Dai dẳng cuộc chiến chống nạn buôn người
Nạn buôn người là một trong số những hành động tàn bạo nhất mà lịch sử loài người từng biết đến. Những tưởng nó đã đi qua cùng với quá khứ đau buồn nhưng thật đáng sợ là tới nay nó vẫn tiếp diễn.
Ước tính trung bình mỗi năm lợi nhuận của bọn buôn người thu được lên tới 7 tỷ USD. Sự thật thảm khốc của những vụ buôn người được phát giác cho thấy cuộc đấu tranh chống lại điều ác chà đạp con người vẫn hết sức gian nan.
Lời khai của Nuredein
Vào tháng 11/2019, cảnh sát Italy cho biết, một thành viên của tổ chức buôn người đã khai rằng những người di cư nếu không có đủ tiền trả phí vượt biên tới châu Âu thì thường sẽ có kết cục vô cùng bi thảm: Những kẻ máu lạnh sẵn sàng giết chết các “khách hàng” của mình, lấy nội tạng của họ để “bù” tiền.
Người đàn ông đó tên là Nuredein Wehabrebi Atta. Nuredein bị bắt vào năm 2014 và đã đồng ý hợp tác với cơ quan cảnh sát, cung cấp nhiều thông tin để phía cảnh sát dựng lại bức tranh toàn diện về hoạt động của mạng lưới buôn người trải dài từ Bắc Phi đến Italy.
Trong lời khai với cảnh sát, Nuredein cho biết đã rất sốc về những cái chết thảm của những người di cư tìm cách vượt biển tới châu Âu, đặc biệt là vụ 360 người chết do chìm thuyền ở Lampedusa. Chưa hết, Nuredein còn khai nhận, trong “sự nghiệp” của mình, gã đã nhiều lần tận mắt chứng kiến cảnh người di cư bị những kẻ buôn người mổ sống để lấy nội tạng.
Nuredein cho biết, người tị nạn nếu không đủ tiền trả cho chuyến đi vượt biển Địa Trung Hải thường bị bán lại cho những nhóm buôn lậu khác với giá là 15.000 euro 1 người.
Từ lời khai của Nuredein, cảnh sát Italy đã bí mật lên kế hoạch nhằm phá vỡ mạng lưới vượt biên, buôn người xuyên quốc gia. Cảnh sát đã bất ngờ ập vào một cửa hàng bán nước hoa tại trung tâm thủ đô Rome, nơi bọn buôn người sử dụng làm nơi trung chuyển các giao dịch “tiền đen” của mình. Tại đây, họ tịch thu tổng cộng 526.000 euro cùng 25.000 USD tiền mặt. Rất quan trọng là họ đã thu được một cuốn danh bạ có thông tin về các thành viên của đường dây buôn người.
Trong vụ này, 38 đối tượng thành viên của mạng lưới “ma quỷ” này đã bị bắt giữ, bao gồm 25 người Eritrea, 12 người Ethiophia và 1 người Italy. Chúng thú nhận đã bán nội tạng của hàng nghìn người không sống sót được trong hành trình vượt biển đầy gian nan cho các tổ chức buôn lậu khác. Nội tạng của các nạn nhân đáng thương sẽ bị lấy đi và đặt trong những cái túi giữ nhiệt. Tàn nhẫn hơn, những người tị nạn, kể cả trẻ em nếu như không có đủ tiền để trả cho các chủ thuyền cũng sẽ bị giết chết để lấy nội tạng.
Vụ việc khiến dư luận bàng hoàng. Và người ta biết rằng, đằng sau những cuộc di cư tưởng như tự phát là một mạng lưới buôn người tàn độc.
