Chặn ‘lợi ích nhóm’ trong ban hành chính sách

H.Vũ (thực hiện) 29/03/2021 07:31

Khi Quốc hội thảo luận ở hội trường về Dự thảo Báo cáo công tác nhiệm kỳ khóa XIV của Quốc hội và các Báo cáo công tác nhiệm kỳ khóa XIV của các Ủy ban của Quốc hội, có ý kiến nêu về vấn đề liêm chính trong xây dựng pháp luật, có những quy định nếu như không giám sát chặt chẽ quá trình tổ chức thực hiện rất có thể dẫn đến nguy cơ tham nhũng chính sách. ĐBQH Đặng Ngọc Nghĩa - Ủy viên Thường trực Ủy ban Quốc phòng - An ninh của Quốc hội chia sẻ về vấn đề này.

Ông Đặng Ngọc Nghĩa.

PV: Là một ĐBQH, cá nhân ông đánh giá thế nào về công tác xây dựng pháp luật trong nhiệm kỳ qua?

Ông Đặng Ngọc NghĩaTrước tiên phải khẳng định trong nhiệm kỳ khóa XIV, Quốc hội đã luôn quan tâm tới công tác xây dựng pháp luật. Đã thông qua 72 luật, 2 pháp lệnh và nhiều nghị quyết có chứa quy phạm pháp luật.

Tuy nhiên ở “chỗ này chỗ kia” vẫn còn việc chất lượng và “tuổi thọ” của một số luật chưa cao, chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn, các luật thuộc các lĩnh vực: kinh tế; văn hóa; xã hội vẫn có những xung đột, luật ra đời sau chồng chéo với các luật khác, cho nên có việc một luật sửa nhiều luật.

Đặc biệt, thời gian quy trình thủ tục chưa bảm đảm theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Thời gian gửi cho ĐBQH nghiên cứu không đảm bảo. Tôi xin nhấn mạnh rằng, một trong những nhiệm vụ quan trọng của Quốc hội là xây dựng và ban hành luật. Do vậy chúng ta cần chủ động, quan tâm hơn nữa đến công tác xây dựng luật.

Đã có ý kiến đề cập đến tính liêm chính trong xây dựng luật, cá nhân ông đánh giá như thế nào về vấn đề này?

-Lợi ích của bộ, ngành trong quá trình xây dựng luật theo chủ quan bao giờ cũng có. Tôi đã là ĐBQH 2 nhiệm kỳ, qua quá trình thẩm tra tôi đã nhận thấy và chỉ ra điều này. Tại các nước có Viện Nghiên cứu lập pháp, hoặc Ban soạn thảo luật chung cho các lĩnh vực. Còn ở nước ta, theo quy trình là giao cho các bộ, ngành soạn thảo. Ví dụ Luật Đầu tư giao cho Bộ Kế hoạch và Đầu tư soạn thảo; Luật Đất đai giao cho Bộ Tài nguyên và Môi trường soạn thảo. Dù là Chính phủ trình nhưng khi giao cho các bộ, ngành soạn thảo thì cũng có thể họ sẽ đưa lợi ích của bộ mình vào trong luật.

Vậy theo ông làm sao có thể ngăn chặn được tình trạng trên? tránh việc luật đem lại lợi ích cho một nhóm người thay vì phục vụ số đông?

-Muốn hạn chế việc này, trước tiên trong quá trình xây dựng luật cần tổ chức các hội nghị, hội thảo, lựa chọn các đại biểu gồm nhiều thành phần như các nhà khoa học; luật sư; chuyên gia trong lĩnh vực đó cho ý kiến. Thứ hai muốn tránh lợi ích nhóm, lợi ích của bộ, ngành thì về phía Chính phủ, đặc biệt là bộ phận pháp chế của các bộ, ngành phải nâng cao hơn nữa trách nhiệm của mình. Còn cơ quan thẩm tra là các Ủy ban, Hội đồng Dân tộc của Quốc hội phải có quan điểm khách quan và cương quyết. 1 luật trước khi được thông qua thường trải qua 2 lần cho ý kiến tại Quốc hội.

