Vẫn băn khoăn chuyện hậu kiểm tuyển sinh

Vi Cầm 01/04/2021 08:15

Theo thông tin từ Bộ GDĐT, kỳ thi tuyển sinh ĐH 2021, Bộ sẽ tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra thi cử, xét tuyển và kỳ thi riêng của một số cơ sở đào tạo.

Ảnh minh họa.

Đến thời điểm này, các cơ sở đào tạo đã công bố Đề án tuyển sinh năm học 2021- 2022. Nhiều phương thức tuyển sinh khác nhau được các trường áp dụng, như tuyển thẳng, tuyển sinh bằng chứng chỉ ngoại ngữ, tuyển sinh bằng điểm thi tốt nghiệp THPT, tuyển sinh bằng học bạ, tuyển sinh bằng đánh giá năng lực, tuyển sinh kết hợp giữa các phương án nói trên với nhau…

Ở những mùa tuyển sinh trước, phương thức tuyển bằng học bạ THPT khiến nhiều người băn khoăn về chất lượng đầu vào của các trường ĐH, bởi học bạ có thể “làm đẹp” được. Còn phía các trường cho rằng, do được tự chủ tuyển sinh nên họ sẽ cam kết về chất lượng đào tạo. Trong quá trình học, những sinh viên nào không đáp ứng được yêu cầu sẽ buộc bị đào thải tự nhiên.

Câu chuyện tự chủ đi liền với hậu kiểm cũng là mối quan tâm chung của người học bấy lâu. Theo quy định của Bộ GDĐT, từ năm 2020, các cơ sở giáo dục ĐH được quyền lựa chọn, quyết định phương thức tuyển sinh như thi tuyển, xét tuyển hoặc kết hợp giữa thi tuyển và xét tuyển.

Theo Bộ GDĐT, việc thực hiện tuyển sinh một cách tự chủ đã tạo niềm tin, giảm áp lực, tăng cơ hội cho các thí sinh, nhưng cũng đi kèm với trách nhiệm giải trình trước xã hội và người học của các trường. Nhà trường phải thực hiện nghiêm túc các nội dung của đề án tuyển sinh mà trường công bố nếu không muốn bị “tuýt còi”. Bởi mục tiêu nâng cao chất lượng đầu vào trong công tác tuyển sinh ĐH, CĐ được Bộ GDĐT đặt lên hàng đầu.

Ở các mùa tuyển sinh trước, Thanh tra Bộ GDĐT đã phát hiện ra nhiều vi phạm của các cơ sở đào tạo. Đơn cử như đề án tuyển sinh riêng của nhiều trường không rõ ràng, nhiều thông tin chưa chính xác, một số trường xét tuyển không đúng đề án. Nhiều trường xác định chỉ tiêu vượt quá năng lực đào tạo. Thậm chí, có trường ĐH do lo ngại tuyển nhiều giảng viên vào mà không có sinh viên thì không có nguồn kinh phí để duy trì bộ máy nên tăng chỉ tiêu đào tạo rất cao nhưng đội ngũ giảng viên lại không đúng năng lực thực tế. Có trường khai 1.000 giáo viên cơ hữu trong đề án tuyển sinh, nhưng thực tế chưa có từng ấy. Tới lúc tuyển được nhiều sinh viên, trường mới đi ký hợp đồng giảng viên đủ số lượng. Những việc làm trên đều sai quy định…

Liên quan đến siết hậu kiểm tuyển sinh, đại diện Vụ Giáo dục ĐH - Bộ GDĐT cho biết, về chế tài xử lý cơ sở giáo dục ĐH nếu vi phạm quy định về đối tượng, điều kiện, chỉ tiêu tuyển sinh, thì trường đó sẽ bị trừ chỉ tiêu năm sau, xử phạt hành chính và không được tự xác định chỉ tiêu tuyển sinh 5 năm tiếp theo. Cùng với đó, Hiệu trưởng hoặc Chủ tịch Hội đồng tuyển sinh và những người liên quan bị xử lý kỷ luật theo quy định.

Bộ GDĐT tăng cường hậu kiểm để hạn chế tuyển sinh “chui”. Nhưng xét cho cùng, đích đến của các trường ĐH phải là sản phẩm đầu ra, là chất lượng đào tạo đáp ứng nhu cầu xã hội và trách nhiệm cuối cùng phải thể hiện được là tỉ lệ sinh viên có việc làm. Vì thế, việc các trường ĐH cần công khai các điều kiện đảm bảo chất lượng của trường và phải chịu trách nhiệm trước xã hội về chất lượng đào tạo của trường mình.

Vi Cầm