“Thiên thần nhỏ” lặng yên trên bãi biển
Lui lại trước “vụ Nuredein” 10 năm, trong một ngày thứ Tư của tháng 2/2009, thế giới rùng mình khi em bức ảnh một bé trai 3 tuổi chết trên bờ biển gần khu nghỉ dưỡng Bodrum, Thổ Nhĩ Kỳ. Ngay lập tức, bức ảnh đau thương này lan truyền cực mạnh, trở thành hình ảnh đại diện cho những hành trình di cư không may mắn đầy nghiệt ngã.
Người ta chợt hỏi: Chuyện gì đang xảy ra ở vùng biên giới châu Âu suốt thời gian qua? Liệu đó có phải chỉ là vấn đề của một vài quốc gia ngày ngày phải đối mặt với hàng chục nghìn người tị nạn cố gắng tiến vào châu Âu, hay đây là một cuộc khủng hoảng nhân đạo mang tính toàn cầu? Và phía sau nó là gì, tổ chức nào đã hành động và thu lợi ra sao?
Bé trai xấu số đó là Aylan Kurdi, 3 tuổi, đến từ thị trấn Kobahi phía bắc Syria, gần biên giới Thổ Nhĩ Kỳ. Em nằm trên bãi biển, tay xuôi theo thân, úp mặt xuống cát. Nhìn Aylan giống như một thiên thần nhỏ đang say ngủ. Nhưng thiên thần nhỏ đó sẽ không bao giờ tỉnh lại.
Aylan, bố mẹ, anh trai lên 2 chiếc thuyền cùng 19 con người khác rời bỏ quê hương Syria theo “sự hướng dẫn” của một nhóm người được cho là “thạo việc”. Họ muốn tới đảo Kos, Hi Lạp nhưng cuộc đời không chiều ý họ, chiếc thuyền quá tải đã chìm khi đang trên đường ra khỏi vùng biển Syria, làm cho 12 người chết, trong đó có Aylan, anh trai Galip 5 tuổi, mẹ Rihan 35 tuổi. Kinh hoàng hơn, cảnh sát đã tìm được thi thể của 5 đứa trẻ tại bãi biển khu nghỉ dưỡng Bodrum nổi tiếng.
Abdullah Kurdi - cha của Aylan, người may mắn sống sót, cho phóng viên hãng AP biết, khi xảy ra sự cố, thuyền trưởng đã mặc áo phao nhảy xuống biển để trốn chạy. Chỉ vài phút sau chiếc thuyền biến mất trong lòng biển, mang theo những con người anh yêu thương nhất.
Trong thời kỳ cao điểm 1 tháng của nạn di cư từ châu Phi vào châu Âu, Interpol cho biết, trung bình một ngày có đến 2.000 đặt cược mạng sống trên những chiếc thuyền cao su băng qua Địa Trung Hải. Họ chính là con mồi của những đường dây buôn bán người vô cùng tàn bạo.
Những nạn nhân đau thương
Nạn nhân đau đớn nhất của bọn buôn bán người chính là phụ nữ và trẻ em. Với phụ nữ, phần lớn sẽ bị bán lại cho những ổ mại dâm, họ phải “làm việc” và sống trong điều kiện vô cùng tồi tàn, với sự canh phòng nghiêm ngặt. Tính ra, khoảng 71% số phụ nữ bị bọn buôn người biến vào động mại dâm. Nhiều người trong số đó kiệt sức, bị ném ra đường và chết đói trong những cánh rừng. Còn với trẻ em, chúng được bán với giá bèo, phải làm những công việc vượt quá sức trong điều kiện thê thảm và không có tương lai.
Từ ngày 3 đến ngày 11/11/2019, Interpol phối hợp với lực lượng chức năng triển khai Chiến dịch Horonya (nghĩa là “Tự Do” trong tiếng Bambara), phát hiện và triệt phá nhiều đường dây buôn bán người tại Bamako, thủ đô của Mali. Chiến dịch đã giải cứu thành công 64 nạn nhân, trong đó chủ yếu là phụ nữ và trẻ em, bị ép buộc đi ăn xin, bóc lột tình dục và cưỡng bức lao động tại các hầm mỏ.
