Chưa có thống kê số lượng hàng hóa Việt Nam bị kẹt ở kênh Suez
Hiện nhà chức trách Ai Cập chưa thông báo mức hỗ trợ ảnh hưởng đến doanh nghiệp Việt Nam. Xuất khẩu hàng hóa từ Việt Nam sang Ai Cập trung bình mỗi tháng đạt gần 40 triệu USD, chủ yếu là nông sản.
Liên quan đến vụ siêu tàu chở container Ever Given bị mắc kẹt ở kênh đào Suez, khiến một lượng lớn hàng hóa lênh đênh trên biển, hiện chưa có thống kê chính thức số lượng hàng hóa của Việt Nam xuất khẩu đi các nước phải nằm chờ trên các con tàu ngoài khơi.
Theo Cơ quan quản lý kênh đào Suez (SCA), số tàu bị kẹt trên kênh đào Suez là trên 350 tàu và phải cần ít nhất 3-6 ngày để lưu thông hết. Tuy nhiên, vấn đề nằm ở chỗ sau khi thông tuyến, do số lượng lớn các tàu cần cập bến tại các cảng lớn nên có thể gây ra nghẽn tại các cảng và do đó thời gian chờ bốc dỡ hàng sẽ kéo dài hơn.
Trước những diễn biến như vậy, Thương vụ Việt Nam tại Ai Cập khuyến cáo rằng các doanh nghiệp Việt Nam cần phối hợp chặt chẽ với hãng tàu vận chuyển đường biển để cập nhật thông tin về khả năng vận tải, thời gian cập cảng và bốc dỡ hàng cũng như vấn đề bảo hiểm của hãng tàu đối với vấn đề hoãn hủy lịch trình, giao hàng chậm hay việc hàng hóa có thể bị hư hại trên tàu, đặc biệt đối với mặt hàng thủy sản xuất khẩu.
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cũng cần làm việc với đối tác nhập khẩu để giải quyết những phát sinh (nếu có) liên quan đến việc giao hàng chậm, tránh đẩy vấn đề trở thành các tranh chấp thương mại.
Các doanh nghiệp bị ảnh hưởng cần sớm cung cấp thông tin cho Thương vụ Việt Nam để có thể nắm bắt, hỗ trợ hoặc can thiệp với các cơ quan chức năng, đơn vị quản lý tại các cảng biển nơi đến tránh trường hợp có thể gặp bất lợi trong thời gian chờ bốc dỡ hoặc lưu kho bãi đối với hàng hóa đến từ Việt Nam.
Trong khi đó, theo Bí thư thứ nhất, Trưởng bộ phận Thương vụ, Đại sứ quán Việt Nam tại Ai Cập, ông Nguyễn Duy Hưng, hiện chưa có thống kê chính thức số lượng hàng hóa của Việt Nam xuất khẩu đi các nước phải nằm chờ trên các con tàu ngoài khơi, do một số hãng vận tải hàng hải như Maersk, CMS CGM đã quyết định đưa một số tàu chạy vòng qua mũi Hảo vọng (Nam Phi) để sang châu Âu với tính toán là thời gian có thể nhanh hơn.
Hiện nhà chức trách Ai Cập chưa thông báo mức hỗ trợ ảnh hưởng đến doanh nghiệp Việt Nam. Xuất khẩu hàng hóa từ Việt Nam sang Ai Cập trung bình mỗi tháng đạt gần 40 triệu USD trong đó mặt hàng nông thủy sản lớn nhất là cá đông lạnh (khoảng 3 triệu USD) còn lại là hạt điều, cà phê và hạt tiêu (mỗi loại trung bình từ 1,5 đến 2 triệu USD/tháng).
Việc chậm giao hàng trong khi tháng lễ Ramadan bắt đầu chỉ khoảng 2 tuần nữa cũng sẽ ảnh hưởng đến việc cung ứng hàng hóa tại Ai Cập, tác động đến các nhà nhập khẩu nước này và hoạt động xuất khẩu của một số doanh nghiệp Việt Nam.
Tổng thống Ai Cập Abdel-Fattah El-Sisi ngày 29/3 đã bày tỏ cảm ơn những người đã góp phần chấm dứt cuộc khủng hoảng liên quan đến tàu Ever Given ở kênh đào Suez. Tổng thống Abdel-Fattah El-Sisi nhấn mạnh, bằng cách khôi phục mọi hoạt động trở về trạng thái bình thường, với công sức của người Ai Cập, cả thế giới có thể yên tâm về lộ trình vận chuyển hàng hóa qua tuyến hàng hải huyết mạch này.
Trong bài viết đăng trên trang mạng xã hội Facebook, Tổng thống Abdel-Fattah El-Sisi khẳng định rằng người Ai Cập ngày hôm nay đã nỗ lực chấm dứt cuộc khủng hoảng của con tàu Ever Given trên kênh đào Suez dù các vấn đề kỹ thuật xung quanh hoạt động này rất phức tạp.
Trước đó cùng ngày, Chủ tịch SCA Osama Rabie thông báo rằng siêu tàu chở container Ever Given mang cờ Panama đã bắt đầu nổi được sau những nỗ lực giải cứu mới nhất. Vị trí của con tàu đã được dịch chuyển đáng kể và đạt tới 80%, với đuôi tàu di chuyển ra xa bờ khoảng 102 m thay vì 4 m. Đây được xem là bước tiến quan trọng sau nhiều nỗ lực giải cứu tàu Ever Given vốn bị mắc cạn và chặn ngang kênh đào Suez.
Theo ông Rabie, các hoạt động lai dắt tàu Ever Given dự kiến tiếp tục được thực hiện trong ngày 29/3 khi mực nước dâng lên tối đa trong khoảng thời gian từ 11h30 sáng cùng ngày (theo giờ địa phương, tức 16h30 giờ Hà Nội) là 2 m, cho phép điều chỉnh hoàn toàn vị trí của con tàu. Ông cho biết thêm rằng hoạt động vận tải trên kênh đào Suez sẽ hoạt động trở lại sau khi tàu được thả nổi hoàn toàn và di chuyển đến khu vực Hồ Đắng để kiểm tra kỹ thuật.
Trước đó, các trang mạng giám sát hoạt động đường biển Vesselfinder và myshiptracking công bố các hình ảnh cho thấy phần đuôi tàu đã dần dịch chuyển ra xa phần bờ phía Tây của kênh đào. Nhà chức trách Ai Cập đã triển khai nhiều nỗ lực để giải cứu con tàu khổng lồ này, với lực lượng cứu hộ đã làm việc liên tục trong suốt 7 ngày qua.