Phục dựng nghệ thuật dân ca của đồng bào Bru-Vân Kiều
Bằng trí nhớ và vốn hiểu biết, nghệ nhân dân gian Hồ Văn Tiêu (ở xã Kim Thủy, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình) đã âm thầm phục dựng và bảo tồn các giá trị nghệ thuật dân ca của người Bru -Vân Kiều.
Ngay từ nhỏ, Hồ Văn Tiêu được nuôi dưỡng giữa mạch nguồn văn hóa đặc sắc của đồng bào dân tộc Bru - Vân Kiều. Tuổi 20, ông đã thuộc nhiều làn điệu dân ca, biết sử dụng thành thạo nhiều loại nhạc cụ truyền thống của dân tộc. Với nhiệt huyết của tuổi trẻ, ông đã nhiệt tình hướng dẫn, truyền thụ âm nhạc dân tộc cho con em đồng bào dân tộc Vân Kiều.
Cho dù kinh qua nhiều cương vị cán bộ ở xã Kim Thủy, trong đó có 2 nhiệm kỳ làm Phó Bí thư thường trực và 3 nhiệm kỳ làm Bí thư Đảng ủy xã, ông Hồ Văn Tiêu luôn quan tâm đến việc phát triển phong trào văn nghệ quần chúng ở các bản làng.
Giữa tiết trời ngày Xuân, ông Hồ Văn Tiêu nhớ lại, từ xa xưa, sinh sống giữa đại ngàn, khi lên rẫy làm nương hay xuống suối bắt cá, người Bru - Vân Kiều đã tạo ra nhiều loại nhạc cụ, nhiều điệu hát, điệu múa mang nét văn hoá đặc trưng của cộng đồng dân tộc mình. Chính những giá trị văn hóa truyền thống này đã tạo nên sức mạnh để người Vân Kiều trường tồn từ thế hệ này qua thế hệ khác.
Những năm gần đây, đời sống vật chất của đồng bào được nâng lên nhưng tiếng sáo Khsui, chiêng Prana, cồng Coang, Moong, đàn Tín tung, kèn Amam, sáo Pi hay tiếng trống ít khi được cất lên; điệu Xiêng oát, Tà oải, Xa nớt, Roai troong của người Vân Kiều ở Kim Thủy ngày một thưa vắng, mai một. Từ thực tế đã khiến ông Hồ Văn Tiêu trăn trở: “Rời bỏ âm nhạc, rời bỏ các giá trị văn hóa là người Vân Kiều sẽ bị mất gốc, là chối bỏ những tinh hoa truyền thống tổ tiên để lại”.
Suy nghĩ và hành động, kể từ khi về nghỉ hưu đến nay, “cánh chim rừng của người Bru - Vân Kiều” ở xã Kim Thủy đã bền bỉ đến các hộ gia đình vận động bà con không “lãng quên” các làn điệu dân ca, nhạc cụ truyền thống. Cùng với đó, ông tiếp tục trao truyền tình yêu âm nhạc, gìn giữ những nét đẹp văn hóa trong các lễ hội của người Vân Kiều.
Đặc biệt, nhiều năm nay, ông còn đến tận các trường dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện để trực tiếp truyền dạy cho các cháu học sinh với mong muốn góp phần cùng với các thầy cô giáo đưa dân ca Bru - Vân Kiều vào các trường học. Em Hồ Thị Duyên, học sinh lớp 7, ở xã Kim Thủy cho biết: “Từ khi có bác Tiêu đến dạy, em đã hát được một số bài. Nếu được bác dạy thêm nữa em sẽ cố gắng học, em muốn hiểu được bản sắc văn hóa dân tộc mình”.
Ông Hồ A Lai, Chủ tịch Ủy ban MTTQ xã Kim Thủy nói: Ông Hồ Văn Tiêu có tinh thần phục hồi lại bản sắc văn hóa của người dân tộc Vân Kiều. Ông am hiểu các điệu hát dân ca, cách chơi các loại nhạc cụ truyền thống nên ông hay đến các trường học dạy lại cho các cháu học sinh. Ở các bản làng, ông cùng với chính quyền, các đoàn thể ở địa phương thường động viên bà con giữ lại nét văn hóa truyền thống của dân tộc mình.
Ông đã có nhiều đóng góp trong sự nghiệp bảo tồn, trao truyền và phát huy giá trị những di sản văn hóa phi vật thể truyền thống của quê hương.
Giữa tiết trời mùa Xuân khi cây rừng đang ra lộc, ông Hồ Văn Tiêu tin rằng hành trình trao truyền văn hóa bản địa của ông sẽ không đơn độc, bởi đã có Hồ Văn Cường, Hồ Thị Duyên… những mầm non sẽ tiếp bước giữ gìn tinh hoa văn hóa của đồng bào Bru - Vân Kiều ở xã vùng cao Quảng Bình.