Dạy học tích hợp: Tránh ‘bình mới rượu cũ’
Đối với hai môn học Khoa học tự nhiên và Lịch sử - Địa lý ở cấp THCS, giải pháp tình thế trong năm học 2021-2022 là có thể 2-3 giáo viên sẽ cùng dạy một môn học. Tuy nhiên, về lâu về dài cần một kế hoạch về việc đào tạo lại và đào tạo mới để đảm bảo đội ngũ giáo viên chuyên trách dạy học môn tích hợp.
Khó đạt kỳ vọng 100% của các nhà viết sách
Thời điểm này, mỗi nhà trường, mỗi địa phương đang có những tính toán riêng để chuẩn bị cho năm học 2021-2022. Đặc biệt là với lớp 2 và lớp 6, bên cạnh việc chọn bộ sách nào để dạy học, việc chuẩn bị đội ngũ giáo viên cũng hết sức quan trọng khi lớp 6 năm nay, lần đầu tiên môn học tích hợp được đưa vào giảng dạy. Ai sẽ giảng dạy môn học này và giảng dạy như thế nào là câu hỏi được đặt ra bởi đa số giáo viên hiện nay khi được đào tạo trong trường sư phạm đều là để phục vụ cho việc giảng dạy đơn môn.
Cô giáo Nguyễn Thị Huệ (Trường THCS Mỗ Lao, Hà Đông) cho biết chuyên ngành đào tạo của mình là Hóa - Sinh nên việc giảng dạy hai môn này cô hoàn toàn tự tin. Song nếu kiêm nhiệm luôn cả môn Vật lý, để đảm bảo dạy tốt thì là việc không đơn giản trong thời gian ngắn.
Chia sẻ quan điểm này, cô giáo Đỗ Thị Lan Anh, giáo viên Hóa - Sinh, Trường THCS Nguyễn Du cho biết trong năm học tới, cô được phân công dạy bộ môn Khoa học tự nhiên của khối 6. Hiện cô đã được tiếp cận với 3 bộ SGK mới bản mềm. Với Khoa học tự nhiên, lần đầu tiên kiến thức Hóa học được đưa vào giảng dạy ở lớp 6. Điều này không hề làm khó cô Lan Anh bởi ở trường Sư phạm cô đã được đào tạo chuyên môn sâu về Hóa - Sinh nhưng với Vật lý, cô sẽ phải dành nhiều thời gian hơn tìm tòi, nghiên cứu. Cùng với đó là tham gia tập huấn, trao đổi trực tiếp với các giáo viên trong tổ chuyên môn, các giáo viên vật lý… nhằm giải đáp những vấn đề còn băn khoăn.
Cô Nguyễn Thị Thái Hà (Trường THCS Bắc Kạn, tỉnh Bắc Kạn) cho biết, ở năm học đầu tiên triển khai dạy học môn tích hợp, nhà trường bố trí những thầy cô có chuyên môn tốt nhất để giảng dạy để giảm thiểu tối đa những gì là sự lắp ghép cơ học. Song song với đó là quá trình tập huấn đối với các giáo viên để dần dần có thể đảm nhiệm giảng dạy các môn học này trong những năm học sau đó một cách bài bản, nhuần nhuyễn. Tuy nhiên, cô Hà cũng cho rằng trong một sớm một chiều giáo viên chưa thể chủ động nắm bắt hết kiến thức cũng như kỹ năng giảng dạy ở các lĩnh vực và khó đạt được 100% kỳ vọng của những nhà viết sách.
Giáo viên, nhà trường cùng thay đổi
Theo các chuyên gia, trong chương trình hiện hành, nhiều kiến thức có ở môn Hóa rồi nhưng vẫn bị lặp lại ở cả Vật lý và Sinh học. Do đó, khi tích hợp 3 môn Lý, Hóa, Sinh vào Khoa học tự nhiên thì sẽ tránh được sự trùng lặp. Có những vấn đề thực tiễn chỉ được giải quyết khi kết hợp kiến thức của cả 3 môn. Vì vậy, dạy học tích hợp là sự thay đổi có lợi cho học sinh. Đồng thời việc tích hợp liên môn sẽ giúp giảm tải lượng kiến thức bị trùng lặp ở các bộ môn đơn lẻ như chương trình hiện hành, giúp học sinh và giáo viên có thời gian hơn để tìm hiểu các nội dung khác.
Theo thiết kế chương trình, mỗi môn học cũng có từng phần tương ứng với kiến thức thuộc lĩnh vực chuyên môn đảm bảo mỗi thầy cô sẽ giảng dạy phần của mình và phối hợp cùng với 2-3 giáo viên nữa để hoàn thành môn học. Với cách này, mỗi giáo viên sẽ dạy một tiết học thay vì 2-3 giáo viên cùng đứng 1 lớp trong cùng 1 khung giờ như nhiều người lo ngại.
Song đó chỉ là giải pháp tình thế trong năm học tới còn về lâu dài, đội ngũ giáo viên đang có cần được tập huấn, bồi dưỡng để có thể đảm nhiệm môn học tích hợp. Riêng với các trường sư phạm, việc đào tạo giáo viên liên môn đã được triển khai những năm gần đây. Nhiều trường sư phạm cũng đã “đón đầu” bằng cách đào tạo những ngành học mới, đáp ứng yêu cầu đổi mới phổ thông, như: Trường ĐH Sư phạm Hà Nội, Trường ĐH Sư phạm TP HCM, Trường ĐH Sư phạm Huế, Trường ĐH Giáo dục - ĐH Quốc gia Hà Nội...
Đối với các trường chưa kịp mở ngành mới đào tạo giáo viên tích hợp, giải pháp đưa ra là chỉnh sửa chương trình để sinh viên các ngành đơn môn có thể tham gia giảng dạy chương trình tích hợp sau khi tốt nghiệp.
Tại Trường ĐH Sư phạm TP HCM, sinh viên trúng tuyển ngành sư phạm tin học sẽ được học thêm một số học phần về công nghệ. Trường CĐ Sư phạm Huế tuyển ngành sư phạm Vật lý nhưng ghép thêm Hóa học, sư phạm Lịch sử ghép thêm Địa lý…
Trường ĐH Sư phạm - ĐH Huế cho biết trường này đang đào tạo giáo viên ngành sư phạm Khoa học tự nhiên, sư phạm Lịch sử và Địa lý. Ngoài đào tạo, trường còn được giao nhiệm vụ bồi dưỡng giáo viên đang dạy đơn môn có thể chuyển sang dạy tích hợp để đáp ứng yêu cầu của chương trình mới.
Khó khăn sẽ có là đương nhiên khi bắt đầu một điều mới, huống hồ ở đây là cả chương trình, SGK, môn học mới nên quan trọng nhất là sự nỗ lực, chủ động của mỗi giáo viên tự cập nhật, nâng cấp kiến thức của mình nhằm đáp ứng yêu cầu công việc. Có như vậy, những kỳ vọng đặt ra đối với chương trình GDPT 2018 mới có thể hoàn thành.