Quản lý hoạt động nghệ thuật biểu diễn: Giảm thủ tục nhưng cần kiểm soát chặt

Minh Quân 29/03/2021 07:00

Chính thức có hiệu lực từ ngày 1/2/2021, Nghị định số 144 của Chính phủ quy định về hoạt động nghệ thuật biểu diễn được đánh giá tạo “hành lang” thông thoáng, “cởi trói” nhiều thủ tục hành chính, “giấy phép con”. Tuy nhiên, bên cạnh việc giảm các thủ tục vẫn còn đó những băn khoăn, đặc biệt là trong việc quản lý các cuộc thi về nhan sắc. 

Việc nới lỏng trong cấp phép đang tạo ra nỗi lo về loạn danh hiệu sắc đẹp.

Giảm bớt thủ tục

Một trong những “điểm nhấn” lớn nhất của Nghị định đó là việc cắt giảm thủ tục hành chính từ 10 xuống 4 “giấy phép”. Cụ thể bỏ việc cấp giấy phép cho người nước ngoài biểu diễn nghệ thuật ở Việt Nam; Cấp giấy phép cho người Việt Nam định cư ở nước ngoài biểu diễn nghệ thuật tại Việt Nam; Cấp giấy phép cho cá nhân, tổ chức Việt Nam ra nước ngoài biểu diễn nghệ thuật, trình diễn thời trang; Cấp giấy phép tổ chức cuộc thi người đẹp, người mẫu; Cấp giấy phép phổ biến tác phẩm âm nhạc, sân khấu; Cấp giấy phép phê duyệt nội dung bản ghi âm, ghi hình. Bên cạnh đó, Nghị định cũng bỏ quy định về số lượng các cuộc thi người đẹp trong nước (trước cấp TƯ không quá 2 lần/năm, cấp vùng không quá 3 lần/năm, cấp tỉnh không quá 1 lần/ năm)…

Theo Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ VHTTDL) Nguyễn Thanh Sơn, bên cạnh việc bỏ các cấp phép gây tranh cãi trước đó, tại Nghị định cũng có 4 nội dung được bổ sung thêm là quy định quản lý nghệ thuật biểu diễn trên môi trường mạng; quyền của các tổ chức, cá nhân tham gia biểu diễn nghệ thuật; tiếp nhận hồ sơ trực tuyến; dừng hoạt động biểu diễn nghệ thuật. Cũng theo ông Sơn, Nghị định có 8 nội dung được điều chỉnh.

Cụ thể gồm quyền, trách nhiệm của các chủ thể tham gia biểu diễn nghệ thuật; phân loại hoạt động biểu diễn nghệ thuật; trước đây, hoạt động biểu diễn nghệ thuật cần cấp giấy phép, nay điều chỉnh thành văn bản chấp thuận, văn bản xác nhận; điều chỉnh cơ quan tiếp nhận thông báo biểu diễn; quy định chặt chẽ hơn việc thu hồi danh hiệu, giải thưởng, hủy kết quả cuộc thi, liên hoan; điều kiện cá nhân ra nước ngoài dự thi người đẹp, người mẫu; nộp lưu chiểu bản ghi âm, ghi hình biểu diễn; gắn trách nhiệm với chính quyền địa phương, nơi diễn ra các hoạt động biểu diễn nghệ thuật (Cục Nghệ thuật biểu diễn - Bộ VHTTDL sẽ không trực tiếp quản lý hoạt động biểu diễn ở địa phương, mà phân cấp về các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương).

