Phải biết cách chơi không bạo lực
Đỗ Hùng Dũng gãy chân sau một pha vào bóng bạo lực của Ngô Hoàng Thịnh. Một lần nữa, V.League với cái tên gọi nghiệt ngã “Võ League” lại chứng kiến một ca chấn thương khủng khiếp. Câu chuyện 20 năm, với thứ bóng đá bạo lực vẫn cứ xảy ra mà chưa có biện pháp nào ngăn cản nổi.
Phút 28 trận đấu giữa TP HCM và Hà Nội FC, ở phía sân nhà cách cầu môn tới 30 mét, Ngô Hoàng Thịnh trong vai trò trung vệ thực hiện cú xông phi vào chân phải của Hùng Dũng. Tiếng “rắc” vang lên ở sân Thống Nhất. Hoàng Thịnh hốt hoảng còn Hùng Dũng đau đớn nằm vật trên sân. Xe cấp cứu đưa Hùng Dũng thẳng đến bệnh viện. Anh bị gãy xương chày và xương mác. Ca phẫu thuật sau đó giúp Hùng Dũng ổn định hơn. Nhưng 6-8 tháng là khoảng thời gian mà Hùng Dũng phải rời xa sân cỏ.
Hoàng Thịnh trở thành một kẻ tội đồ. Một phần, anh gây ra chấn thương nghiêm trọng cho tuyển thủ quốc gia. Mặt khác, cách mà anh chơi bóng quá xấu xí và bạo lực. Mọi căm phẫn đổ dồn lên Hoàng Thịnh trên mọi góc độ. Nhiều người còn muốn Hoàng Thịnh bị treo giò vĩnh viễn. Nhưng nếu Hoàng Thịnh là cái tên duy nhất chơi xấu ở Việt Nam thì đáng để bóng đá đất nước này loại bỏ. Nhưng điều đáng nói, Hoàng Thịnh cũng chỉ là một nạn nhân cho thói quen đá xấu vốn ăn vào tiềm thức của nhiều cầu thủ ở các địa phương khác nhau của Việt Nam.
Trước Hoàng Thịnh, Ngọc Hải từng khiến Anh Khoa mất nghề cầu thủ bóng đá. Trước Hoàng Thịnh, Huỳnh Tấn Tài từng khiến Dương Văn Hào phải đóng 7 cái đinh vào chân và mất 2 năm mới trở lại sân cỏ. Trước Hoàng Thịnh, Đình Đồng từng khiến Anh Hùng gãy chân và mất luôn phong độ đỉnh cao. Chỉ cần search từ khoá bạo lực V.League thôi, người ta cũng đủ ngán ngẩm với những pha vào bóng đầy thô thiển của một nhóm đông cầu thủ.
Bạo lực khác với nhiệt huyết sân bóng. Nhưng không phải cầu thủ nào cũng được dạy dỗ cho một sự tách bạch hai khái niệm. HLV Nguyễn Đức Thắng của Bình Định nói rằng: “Khái niệm từ ngữ trong huấn luyện mà các thầy hay nói với những cầu thủ trẻ là “đá mạnh vào - máu lửa vào” mà không chỉ cho họ đá mạnh là như thế nào? Máu lửa là như thế nào? Nhiệt huyết và quyết liệt khác với bạo lực bởi vì bạo lực là hành vi có ý đồ một cách rất rõ nét”. Không ai chỉ cho cầu thủ sự rõ rệt trong tính chất khác nhau của hai khái niệm ấy. Và bản thân những người đang xem bóng đá của Việt Nam cũng không hẳn đã nằm lòng hai khái niệm kể trên. Đội tuyển Việt Nam từng không ít lần đá xấu đối thủ, một cách thô bạo. Chính Hoàng Thịnh từng có pha phi cả hai chân vào cầu thủ Hàn Quốc. Khi ấy với nhiều người, đó là hành động thể hiện nỗ lực vì màu cờ sắc áo. Nhưng chỉ cần đổi trường hợp đấy vào V.League, người ta cũng đủ thấy cú vào bóng của Hoàng Thịnh là đáng lên án thế nào.
Hoàng Thịnh sẽ phải đối diện với án phạt rất nặng. Điều đó là hoàn toàn xác đáng. Nhưng câu hỏi được đặt ra rằng sau câu chuyện của Hoàng Thịnh, liệu bóng đá Việt Nam có “tẩy trắng” được suy nghĩ đá nhiệt huyết theo kiểu bạo lực hay không? Liệu bóng đá Việt Nam có thay đổi 180 độ suy nghĩ từ chính những lò đào tạo bóng đá về cách chơi tiểu xảo, đá xấu, đá láo của cầu thủ hay không?
Quay trở lại câu chuyện 7 năm về trước, đông đảo người hâm mộ lại nức lòng với U19 Việt Nam với HAGL là nòng cốt. Cách mà họ đá đẹp ở đây không phải là những đường chuyền ban bật đẹp mắt, không phải những pha tấn công huyền ảo. Bởi thực sự, cách mà các cầu thủ giữ đôi chân cho đồng nghiệp, cách mà bầu Đức sẵn sàng phạt nặng cầu thủ của mình khi chơi xấu mới là điều mà người hâm mộ xem đấy là đá đẹp. Bóng đá Việt Nam cần những lò đào tạo bóng đá mà xuất phát điểm, họ dạy cho các cầu thủ biết cách chơi bóng không bạo lực. Thành tích rất quan trọng. Nhưng vì thành tích mà bất chấp đá xấu, đá láo thì chẳng thể nào chấp nhận được cả.
Hơn ai hết, bóng đá Việt Nam cần những HLV sẵn sàng đuổi học trò vì đá xấu như Đức Thắng. Hơn ai hết, bóng đá Việt Nam cần trọng tài đủ mạnh tay để rút thẻ đỏ thay vì rụt rè định rút thẻ vàng như trọng tài điều khiển trận TP HCM và Hà Nội FC ở vòng 5 vừa qua. Và hơn ai hết, bóng đá Việt Nam cần có sự cổ động mạnh mẽ từ phía người hâm mộ trong việc bài trừ nạn đá xấu, bạo lực trên sân cỏ cả nước.