Cánh sát cũng phát hiện ra 3 bé trai bị ép buộc đi ăn xin để kiếm tiền.
Liên hợp quốc cũng từng cảnh báo ngày càng có nhiều trẻ em bị buôn bán và ép buộc làm việc tại các mỏ vàng. Các em là nạn nhân của buôn người, nô lệ tình dục... Trong khi đó, đại diện của Tổ chức Cứu trợ trẻ em tại Mali, ông Amavi Akpamagbo, cho biết đại dịch Covid-19 đã khiến tình hình trầm trọng thêm và đặt ra càng nhiều khó khăn đối với trẻ em. Rất có thể nhiều trẻ em tiếp tục bị mua bán đem đi mất tích.
Theo ước tính của LHQ, mỗi năm trên thế giới có khoảng 800.000 đến 1 triệu người bị mua bán. Buôn người bao gồm 2 định nghĩa khác nhau: một là những người bị bắt cóc, lừa gạt để đưa đi di cư; nghĩa thứ hai là việc tổ chức cho người đi di cư trái phép để thu lời bất chính. Theo nghiên cứu của Văn phòng Phòng chống tội phạm và ma túy LHQ, thế giới ghi nhận khoảng 30 tuyến buôn bán người di cư lớn nhất. Họ di chuyển bằng nhiều con đường và bằng nhiều phương tiện khác nhau.
Còn theo liệu của Tổ chức Di cư quốc tế (IOM) thuộc LHQ, kể từ khi cuộc khủng hoảng di cư tại châu Âu bùng nổ năm 2014, trên 25.000 người đã thiệt mạng trên đường tha hương, phần lớn nằm lại dưới đáy biển. Và thật đau lòng trong số họ nhiều nạn nhân đã bị bọn buôn người mổ thi thể lấy nội tạng đem bán, để “bù” lại số tiền chúng không có được nếu “hàng” không được giao.
Ai tiếp tay cho bọn buôn người?
Mới đây, ngày 5/3/2021, một chiến dịch truy quét nạn buôn người được tiến hành đồng thời tại Tây Ban Nha, Italy, Romania và Pháp. 30 nạn nhân được giải cứu trong chiến dịch này là người Colombia, Dominica, Paraguay và Romania ở trong độ tuổi từ 18 đến 35.
Chiến dịch được thực hiện sau khi Văn phòng Công tố ở thành phố Montpellier (miền Nam nước Pháp) điều tra về các hoạt động buôn người và môi giới mại dâm liên quan một băng nhóm có tổ chức.
Theo công tố viên Fabrice Belargent, mạng lưới tội phạm này đặc biệt tinh vi với các thành viên chủ yếu là người Romania và Colombia, nhiều cô gái đã bị chúng bắt ép làm gái mại dâm. Ông Belargent cho biết: “Những đối tượng này tìm kiếm các nạn nhân và vẽ ra những viễn cảnh tươi đẹp để thu hút họ. Sau đó, những đối tượng này giam giữ nạn nhân trong các căn hộ thuê theo mô hình AirBnB, dùng camera để giám sát họ, đồng thời đe dọa họ và cả gia đình họ”.
Trong số 13 đối tượng tình nghi có 3 người bị bắt tại Pháp, 2 người tại Italy, 2 người tại Romania và 8 người tại Tây Ban Nha. Tất cả những đối tượng này đều nằm trong lệnh bắt giữ của cảnh sát châu Âu và sẽ bị xét xử tại Pháp.
Các cuộc điều tra đối với mạng lưới này đã được triển khai từ tháng 6/2020 khi 2 cô gái trẻ người Colombia tìm đến cảnh sát ở Montpellier để khai báo về việc họ đã bị giam giữ và bị ép làm gái mại dâm trong nhiều tuần.