Về những thay đổi này, Giám đốc Nhà hát Nhạc vũ kịch Việt Nam Trần Ly Ly cho rằng, các quy định trong Nghị định mới, đặc biệt là việc bỏ thủ tục cấp phép và tăng hậu kiểm, sẽ tạo điều kiện cho nghệ sĩ mở rộng biên độ sáng tạo. Bởi, có nhiều hình thức biểu diễn nghệ thuật mới lạ, độc đáo, giá trị, thậm chí đến thời điểm này chưa xuất hiện, nhưng là xu hướng của tương lai và đáp ứng nhu cầu thưởng thức nghệ thuật trong thời đại mới, cần được giới thiệu để công chúng thẩm định. Đồng thời, việc tạo điều kiện cho nghệ sĩ mở rộng sáng tạo chính là nhân tố quan trọng giúp thúc đẩy nghệ thuật biểu diễn phát triển.

Nỗi lo “loạn” danh hiệu

Có thể thấy, so với Nghị định 79 trước đó Nghị định 144 được đánh giá là đã giảm khá nhiều thủ tục “rườm rà”. Tuy nhiên, với việc “nới lỏng” các cuộc thi nhan sắc, nhiều nghệ sĩ chia sẻ sự lo lắng về việc “loạn” danh hiệu. Bởi việc giao quyền cấp phép cho các địa phương và không giới hạn số lượng sẽ dẫn đến tình trạng “nhà nhà tổ chức thi nhan sắc” làm giảm đi uy tín của các cuộc thi. Thí sinh dự thi nhiều khả năng cũng sẽ đông hơn, nhưng không loại trừ việc đua nhau đi thi để giành giải, cũng như phát sinh nhiều tiêu cực…

Về vấn đề này, theo nguyên Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn Nguyễn Quang Vinh cho rằng, đơn vị nào nếu đủ điều kiện, có đăng ký chức năng hoạt động biểu diễn thì vẫn được phép tổ chức nếu được sự đồng ý của địa phương. Nếu cơ quan Nhà nước nào cũng yêu cầu đơn vị tổ chức phải đáp ứng được các điều kiện này, kia thì sẽ mất sự sáng tạo.

Chúng ta chỉ có quy định hành lang là không được làm những điều pháp luật cấm. Còn theo bà Nguyễn Thị Thúy Nga- Tổng Giám đốc Elite Việt Nam, chia sẻ cá nhân bà rất ủng hộ việc bỏ quy định số lượng cuộc thi hoa hậu, người đẹp trong năm.

Tuy nhiên, bà Nga cũng phân tích, Việc tổ chức một cuộc thi sắc đẹp phụ thuộc vào năng lực tổ chức của các đơn vị tổ chức, nếu họ thật sự có tiềm năng tài chính, đủ năng lực để tổ chức cuộc thi có chất lượng, có uy tín, thu hút được thí sinh có chất lượng, thu hút khán giả, truyền thông thì cứ để những công ty đó tổ chức cuộc thi” - bà Nga nói.

Theo đánh giá của chuyên gia này, việc không giới hạn số lượng các cuộc thi cũng sẽ buộc các công ty tổ chức phải nâng cao năng lực cạnh tranh, đó là xu hướng tất yếu của thị trường. Nếu sản phẩm tốt sẽ ngày càng phát triển, còn cuộc thi nào không uy tín, chất lượng sẽ bị khán giả, nhãn hàng tẩy chay và tự đào thải.

Thực tế cho thấy, việc “nới lỏng” cũng là một “phép thử” cho mỗi địa phương về trách nhiệm khi cấp phép các cuộc thi. Bởi thay vì chỉ một đơn vị duy nhất là Cục Nghệ thuật biểu diễn được cấp phép thì nay vai trò quyết định được giao cho các UBND tỉnh, thành phố. Điều này sẽ chấm dứt việc các bên đùn đẩy trách nhiệm hoặc lúng túng vì không có căn cứ pháp lý để thu hồi danh hiệu, như tình trạng từng xảy ra sau một số cuộc thi sắc đẹp trước đây. Đặc biệt, một trong những điểm mới Nghị định 144 là đã bổ sung quy định về việc cơ quan Nhà nước có thẩm quyền được yêu cầu thu hồi, hủy bỏ danh hiệu, giải thưởng nếu thí sinh hoặc BTC cuộc thi có sai phạm.

Minh Quân