Sân khấu và cơ hội của người trẻ
Ảnh hưởng bởi dịch bệnh, thời điểm này hầu hết các đạo diễn sân khấu đang chuẩn bị những kịch mục hấp dẫn cho các dự án sắp tới. Với những chuyển động của đời sống sân khấu trong vài năm trở lại đây, có thể thấy tín hiệu vui cho nền nghệ thuật nước nhà, đó là đã xuất hiện một đội ngũ các đạo diễn trẻ tâm huyết với nghề...
Sự “chuyển giao thế hệ”
Còn nhớ tại Liên hoan Sân khấu Thủ đô lần thứ IV-2020 tổ chức tại Hà Nội, trong số các giải thưởng được trao, có 2 giải thưởng thực sự gây chú ý, đó là giải thưởng ở hạng mục “Đạo diễn xuất sắc” được trao cho đạo diễn - NSƯT Trần Lực với vở “Bạch đàn liễu” (sân khấu LucTeam) và đạo diễn - NSƯT Tạ Tuấn Minh với vở “Người tốt nhà số 5” (Nhà hát Kịch Việt Nam). Đây cũng chính là 2 vở diễn đoạt giải Vàng của liên hoan, nhận được nhiều lời khích lệ của khán giả và những người làm nghề. Chính vì thế, việc 2 đạo diễn của vở đoạt giải Vàng tiếp tục được tôn vinh ở hạng mục “Đạo diễn xuất sắc” như một sự ghi nhận xứng đáng, một tín hiệu vui đánh dấu sự “chuyển giao thế hệ” của những gương mặt đạo diễn sân khấu Thủ đô.
Thời gian qua, sân khấu Hà Nội đã bắt đầu có sự chuyển mình. Cùng với mô hình xã hội hóa sân khấu đang ngày một rõ nét và có sự tham gia nhiều hơn của những đạo diễn trẻ (và ngay cả những đạo diễn không còn trẻ nhưng là đạo diễn... mới). Điều đó đã ít nhiều đem đến một không khí mới mẻ, sinh động hơn cho đời sống nghệ thuật sân khấu ở Hà Nội. Một số vở diễn được trao gửi cho các đạo diễn trẻ như “Hoa cúc xanh trên đầm lầy” (đạo diễn - NSƯT Sĩ Tiến, Nhà hát Tuổi trẻ), “Người tốt nhà số 5” (đạo diễn - NSƯT Tạ Tuấn Minh, Nhà hát Kịch Việt Nam), nhạc kịch “Trại hoa vàng” (đạo diễn - NSƯT Ánh Tuyết, Nhà hát Tuổi trẻ)... đã nhận được sự phản hồi tích cực từ khán giả.
Trong số các đạo diễn trẻ tạo được dấu ấn cho mình có đạo diễn - NSƯT Bùi Như Lai. Anh đã dàn dựng một số vở khi còn làm việc tại Nhà hát Tuổi trẻ như “Chuyện tử tế”, “Chuyến tàu tương lai”... Năm 2020, khi đã chuyển công tác về làm Phó Trưởng khoa Sân khấu (Trường Đại học Sân khấu Điện ảnh Hà Nội), trong Liên hoan nghệ thuật Sân khấu toàn quốc về hình tượng người chiến sĩ CAND lần thứ IV-2020, đạo diễn Bùi Như Lai đã dàn dựng 2 vở diễn đó là “Tái sinh” và “Vụ án Am Bụt Mọc”...