Các nhà điều tra sau đó đã phát hiện một mạng lưới có các địa điểm ở Pháp và Barcelona (Tây Ban Nha), với gần như toàn bộ lợi nhuận hoạt động được chuyển đến Romania và Colombia, chỉ có một khoản nhỏ được trích lại cho các cô gái bị chúng ép buộc tiếp khách.
Công tố viên Belargent cho biết băng nhóm này thậm chí còn xây dựng hệ thống luân chuyển nạn nhân giữa các thành phố nhằm gây bất ổn cho họ về mặt tâm lý. Riêng tại Pháp, có ít nhất 17 thành phố nằm trong mạng lưới hoạt động của băng nhóm này.
Trước đó không lâu, ngày 6/2/2021, cảnh sát Tây Ban Nha đã bắt giữ một nhóm gồm 8 đối tượng đưa người di cư bất hợp pháp từ vùng lãnh thổ Melilla của nước này nằm ở khu vực Bắc Phi đến Tây Ban Nha. Những đối tượng bị bắt giữ mang quốc tịch Tây Ban Nha và Morocco. Mỗi người di cư phải trả 2.400 USD cho các đường dây buôn người chỉ để vượt Địa Trung Hải bằng xuồng cao tốc.
Vậy, ai đã tiếp tay cho bọn buôn người? Trả lời câu hỏi này không hề dễ dàng vì rằng hoạt động buôn người bao giờ cũng diễn ra tinh vi và tàn bạo. Nạn nhân của chúng không thể biết đích xác kẻ chủ mưu cũng như không ai dám hé miệng khai ra những gì mình biết. Ngay cả Interpol cũng từng đặt dấu hỏi về sự tiếp tay của cảnh sát địa phương, nhưng cũng không có được bằng chứng xác thực.
Vào ngày 15/10/2020, Chính phủ Đoàn kết dân tộc Libya (GNA) thông báo đã bắt giữ chỉ huy lực lượng bảo vệ bờ biển Abdalrahman al-Milad vì dính líu tới buôn người. Theo Bộ Nội vụ Libya, lực lượng chức năng đã bắt giữ Milad theo yêu cầu của Hội đồng Bảo an LHQ và đã chuyển vụ việc cho cơ quan công tố để tiến hành các thủ tục pháp lý nhằm truy tố đối tượng.
Milad, chỉ huy một đơn vị lực lượng bảo vệ bờ biển tại khu vực Zawiya phía Tây thủ đô Tripoli, là một trong 6 người bị LHQ trừng phạt do dính líu tới hoạt động buôn người tại Libya cách đây 2 năm.
Cảnh sát phát hiện ra rằng, những người di cư đã bị đưa đến một trung tâm giam giữ bằng tàu của lực lượng bảo vệ bờ biển. Sau đó, họ bị đánh đập và bị giam giữ trong điều kiện tồi tàn. Tuy nhiên, Milad vào thời điểm năm 2018 đã bác bỏ cáo buộc buôn người.
Theo thống kê của LHQ, tính từ tháng 1 đến cuối tháng 4/2020, số người di cư đến khu vực bờ biển Libya để tìm đường sang châu Âu đã tăng gần 300% so với cùng kỳ năm ngoái. Các đối tượng buôn người hoạt động rất mạnh và kiếm được rất nhiều tiền từ những phi vụ xấu xa đó.
Về phía các quốc gia châu Âu, được coi là “bến đỗ” của người di cư và cũng là “thị trường màu mỡ” của bọn buôn người, nhiều hành động quyết liệt được triển khai. Tuy nhiên, muốn thành công, đòi hỏi rất dày công, tốn nhiều thời gian cũng như một trình độ nghiệp vụ rất cao.
