Khởi nghiệp với sản phẩm OCOP
Thời gian qua, Tỉnh đoàn Lào Cai không chỉ thúc đẩy phong trào khởi nghiệp cho đoàn viên thanh niên mà còn đưa ra nhiều giải pháp hỗ trợ thanh niên xây dựng sản phẩm OCOP (mỗi xã một sản phẩm), tạo điều kiện để các sản phẩm của thanh niên thâm nhập sâu rộng vào chuỗi giá trị kinh tế.
Anh Lưu Công Trường, thôn Trung Tâm, xã Khánh Yên Trung, huyện Văn Bàn là một thanh niên điển hình làm giàu ngay trên chính mảnh đất quê hương. Với số vốn tiết kiệm được cùng số tiền vay Ngân hàng Chính sách xã hội huyện, anh đã mạnh dạn trồng thử 400 gốc chanh trên diện tích đất đồi và đất ruộng bạc màu của gia đình.
Đến đầu năm 2017, anh nhận thầu dài hạn 3 ha đất đồi tại địa phương, tiếp tục mở rộng diện tích vườn cây với 500 gốc cam Vinh. Hiện cây chanh và cây cam phát triển tốt, đã cho thu hoạch. Bên cạnh đó, anh còn trồng cỏ ngọt, đầu tư mua bò vỗ béo, đầu năm mua, cuối năm bán lại, có thời điểm trong chuồng nhà anh có đến 20 con bò. Trừ các chi phí, bước đầu anh thu về trên 100 triệu đồng từ trồng trọt, chăn nuôi mỗi năm.
Cây thanh long ruột đỏ được gia đình anh Trần Văn Hòa ở xã Minh Tân đưa lên trồng ở đất đồi huyện Bảo Yên (Lào Cai). Đây được coi là kỳ tích của vùng đất đồi Bảo Yên bao năm nay chỉ trồng rừng.
Theo lời anh Hòa, trước kia, gia đình có diện tích đất vườn rừng trồng keo tai, thu nhập thấp. Quyết tâm thay đổi để làm giàu, sau 2 năm học hỏi kinh nghiệm ở vùng trồng thanh long Bình Thuận, năm 2016, anh Hòa đưa cây thanh long ruột đỏ về Lào Cai trồng. Hơn 1 năm sau cây thanh long ruột đỏ đã cho thu hoạch, quả to và rất ngọt. Hiện, loại cây trồng này cho năng suất khoảng 20 tấn/ha/năm với giá bán bình quân khoảng 25.000 đồng/kg. Hiện thanh long ruột đỏ của Hợp tác xã Nông nghiệp Hòa Tân, xã Minh Tân đã đạt 3 sao cấp tỉnh năm 2020.
Đó chỉ là hai trong rất nhiều gương thanh niên điển hình trong việc phát triển kinh tế gắn với sản phẩm OCOP. Trong năm 2021 này, một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Tỉnh đoàn là hỗ trợ các sản phẩm của thanh niên gắn với xây dựng OCOP nhằm tăng giá trị sản phẩm nông nghiệp địa phương, góp phần xây dựng nông thôn mới, phát triển kinh tế - xã hội.
Theo Phó Bí thư Tỉnh đoàn Lào Cai Vũ Cao Minh, những người trẻ tuổi hiện nay có tri thức và hoài bão để đổi mới sáng tạo, đưa kiến thức khoa học công nghệ và kỹ năng quản trị mới vào sản xuất - đó chính là lợi thế để thế hệ trẻ phát triển các sản phẩm OCOP. Thế nhưng, hiện vẫn còn nhiều thanh niên mới khởi nghiệp còn thiếu vốn, thiếu kiến thức về khoa học kỹ thuật... nên rất cần được hỗ trợ.
Vì vậy, Tỉnh đoàn Lào Cai đã có nhiều cơ chế hỗ trợ đoàn viên, doanh nghiệp trẻ tiếp cận vốn vay ưu đãi để khởi nghiệp nói chung và khởi nghiệp cùng Chương trình OCOP nói riêng. Ngoài ra, Ban Thường vụ Tỉnh đoàn Lào Cai thường xuyên tiến hành rà soát các sản phẩm đặc hữu của thanh niên trên địa bàn 9 huyện, thị xã, thành phố. Qua đó, định hướng các đoàn trực thuộc và phối hợp với các cơ quan, ban, ngành địa phương hỗ trợ các sản phẩm của thanh niên tham gia đánh giá, phân xếp loại sản phẩm OCOP, tạo động lực tích cực, truyền cảm hứng cho thanh niên khởi nghiệp.
Với số lượng 16 hợp tác xã, 581 tổ hợp tác thanh niên, 439 mô hình kinh doanh hộ cá thể do thanh niên làm chủ, Ban Thường vụ Tỉnh đoàn Lào Cai cũng tập trung đẩy mạnh các hoạt động truyền cảm hứng, cổ vũ, động viên thanh niên mạnh dạn, tự tin làm kinh tế thông qua tổ chức thường niên cuộc thi “Ý tưởng sáng tạo khởi nghiệp – Startup Ideas” tỉnh Lào Cai và Thành lập Câu lạc bộ Thanh niên khởi nghiệp với mục đích giao lưu, học hỏi, trao đổi kiến thức và hỗ trợ trong sản xuất, kinh doanh, tạo môi trường để kết nối thanh niên cùng chí hướng, mục đích trong phát triển kinh tế…