Khó kiểm soát chất lượng nông sản
Giờ đây hiện tượng giải cứu nông sản trở nên quen thuộc với người tiêu dùng, họ coi đó là hành động đẹp giúp người nông dân vượt qua khó khăn trong lúc sản phẩm ế ẩm dư thừa do dịch bệnh hay những hợp đồng rủi ro với doanh nghiệp.
Tuy nhiên, thời gian qua cũng có không ít thương lái lợi dụng lòng tốt của người tiêu dùng tuồn nhiều nông sản kém chất lượng ra thị trường, rồi gắn mác giải cứu nhằm kiếm lời. Thời điểm này, dễ dàng tìm thấy các điểm bán nông sản của nhiều tỉnh thành, nhưng nhiều nhất là nông sản xuất xứ từ tỉnh Hải Dương – theo lời của người bán hàng. Các sản phẩm ổi, trứng, cà chua, bí xanh, xu hào, bắp cải,... giá rẻ nhưng chất lượng khi được hỏi thì không có một tổ chức nào đứng ra đảm bảo.
Tương tự hình thức trên, trước đây, để thu lợi nhuận cao, các chủ vựa, thương lái đã nhập nhằng thương hiệu để bán nông sản Trung Quốc với giá ngang bằng hoặc chỉ thấp hơn một ít so với nông sản cùng loại của Đà Lạt. Bởi hình thức bên ngoài của nông sản Đà Lạt và Trung Quốc không có sự khác biệt rõ rệt. Do đó bằng kinh nghiệm và mắt thường, người tiêu dùng khó phân biệt được đâu là hàng Đà Lạt thật, đâu là hàng Trung Quốc đội lốt. Hậu quả là, người tiêu dùng có thể mua phải những loại nông sản đội lốt nông sản Đà Lạt ở bất kỳ đâu.
Nhiều người tiêu dùng thừa nhận không thể phân biệt được xuất xứ, nguồn gốc của các loại nông sản và bày tỏ sự lo lắng về an toàn vệ sinh sức khỏe đối với nông sản kèm chất lượng. Do đó bài toán quản lý đường đi của nông sản từ nơi sản xuất đến tay người tiêu dùng cần sớm có lời giải.
Phía các chuyên gia thị trường nhận định, sở dĩ có hiện tượng này là do chuỗi sản xuất, phân phối nông sản của ta còn rất lỏng lẻo. Đáng lưu ý, với nông sản của Trung Quốc đội lốt nông sản Việt Nam là do biện pháp phòng vệ thương mại còn rất kém. Việc mua bán bằng tiền mặt, thanh toán qua các trung gian, đường đi của hàng hóa lòng vòng qua rất nhiều khâu, nhiều công đoạn mà không được quản lý. Bên cạnh đó, mã số, mã vạch, QR Code…mới chỉ là bắt đầu nên chưa thể kiểm soát được hết nguồn gốc, xuất xứ của sản phẩm hàng hóa nông sản.