Tại nước Đức, trong một chiến dịch truy quét các tổ chức tội phạm buôn người và những người lao động bất hợp pháp trên toàn lãnh thổ, cảnh sát và các nhân viên hải quan Đức đã tiến hành kiểm tra khoảng 3.290 người tại hơn 340 địa điểm khác nhau. Trong tuyên bố ra ngày 22/9/2020, Cục Cảnh sát hình sự LB Đức (BKA) cho biết trong chiến dịch truy quét lần này, cảnh sát Đức đã phát hiện ít nhất 36 trường hợp có bằng chứng liên quan đến hoạt động buôn người cũng như bóc lột sức lao động.
Hưởng ứng với nước Đức, trong năm 2020, có cả thảy 19 quốc gia châu Âu đã tham gia chiến dịch này.
Trong chiến dịch hợp tác ngăn chặn nạn buôn người đó, Cảnh sát Pháp đã triệt phá một băng nhóm buôn người, gồm 7 đối tượng người gốc Á chuyên đưa công dân nước mình vào Pháp làm việc qua con đường thị thực du lịch. Nhóm nghi phạm gồm 7 đối tượng, trong đó có 6 người đàn ông và 1 phụ nữ.
Để đưa người vào Pháp, những kẻ buôn người trên đã làm việc với một công ty lữ hành tại nước có người muốn ra đi, làm “thị thực chui” cho họ bằng con đường du lịch. Mỗi người phải nộp cho nhóm buôn người 5.000 euro để có thị thực du lịch. Thông tin khai thác được từ nhóm buôn người bị bắt giữ cho biết, chỉ trong 3 phi vụ, chúng đã thu được 1 triệu euro.
Tới nay, bằng rất nhiều nỗ lực, nạn buôn bán người đã giảm, nhiều đường dây buôn bán người được bóc dỡ. Tuy nhiên, nó vẫn tồn tại như một thách thức. Và điều đó rất cần sự chung tay của tất cả các quốc gia.
Một nghiên cứu của Văn phòng LHQ về tội phạm và ma túy (UNODC) cho biết, nạn buôn người tiếp tục có xu hướng gia tăng. Nghiên cứu được thực hiện dựa trên việc thu thập thông tin từ 142 quốc gia, nhằm đánh giá xu hướng và các loại hình của nạn buôn người. Theo Giám đốc Điều hành của UNODC, ông Yury Fedotov, nạn buôn người diễn ra với quy mô khủng khiếp, trong đó các nhóm vũ trang và khủng bố sử dụng buôn người để gieo rắc nỗi sợ hãi và tập hợp các nạn nhân để phục vụ cho việc chiêu mộ những chiến binh mới.
Nghiên cứu chỉ ra rằng, số nạn nhân của tội phạm buôn người trên toàn cầu có chiều hướng tăng kể từ năm 2010. Châu Phi và châu Mỹ là các khu vực chứng kiến sự gia tăng lớn nhất về số nạn nhân buôn người. Buôn người để phục vụ cho các hoạt động bóc lột tình dục là hình thức phổ biến nhất ở các nước châu Âu. Trong khi đó, ở Trung Đông và khu vực châu Phi hạ Sahara, lao động cưỡng bức là hình thức chủ yếu của việc buôn người. Phụ nữ và trẻ em gái là nạn nhân chính của hoạt động buôn người trên toàn thế giới. Khoảng 3/4 trong nhóm này bị buôn bán để bóc lột tình dục và khoảng 35% nạn nhân phải lao động cưỡng bức.
Giải quyết nạn buôn người là một phần quan trọng trong Chương trình nghị sự Phát triển bền vững của LHQ; yêu cầu các quốc gia thành viên giám sát tiến trình giải quyết vấn đề và báo cáo số nạn nhân theo giới tính, độ tuổi và hình thức bị bóc lột. Ông Fedotov nhấn mạnh, cộng đồng quốc tế cần tăng cường hỗ trợ kỹ thuật và đẩy mạnh hợp tác, hỗ trợ tất cả các quốc gia để bảo vệ các nạn nhân, đưa tội phạm ra trước công lý và đạt được các mục tiêu phát triển bền vững.