Xe điện thay thế phương tiện truyền thống: Giảm nguy cơ ô nhiễm môi trường

Duy Phương 31/03/2021 07:30

Theo các chuyên gia kinh tế, để giảm việc phụ thuộc vào nguồn nhiên liệu xăng dầu nhập khẩu cũng như giảm thiểu nguy cơ ô nhiễm môi trường, cần khuyến khích phát triển loại hình xe điện, thay thế dần xe chạy bằng xăng, dầu.

Cần các cơ chế chính sách để phát triển cơ sở hạ tầng cho loại hình xe điện.

Nhiều ưu điểm

Thực trạng ô nhiễm không khí ngày càng nặng nề đặt ra nhiều vấn đề liên quan đên việc hạn chế khí thải phát ra môi trường.

Chính phủ đề nghị Bộ Giao thông Vận tải nghiên cứu giải pháp thắt chặt kiểm soát khí thải với cả ôtô, xe máy nhằm giảm thiểu những nguy cơ gây ô nhiễm môi trường từ khí thải của các phương tiện vận chuyển. Thực tế, một số địa phương trên cả nước cũng triển khai dịch vụ vận chuyển công cộng bằng xe điện, như tại Hà Nội, TP.Hồ Chí Minh, Phú Quốc. Theo đó các địa phương này đã chính thức triển khai dự án xe bus điện công nghệ cao và đã đi vào hoạt động năm 2020. Tại một số thành phố lớn cũng đã có một số trạm sạc pin công cộng cho xe điện được thí điểm triển khai từ phía doanh nghiệp.

Cần cơ chế, chính sách tạo đà phát triển

Theo con số thống kê của Hiệp hội Các nhà sản xuất xe máy Việt Nam (VAMM) hiện thị trường xe hai bánh tại Việt Nam vẫn đang được thống lĩnh bởi xe chạy xăng, khi số lượng loại xe này chiếm đến gần 95% tổng lượng xe hai bánh.

Trên thế giới, hiện xe điện cũng mới chỉ có mặt ở 50 quốc gia (trong đó có các thị trường lớn như Hoa Kỳ, Trung Quốc, Nhật, EU….), số xe điện chỉ chiếm 0,18% tổng phương tiện cơ giới. Dự kiến, đến năm 2030, sẽ có 140 triệu xe điện được sử dụng trên toàn cầu. Rõ ràng đây vẫn là một con số rất khiêm tốn.

Xe điện đang là lựa chọn được người tiêu dùng trên thế giới ưu tiên khi mua phương tiện đi lại bởi tiết kiệm nguyên liệu, thân thiện với môi trường và an toàn cho người sử dụng. Nghiên cứu cho thấy sử dụng ô tô điện sẽ cắt giảm tới 52% khí carbon ra môi trường so với xe thông thường (chạy bằng xăng, dầu), tỷ lệ tai nạn khi điều khiển xe điện cũng thấp hơn hẳn so với phương tiện truyền thống.

Giới chuyên gia kinh tế nhận định, sự thành công của xe điện phụ thuộc nhiều vào việc hợp tác giữa Chính phủ, DN và các bên liên quan khác. Nó không chỉ bao gồm cơ sở hạ tầng, mà còn ưu đãi thuế và hỗ trợ cho người dùng để xe điện thực sự phát triển ở Việt Nam. Do đây còn là một loại hình mới nên cơ chế chính sách để phát triển loại hình này vẫn còn thiếu, bởi vậy, chưa thu hút được DN tham gia.

Được biết, thành phố Đà Nẵng mới đây chính thức xây dựng cơ chế khuyến khích đầu tư xây dựng trạm sạc xe điện và sử dụng xe điện. Cụ thể, địa phương này mới đây đã công bố Đề án đề xuất các vị trí xây dựng trạm sạc ô tô điện, cơ chế khuyến khích phát triển ô tô điện, trạm sạc ô tô điện trên địa bàn.

Theo đề án, Đà Nẵng đặt mục tiêu đến năm 2030 sẽ xây dựng được 300 trạm sạc, trong đó có 250 trạm sạc cấp 1, 2 và 50 trạm sạc cấp 3. Các trạm sạc xe điện sẽ được đặt tại các trung tâm thương mại, khu đô thị, trường học, các cửa hàng xăng dầu ở hầu hết trên địa bàn thành phố.

Ông Bùi Danh Liên, Phó Chủ tịch Hiệp hội Vận tải thành phố Hà Nội cho biết, Singapore đưa ra chính sách đến năm 2025 không có xe taxi chạy xăng, chỉ chạy bằng điện. Việc thúc đẩy loại hình xe chạy bằng điện vừa giảm áp lực nhập khẩu xăng dầu, vừa góp phần bảo vệ môi trường”, ông Liên nhận định. Bên cạnh đó, theo vị chuyên gia, tình trạng buôn lậu xăng dầu thời gian qua cũng một phần do nhu cầu về loại nhiên liệu này gia tăng, chính bởi vậy, nếu hạn chế các phương tiện chạy sử dụng xăng dầu sẽ giảm thiểu cả vấn nạn xăng giả, xăng lậu.

Duy Phương