Hôm nay, ngày 31/3, bầu Chủ tịch Quốc hội
Chiều ngày 30/3, trước khi trình danh sách đề cử để Quốc hội bầu Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng Bầu cử (HĐBC) quốc gia, Quốc hội đã miễn nhiệm Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch HĐBC quốc gia Nguyễn Thị Kim Ngân. Sáng nay (31/3), Quốc hội sẽ tiến hành bầu Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch HĐBC quốc gia bằng hình thức bỏ phiếu kín. Tân Chủ tịch Quốc hội tuyên thệ ngay sau đó.
Những ấn tượng tốt đẹp
Tại kỳ họp cuối của Quốc hội Khóa XIV, nhiều ĐBQH và cử tri cả nước đã xúc động, tự hào bởi lần đầu tiên trong lịch sử có nữ Chủ tịch Quốc hội.
Trao đổi với báo giới, ĐBQH tỉnh Bình Định Lê Công Nhường cho rằng, lãnh đạo Quốc hội và lãnh đạo Chính phủ nhiệm kỳ 2016-2021 đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. “Tôi đặc biệt ấn tượng với Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân - nữ Chủ tịch Quốc hội đầu tiên trong lịch sử nước ta. Khi chủ tọa, điều hành các phiên họp của UBTV Quốc hội, các kỳ họp Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã rất linh hoạt, chủ động, kịp thời điều chỉnh các đại biểu phát biểu còn trùng lặp nhau về nội dung. Hay trong các phiên chất vấn và trả lời chất vấn, sự điều hành hài hòa, lúc mềm mỏng, lúc cương quyết của Chủ tịch Quốc hội đã giúp các bộ trưởng, trưởng ngành tập trung vào đúng trọng tâm câu hỏi, trả lời ngắn gọn, súc tích, nhờ đó, ĐBQH có thêm thời gian chất vấn, tranh luận và các bộ trưởng, trưởng ngành cũng trả lời được nhiều câu hỏi hơn, đúng, trúng nội dung chất vấn hơn.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng Hoàng Thị Hoa nhận xét: Thành công của Quốc hội Khóa XIV có sự đóng góp của nhiều yếu tố, trong đó không thể không nhắc đến vai trò quan trọng của tập thể lãnh đạo Quốc hội, đứng đầu là Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân. Nhìn tổng thể, trong bối cảnh 5 năm qua còn nhiều khó khăn, thách thức, nhưng bằng tâm huyết, tập thể lãnh đạo Quốc hội nhiệm kỳ Khóa XIV đã có nhiều đổi mới, sáng tạo để đưa ra những quyết sách đúng đắn nhất mang lại lợi ích cho đất nước. “Tôi thấy vô cùng tự hào khi được tham gia vào Quốc hội Khóa XIV, dưới sự dẫn dắt của tập thể lãnh đạo Quốc hội như vậy”, bà Hoa nói.
Bà Nguyễn Thị Kim Ngân sinh năm 1954, quê quán tại xã Châu Hòa, huyện Giồng Trôm, tỉnh Bến Tre. Bà tốt nghiệp cử nhân chuyên ngành tài chính - ngân sách nhà nước; thạc sỹ kinh tế; lý luận chính trị cao cấp. Bà là Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa IX, X, XI, XII; Ủy viên Bộ Chính trị khóa XI, XII; Bí thư Trung ương Đảng khóa XI; ĐBQH các khóa XII, XIII, XIV. Bà được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần đầu vào năm 2001, khi 47 tuổi; vào Ban Bí thư, Bộ Chính trị lần đầu năm 2011, khi 57 tuổi. Trong quá trình công tác, bà đã kinh qua nhiều chức vụ, như Thứ trưởng Bộ Tài chính, Bí thư Tỉnh uỷ Hải Dương, Thứ trưởng Bộ Thương mại, Bộ trưởng Bộ Lao động, thương binh và xã hội.
Năm 2011, bà được bầu làm Phó Chủ tịch Quốc hội. Ngày 31/3/2016, tại kỳ họp lần thứ 11 Quốc hội khóa XIII, bà được tín nhiệm bầu giữ chức vụ Chủ tịch Quốc hội nhiệm kỳ 2011-2016 và Chủ tịch HĐBC quốc gia. Ngày 27/7/2016, tại kỳ họp lần thứ nhất Quốc hội khóa XIV, bà được tín nhiệm bầu tái cử giữ chức vụ Chủ tịch Quốc hội nhiệm kỳ 2016-2021. Tháng 6/2020, tại kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XIV, bà được bầu giữ chức Chủ tịch HĐBC quốc gia.
