Hoạt động ‘ma mị’ của CLB Tình Người: Nếu có dấu hiệu lừa đảo thì đương nhiên là sai ‘từ gốc’
Trao đổi với phóng viên Báo Đại Đoàn kết ngày 30/3, ông Bùi Đức Thụ, nguyên Ủy viên thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách, ĐBQH khóa XIII, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách Tài chính - Tiền tệ quốc gia cho rằng, lợi dụng mê tín dị đoan để đi bán hàng hóa, mang tính chất tâm linh, quyên góp tiền của những tổ chức,cá nhân là trái với quy định của pháp luật.
PV: Về vụ việc tại CLB Tình Người, ông có thể cho biết theo quy định những hoạt động tổ chức từ thiện có được phép có phiếu thu chi để thu tiền của người dân hay không?
Ông Bùi Đức Thụ: Trong thời gian qua nổi lên việc CLB Tình Người thuộc Công ty TNHH Phát triển trí tuệ cộng đồng hoạt động có biểu hiện tính chất mê tín, dị đoan. Việc huy động một lượng tài chính nhất định từ các tổ chức, cá nhân thông qua các hoạt động phát hành sách, bán những hàng hóa dịch vụ gắn với dịch vụ tâm linh, xét về mặt quy định, đối với hoạt động của doanh nghiệp thì phải thành lập, hoạt động theo Luật Doanh nghiệp. Doanh nghiệp được thành lập các đơn vị trực thuộc.
Ở đây Công ty này thành lập CLB Tình Người. CLB chỉ là một tổ chức, một diễn đàn để cho những người, các thành viên cũng có cùng mục đích, tư tưởng sinh hoạt, trao đổi chia sẻ. Nếu xét về mặt tên gọi cũng như nội hàm của nó thì bản thân CLB này không có ý nghĩa là hoạt động kinh tế, sản xuất kinh doanh.
Do đó, thứ nhất cần xem lại xem tôn chỉ, mục đích của CLB Tình Người từ khi thành lập để xem làm cái gì? Từ đó xem những hoạt động của CLB Tình Người có đúng với đăng ký hoạt động hay không?
Thứ hai, ngay cả trong trường hợp được đăng ký hoạt động thì mọi hoạt động của bất cứ tổ chức, cá nhân nào cũng phải tuân thủ theo pháp luật Việt Nam, phải phù hợp với văn hóa, đạo lý truyền thống dân tộc chứ không có một tổ chức, cá nhân nào được phép đứng ngoài, đứng trên pháp luật, hoặc đi ngược lại đạo đức văn hóa.
Qua những biểu hiện của CLB Tình Người, lãnh đạo thành phố Hà Nội cũng đã nhanh chóng chỉ đạo. Nếu trong trường hợp có sai phạm, ảnh hưởng quy định của pháp luật, ảnh hưởng văn hóa, phong tục tập quán lành mạnh của người dân Việt Nam cần phải có những hình thức ngăn chặn, thậm chí xử lý kịp thời, rõ ràng theo đúng quy định của pháp luật. Công khai để không chỉ có ý nghĩa ngăn chặn, mà ngăn ngừa những trường hợp tương tự khác có nguy cơ phát sinh trong tương lai, đảm bảo cho các hoạt động kinh doanh thực sự lành mạnh, đảm bảo về văn hóa của chúng ta.
Thứ ba, CLB Tình Người nếu như có biểu hiện hoạt động mang tính chất mê tín, dị đoan, còn có trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước. Kể cả các cơ quan quản lý về vấn đề tôn giáo cũng cần phải vào cuộc để xem xét đây có phải hình thức lợi dụng để tuyên truyền mê tín dị đoan hay không.
Tôi cũng xin nói thêm, mê tín, dị đoan là điều tai hại đối với đất nước, tai hại đối với văn hóa của dân tộc; thậm chí dẫn đến lợi dụng để chiếm đoạt tài sản bất hợp pháp của người này, người kia, mang tính chất lừa đảo, điều đó là điều hết sức không hay.
Do vậy việc trước mắt cần thanh tra làm rõ CLB này có biểu hiện của hoạt động mang tính chất mê tín, dị đoan hay không, từ việc phát hành sách, hay tuyên truyền của Câu lạc bộ này để xử lý kịp thời. Bởi có các hoạt động lợi dụng mê tín dị đoan để đi bán hàng hóa, mang tính chất tâm linh, quyên góp tiền của những tổ chức, cá nhân khác chắc chắn đó là trái với quy định của pháp luật. Cái này cần phải có biện pháp xử lý nghiêm minh kịp thời.
Thưa ông, khi đã thu tiền không đúng quy định, trái quy định của pháp luật thì người dân có quyền đòi lại khoản tiền thu hay không, bởi nếu không, không ai biết tiền sẽ đi về đâu?
- Đối với doanh nghiệp phải có hoạt động, chế độ kế toán của doanh nghiệp theo quy định. Trường hợp phát sinh doanh thu, doanh số lợi nhuận phải có nghĩa vụ thuế đối với nhà nước. Các cơ quan tài chính như thuế phải vào cuộc kiểm tra để chống bỏ sót nguồn thu, chống thất thu, gian lận thuế, gian lận thương mại.
Trường hợp có hoạt động kinh tế nhưng không mở sổ sách hóa đơn, chứng từ, hạch toán là trái quy định của pháp luật. Nếu như không mở sổ sách, hay mở sổ sách huy động nguồn tiền mà không đúng, mang tính chất mê tín dị đoan để lừa gạt thì đương nhiên là sai, phải thu hồi. Nhà nước phải đứng ra thu hồi, xử lý theo quy định của pháp luật, thậm chí trả lại cho những người đã bị lừa đảo.
Những trường hợp huy động, sử dụng trái quy định của pháp luật cũng không được. Anh đi lừa đảo, chi không đúng quy định thì đương nhiên phải xử lý. Tùy theo mức độ nặng nhẹ để xử lý, nhẹ thì xử lý hành chính, còn để lại những hậu quả, vi phạm pháp luật thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Việc quản lý, sử dụng nguồn thu chi, hạch toán không chỉ là việc riêng của CLB Tình Người hay của một doanh nghiệp, mà điều quan trọng là mọi hoạt động của tổ chức, cá nhân trên lãnh thổ Việt Nam phải tuân thủ theo pháp luật Việt Nam.
Vậy ông có cho rằng các cơ quan thuế cũng phải vào cuộc để làm rõ?
- Trong trường hợp CLB Tình Người có dấu hiệu vi phạm pháp luật, trước mắt các cơ quan quản lý doanh nghiệp trong từng lĩnh vực theo chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền cần làm rõ. Trong trường hợp hoạt động đúng pháp luật, nhưng phát hiện doanh thu, lợi nhuận thì cơ quan thuế cũng như thanh thanh tra thuế cũng có quyền xem xét nghĩa vụ tài chính đối với Nhà nước. Nếu CLB này phạm pháp, có biểu hiện tuyên truyền mê tín, dị đoan, có dấu hiệu lừa đảo thì đương nhiên sai “từ gốc” rồi, toàn bộ những vấn đề thu chi đó sẽ bị phong tỏa và cơ quan thuế thu hồi và xử lý theo quy định của pháp luật.
Trân trọng cảm ơn ông!