COP-26) vào tháng 11 tới, thì hầu như không có tiến triển trong việc cắt giảm mạnh lượng khí thải cần thiết để đáp ứng được mục tiêu giảm lượng khí thải toàn cầu.
Các nhà khoa học cho rằng, nếu nhiệt độ tăng lên 2 độ C thì nguy cơ gây chết người sẽ lớn hơn tới 3 lần (khi mà nền nhiệt trung bình trước đó trong mùa hè ở mức 40 độ C. Các chuyên gia y tế và các nhà khoa học cho rằng ở nhiệt độ 32 độ C là không an toàn đối với người lao động và khi lên đến 35 độ C, cơ thể không còn có thể tự làm mát.
Pakistan và Ấn Độ từng hứng chịu các đợt nắng nóng gây chết người, trong đó một đợt nắng nóng vào năm 2015 đã khiến khoảng 3.500 người tử vong.
Chưa hết, các nhà khoa học mới đây cảnh báo số người trên toàn cầu phải hứng chịu thời tiết nóng ẩm cực đoan vào cuối thế kỷ này sẽ cao gấp 4 lần so với hiện nay, nếu lượng khí thải khiến Trái Đất ấm lên tiếp tục tăng, từ đó gây thiệt hại lớn về kinh tế và làm tăng các chi phí y tế. Chi tiêu cho sức khỏe tâm thần sẽ tăng khi ngày càng nhiều gia đình gặp vấn đề về giấc ngủ và làm việc, trong khi nắng nóng sẽ làm trầm trọng hơn các vấn đề về sức khỏe tâm thần.
Tác giả của một trong những nghiên cứu này, Giám đốc Viện Trái Đất, Đại dương và Khoa học khí quyển tại Đại học Rutgers, TS Bob Kopp, khẳng định nóng ẩm cực đoan sẽ tác động mạnh đến sức khỏe và năng suất lao động. Nghiên cứu của TS Kopp còn kiểm tra cả tác động của độ ẩm, nhân tố ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe của con người. Còn theo Trung tâm Ngăn ngừa và kiểm soát dịch bệnh Mỹ (CDC), độ ẩm cao sẽ khiến con người khó thoát mồ hôi trong thời tiết nóng nực, dẫn đến nhiều nguy cơ về sức khỏe như sốc nhiệt, khiến nạn nhân tử vong hoặc chịu thương tổn nếu không được chữa trị. Nghiên cứu cũng chỉ ra rằng hơn nửa tỷ người nhiều khả năng sẽ bị căng thẳng trên mức an toàn do nhiệt độ cao vào năm 2100 nếu nhiệt độ trung bình toàn cầu tăng thêm 1,5 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp.
Với nền nhiệt thế giới hiện đã tăng 1,2 độ C thì mỗi năm có 275 triệu người bị căng thẳng do nhiệt ở mức nguy hiểm ít nhất 1 ngày trong năm. Nếu nhiệt độ tăng thêm 2 độ C, gần 800 triệu người sẽ chịu rủi ro, và nếu tăng thêm 3 độ C, cũng là mức tăng thế giới đang trên đà tiến tới, thì sẽ có 1,2 tỷ người chịu tác động.
Qua so sánh báo cáo tình trạng sức khỏe tâm thần của 3 triệu người dân Mỹ với dữ liệu nhiệt độ tại nơi họ sinh sống, chuyên gia kinh tế Mengyao Li của Đại học ở Georgia và các nhà nghiên cứu khác phát hiện ra rằng sức khỏe tâm thần kém có quan hệ mật thiết với những ngày có nhiệt độ trên 31 độ C, đặc biệt là nếu nắng nóng kéo dài.