Khi nhậm chức, trước cờ đỏ sao vàng thiêng liêng của Tổ quốc, trước Quốc hội và đồng bào, cử tri cả nước, bà Nguyễn Thị Kim Ngân nói: “Tôi luôn khắc ghi lời tuyên thệ trước Quốc hội, để thực hiện đầy đủ, nhiệm vụ quyền hạn của Chủ tịch Quốc hội theo luật định, phát huy truyền thống tốt đẹp của những người đi trước, tôi sẽ cùng với UBTV Quốc hội lãnh đạo thực hiện tốt nhiệm vụ cơ quan quyền lực cao nhất của nhân dân, cơ quan quyền lực cao nhất của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam”.
Quốc hội thảo luận danh sách đề cử để bầu Chủ tịch Quốc hội
Việc miễn nhiệm Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch HĐBC quốc gia Nguyễn Thị Kim Ngân do yêu cầu bố trí, sắp xếp công tác nhân sự cấp cao của Đảng và Nhà nước sau Đại hội XIII của Đảng nhằm tạo sự đồng bộ trong công tác cán bộ. Trình bày về dự thảo Nghị quyết miễn nhiệm Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch HĐBC quốc gia, theo ông Nguyễn Hạnh Phúc, Tổng Thư ký Quốc hội: Căn cứ Hiến pháp nước CHXHCN Việt Nam, Luật Tổ chức Quốc hội, Luật Bầu cử ĐBQH và đại biểu Hội đồng BCQG, nội quy kỳ họp Quốc hội, tờ trình 841 ngày 29/3/2021 của UBTV Quốc hội, và biên bản kiểm phiếu kết quả miễn nhiệm chức vụ Chủ tịch Quốc hội khóa XIV và Chủ tịch HĐBC quốc gia ngày 30/3/2021, Quốc hội quyết nghị miễn nhiệm chức vụ Chủ tịch Quốc hội khóa XIV và Chủ tịch HĐBC quốc gia đối với bà Nguyễn Thị Kim Ngân. Nghị quyết có hiệu lực thi hành kể từ khi Quốc hội bầu được Chủ tịch Quốc hội và Chủ tịch HĐBC quốc gia mới.
Ngay sau đó, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Nghị quyết miễn nhiệm Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng BCQG đối với bà Nguyễn Thị Kim Ngân.
Tiếp đó, bà Nguyễn Thị Kim Ngân đã thay mặt UBTV Quốc hội trình danh sách đề cử để Quốc hội bầu Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch HĐBC quốc gia. Sau đó, Quốc hội thảo luận ở Đoàn về dự kiến nhân sự để bầu Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch HĐBC quốc gia. Người được giới thiệu là ông Vương Đình Huệ - Uỷ viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành uỷ, Bí thư Bộ Tư lệnh Thủ đô, Trưởng Đoàn ĐBQH khoá XIV thành phố Hà Nội.
Số vụ án lớn được thụ lý tăng mạnh
Sáng 30/3, Quốc hội thảo luận tại hội trường về các báo cáo tổng kết công tác nhiệm kỳ của Tòa án Nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao, Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tư pháp về các báo cáo nêu trên.
Đa số các ý kiến bày tỏ thống nhất cao với những kết quả được nêu trong báo cáo tổng kết nhiệm kỳ của Viện KSND tối cao, TAND tối cao trong lĩnh vực thi hành án của Chính phủ, trong điều kiện còn gặp nhiều khó khăn, tình hình tội phạm vi phạm pháp luật tiếp tục có những diễn biến phức tạp.
Bày tỏ ấn tượng với công tác của Tòa án, ĐB Nguyễn Chiến (TP Hà Nội) dẫn các con số: Tỷ lệ các bản án quyết định bị hủy, sửa do nguyên nhân chủ quan ở tòa giảm tới mức 1,5%; đáp ứng chỉ tiêu Quốc hội đề ra. Công tác xét xử nói chung đạt 99,5%, chưa phát hiện trường hợp kết án oan cho người không có tội. Tuy nhiên, ĐB này cũng nhìn nhận: Dù vượt chỉ tiêu Quốc hội đề ra 8,8% nhưng, án hành chính mới chỉ đạt 68,8%.
Cho rằng, dấu ấn của các cơ quan tư pháp để lại trong nhiệm kỳ đó là sự đổi mới, quyết liệt trong hoạt động của các cơ quan tư pháp, ĐB Mai Khanh (Ninh Bình) đề nghị: Trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV, các cơ quan tư pháp cần có sự phối hợp chặt chẽ hơn nữa, nhất là trong việc xử lý các vụ án lớn, các vụ án nghiêm trọng mà dư luận quan tâm. “Kết quả xử lý của các cơ quan tư pháp không chỉ là những kết quả riêng biệt của từng cơ quan mà nó thể hiện quan điểm, thái độ của Nhà nước đối với những vấn đề của xã hội. Do đó, cần có một sự phối hợp chặt chẽ hơn nữa”- theo ĐB Mai Khanh.
Chiều cùng ngày, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Luật Phòng, chống ma túy sửa đổi với 94,79% số đại biểu có mặt tán thành.
M.Loan- H.Vũ