Do vậy các Ủy ban, Hội đồng Dân tộc khi thẩm tra theo từng lĩnh vực của mình cần đổi mới hơn nữa, giữ đúng vị trí, chức năng thẩm tra “gác cửa” của mình giúp cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội, trước khi trình ra Quốc hội để các ĐBQH đóng góp ý kiến. Bên cạnh đó chúng ta cần tiếp thu các ý kiến góp ý của các ĐBQH, tránh việc ý kiến của ĐBQH rất hay, xác đáng nhưng tiếp thu lại “giữ nguyên như dự thảo”.

Đồng thời, Quốc hội cần đi sâu hơn nữa giám sát các Nghị định, Thông tư, các văn bản được ban hành. Vừa qua Chính phủ đã bỏ hơn mấy nghìn văn bản, giấy phép con không phù hợp. Nên chăng Quốc hội, đặc biệt là các Ủy ban, Hội đồng Dân tộc cần tăng cường giám sát về những nghị định, thông tư trái luật.

Hiện chúng ta đang tăng cường ĐBQH hoạt động chuyên trách. Vậy có lẽ cũng cần tăng cường vai trò trách nhiệm của các ĐBQH hoạt động chuyên trách trong quá trình xây dựng pháp luật, thưa ông?

Cần tăng cường tổ chức các hội nghị lấy ý kiến, các hội nghị ĐBQH chuyên trách để cho ý kiến về các dự án luật. Qua đó để các ĐBQH hoạt động chuyên trách cho ý kiến nhiều hơn. Luật nào có nhiều vấn đề “đang bàn cãi” cần phải làm kỹ. Mở rộng thảo luận cho “chín” để đảm bảo khi luật ban hành sẽ sát với tình hình thực tiễn, có thể thực hiện được ngay. Dưới luật thường có nghị định, thông tư đi kèm theo. Cho nên làm sao khi để khi luật ban hành có thể thực hiện được ngay, ít giao cho Chính phủ hướng dẫn thực hiện.

Để nâng cao chất lượng công tác xây dựng pháp luật, ông có kiến nghị gì cho Quốc hội khóa tới?

-Tôi cho rằng trong khóa tới cần đổi mới công tác xây dựng luật. Theo đó, Bộ Tư pháp có chức năng “gác cổng” cho Chính phủ trong thẩm định luật cần chủ động tham mưu cho Chính phủ về chương trình xây dựng luật sao cho phù hợp, có sự ưu tiên. Luật nào cần thiết ban hành ngay phải có thứ tự ưu tiên về chương trình, đầu tư về nội dung. Bên cạnh đó cần tổ chức các hội nghị, hội thảo để các chuyên gia đóng góp ý kiến.

Chủ động mời các chuyên gia là các lãnh đạo các bộ, ngành đã nghỉ hưu, có kinh nghiệm để lấy ý kiến, nêu vấn đề.

Chúng ta cần quan tâm đến công tác phối hợp giữa cơ quan soạn thảo và cơ quan thẩm tra ngay từ đầu trong việc khởi thảo xây dựng luật. Còn các cơ quan thẩm tra cần tăng cường lực lượng thường trực là những người có năng lực, trình độ, hiểu biết về luật pháp, có kinh nghiệm thực tiễn. Bởi thực tế có việc có người có lý luận, song lại hạn chế về thực tiễn cuộc sống.

Do vậy mới có việc “làm luật trong phòng lạnh”. Ủy ban Pháp luật của Quốc hội là Ủy ban “gác cửa” cho Quốc hội cần xem nội dung, quy trình của luật đưa ra có phù hợp, có tuân thủ theo Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật hay không? Bởi thực tế có những luật gửi cho ĐBQH nghiên cứu chỉ trước có 1 ngày. Để đảm bảo chất lượng, tuổi thọ của luật, gắn với thực tiễn chúng ta cũng cần quan tâm tới đội ngũ con người, từ cơ quan xây dựng luật cho đến cơ quan thẩm tra. Có như vậy luật mới có sức sống, phù hợp với thực tiễn.

Trân trọng cảm ơn ông!

H.Vũ (thực hiện)