Hòa Bình: Nâng cao đời sống của đồng bào các dân tộc thiểu số
Xác định vấn đề đoàn kết các dân tộc, nâng cao đời sống của đồng bào các DTTS là nhiệm vụ trọng yếu của cả hệ thống chính trị.
Thực hiện Quyết định số 33/2020/QĐ-TTg, ngày 12/11/ 2020 của Thủ tướng Chính phủ về tiêu chí phân định vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi (DTTS&MN) theo trình độ phát triển giai đoạn 2021-2025, tỉnh có 145/151 xã, phường, thị trấn thuộc vùng DTTS&MN, trong đó, 60 xã khu vực III, 12 xã khu vực II, 73 xã khu vực I và 82 thôn thuộc diện đặc biệt khó khăn (ĐBKK).
Xác định vấn đề đoàn kết các dân tộc, nâng cao đời sống của đồng bào các DTTS là nhiệm vụ trọng yếu của cả hệ thống chính trị, do vậy, công tác dân tộc đã được Tỉnh ủy, UBND tỉnh lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện đồng bộ với những nhiệm vụ, giải pháp cụ thể. Trong đó, ưu tiên nguồn lực thúc đẩy kinh tế - xã hội khu vực nông thôn miền núi, khu vực có đông đồng bào DTTS sinh sống, nhất là đối với thôn, xóm, xã có điều kiện kinh tế - xã hội diện ĐBKK.
Thực tế chứng minh, từ nhiều năm qua, việc triển khai các chính sách dân tộc theo phương châm hướng về cơ sở, từng hộ dân là đối tượng thụ hưởng trực tiếp đã tạo đòn bẩy để vùng đồng bào DTTS phát triển, đời sống được cải thiện, Ban Dân tộc tỉnh chủ động tham mưu UBND tỉnh ban hành các văn bản chỉ đạo, tổ chức triển khai thực hiện đầy đủ, đồng bộ công tác dân tộc, thực hiện chính sách dân tộc. Đồng thời, hướng dẫn các huyện, thành phố triển khai thực hiện vốn đầu tư cơ sở hạ tầng, vốn sự nghiệp Chương trình 135; đôn đốc đẩy nhanh tiến độ giải ngân, tăng cường công tác quản nhà nước nhằm nâng cao hiệu quả đầu tư các nguồn vốn.
Trong năm 2020, với tổng nguồn vốn 122.658 triệu đồng từ dự án hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng, trong đó, ngân sách Trung ương 118.059 triệu đồng, vốn nhân dân đóng góp 4.599 triệu đồng, đã triển khai đầu tư 201 công trình giao thông, thuỷ lợi, điện, nhà văn hóa sinh hoạt cộng đồng, giáo dục, nước sinh hoạt... Hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hoá sinh kế với kinh phí 27.886 triệu đồng (nguồn vốn Trung ương 25.082 triệu đồng, vốn nhân dân đóng góp 2.804 triệu đồng), đã hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi, máy móc thiết bị, vật tư, xây dựng mô hình cho hơn 7.200 hộ hưởng lợi… Nhân rộng 27 mô hình giảm nghèo về nuôi bò, dê sinh sản; nuôi lợn bản địa; chăn nuôi gà, ngan với gần 680 hộ hưởng lợi.
Từ việc thực hiện hiệu quả các chính sách dân tộc trên địa bàn tỉnh đã đóng vai trò quan trọng thu hẹp dần khoảng cách giữa các vùng, miền; củng cố niềm tin và xây dựng vững chắc khối đại đoàn kết các dân tộc.