Phải công bằng mà nói, sự tham gia của các đạo diễn mới, đạo diễn trẻ đã khiến đời sống sân khấu như có thêm một “làn gió mới”. Trong câu chuyện này, những hoạt động nghệ thuật của đạo diễn Trần Lực và sân khấu LucTeam là một ví dụ hết sức điển hình. Dù tuổi đời không còn trẻ, nhưng khi đến với sân khấu, đạo diễn - NSƯT Trần Lực đã nhanh chóng để lại dấu ấn của mình. “Tôi mong muốn xây dựng LucTeam trở thành một địa chỉ làm nghệ thuật chuyên nghiệp, vững vàng, có phong cách riêng và sống được bằng chính những tác phẩm của mình. Rất nhiều khó khăn trong đó khó khăn nhất là vấn đề nhân lực, rất nhiều trở ngại, rất nhiều hoài nghi..., nhưng tất cả không khiến tôi chùn bước. Tôi có niềm tin vững chắc rằng, con đường mà tôi đã chọn, phong cách sân khấu ước lệ - biểu hiện mà LucTeam đang xây dựng và hoàn thiện sẽ tạo được dấu ấn trong lòng khán giả” - đạo diễn Trần Lực chia sẻ.
Mong chờ bứt phá
Khi nói về những đạo diễn xuất hiện sau mình, đạo diễn - NSND Hoàng Quỳnh Mai: “Tôi cảm thấy rất vui khi sau chúng tôi đã xuất hiện một đội ngũ các đạo diễn trẻ như Bùi Như Lai, Sĩ Tiến, Kiều Minh Hiếu, Tạ Tuấn Minh... đang dần khẳng định vị thế của mình. Đó là những tín hiệu đáng vui mừng cho sân khấu, nhất là sân khấu kịch nói, rất đáng chờ đợi và hi vọng!”.
Một thời gian dài, sân khấu Hà Nội chỉ loanh quanh với những tên tuổi “lão làng” đã trở nên quá quen thuộc với khán giả như NSND Phạm Thị Thành, NSND Doãn Hoàng Giang, NSND Xuân Huyền, NSND Lê Hùng. Từ sau năm 2007 là năm diễn ra Liên hoan Tài năng đạo diễn Sân khấu trẻ tổ chức tại TP Hồ Chí Minh, thì một đội ngũ các đạo diễn mới đã xuất hiện và thành danh như NSND Hoàng Quỳnh Mai, NSND Tống Toàn Thắng, NSND Triệu Trung Kiên, NSND Nguyễn Tiến Dũng... Họ thực sự là những đạo diễn tài năng với nhiều vở diễn đình đám một thời, hiện đang rất “chắc chân” và tâm huyết với nghề. Họ cũng là đạo diễn của rất nhiều vở diễn tham gia các kỳ cuộc Liên hoan sân khấu kịch nói, chèo, cải lương và rất nhiều vở diễn của họ đạt đã Huy chương Vàng, Bạc hay các giải thưởng cao.
Trước đó, các đoàn nghệ thuật, đơn vị biểu diễn chuẩn bị tham gia liên hoan lại tìm đến các đạo diễn như NSND Doãn Hoàng Giang, NSND Xuân Huyền, NSND Lê Hùng “trao gửi” đứa con của mình cho các đạo diễn tài danh này như một yếu tố quan trọng hàng đầu để đảm bảo sự thành công của vở diễn. Điều này cũng có thể hiểu và thông cảm được, bởi vì một vở diễn dàn dựng để đi liên hoan thường được đầu tư kỹ lưỡng và đi thi ai cũng mong được giải cũng là tâm lý bình thường. Chính vì thế, có những kỳ Liên hoan sân khấu, một đạo diễn đã tham gia dàn dựng nhiều vở với tư cách cá nhân hoặc đứng tên chung như một cách “né” thể lệ cuộc thi. Tuy nhiên, có thể thấy rõ sự hạn chế là để “chạy theo giải thưởng” theo cách như thế, vô hình trung khiến cho những đạo diễn trẻ, những người mới vào nghề có cơ hội được làm nghề, cọ sát và thử sức mình. Trong khi đó, các đạo diễn “lão làng” thì đã “thừa danh hiệu, thừa vinh quang” từ rất lâu rồi.
“Tre già măng mọc” - đó là một xu thế tất yếu. Và rất may, sân khấu Việt đã có một “lứa tre” trẻ, khỏe, dồi dào năng lượng sáng tạo. Điều đó cho chúng ta kỳ vọng vào sự chuyển mình mạnh mẽ hơn của sân khấu ở thời kỳ “hậu Covid1-19”.