‘Tuyên chiến’ với thực phẩm bẩn

Ngọc Anh 01/04/2021 06:40

Vấn nạn thực phẩm bẩn vẫn luôn là nỗi ám ảnh với người tiêu dùng. Thực tế cho thấy, tuyên chiến với thực phẩm bẩn, chỉ ngành chức năng thôi là chưa đủ mà cần sự chung tay của toàn xã hội.

Cùng với sự kiểm tra, giám sát của các ngànhchức năng, thì vai trò của cộng tác viên ATVSTP vô cùng quan trọng.

Muôn cách “phù phép”

Gần đây, tại các tỉnh, thành phố, lực lượng chức năng sau khi thanh tra, kiểm tra phát hiện rất nhiều vụ vi phạm về an toàn vệ sinh thực phẩm (VSATTP) nghiêm trọng. Điển hình như: Ngâm tẩm thực phẩm bằng hóa chất độc hại để bảo quản; sử dụng chất cấm (tạo nạc, tăng trọng) trong chăn nuôi; “phù phép” làm giả các loại thực phẩm từ “thịt lợn” thành “thịt bò”; sử dụng lượng hàn the quá mức để làm cho giò chả giòn, ngon, để lâu…

Đó chỉ là những con số sau những đợt ra quân kiểm tra, giám sát rầm rộ, thực tế vẫn còn rất nhiều vụ vi phạm VSATTP mà cơ quan chức năng không thể kiểm soát được. Chưa kể, khi cơ quan thanh tra của các bộ, ngành đến kiểm tra, người vi phạm đã có đủ các biện pháp chuẩn bị đề phòng, nhanh chóng tẩy xóa dấu vết, tang vật để tránh bị “bắt quả tang”.

Vì vậy, mô hình cộng tác viên an toàn thực phẩm mà nhiều địa phương đang làm cho thấy những hiệu quả ngoài sự mong đợi. Trong đó Hà Nam là tỉnh tiên phong trong việc sử dụng mạng lưới cộng tác viên quản lý chất lượng nhằm chống thực phẩm bẩn. Họ có thể là nhân viên văn phòng, hoặc quản lý của một hợp tác xã hay một công chức ở xã, phường nhưng họ lại có chung một nhiệm vụ là giám sát quản lý an toàn thực phẩm.

Hầu hết các cộng tác viên là những người sinh sống ngay tại các xã, phường, khu dân cư, gần gũi với người dân nên dễ dàng tác nghiệp. Công việc chủ yếu của họ là tuyên truyền cho người sản xuất và kinh doanh sao cho an toàn. Nhưng khi thấy có nguy cơ vi phạm an toàn thực phẩm, lập tức họ sẽ thông báo ngay đến cơ quan chức năng để có hướng giải quyết ngay.

Vụ 2 người ở xã Liêm Tuyền, TP Phủ Lý vừa bị khởi tố vì làm giò chả có hàn the gây nguy hại sức khỏe cộng đồng chính là một trong những kết quả của hoạt động cộng tác viên chống thực phẩm bẩn. Chỉ có họ, những người ở khu dân cư mới có điều kiện phát hiện và giám sát.

Bảo vệ thực phẩm sạch trước tin đồn thất thiệt

Không chỉ phát hiện những hoạt động vi phạm, các cộng tác viên còn đóng vai trò truyền thông để phản bác các thông tin sai lệch. Gần đây nhất một cơ sở kinh doanh ở Hà Nam được người dân phản ánh là bán gạo giả, ngay lập tức các cộng tác viên vận động bà con bình tĩnh, đồng thời báo cáo nhanh với cơ quan chức năng để có kết quả chính xác nhất. Chỉ sau khi cơ quan chức năng có kết luận chính thức và thông báo trên loa phường đây là gạo thật thì dư luận mới yên và quay trở lại sử dụng gạo tại cửa hàng.

Ngay sau vụ việc này, các cộng tác viên cũng tranh thủ tuyên truyền cho 27 cửa hàng lương thực, thực phẩm trên địa bàn đăng ký vệ sinh an toàn, kê hàng trên giá kệ. 27 cửa hàng thì đã có 26 lá đơn cam kết. Đây chính là một thành công.

Nhiều cộng tác viên cho biết, khi họ đi nhắc nhở cũng như một hồi chuông cảnh cáo để những cơ sở sản xuất thấy rằng có người đang giám sát thường xuyên và không dám vi phạm. Theo lời anh Nguyễn Tiến Tùng - cộng tác viên quản lý chất lượng của xã: Trước đây, khi trồng trọt bà con nông dân thường nghe hướng dẫn qua loa rồi về pha thuốc BVTV để phun, đắt thì cắt đem bán, chứ không phải đợi đủ ngày theo quy định. Còn trong chăn nuôi, thức ăn gì không quan trọng, cứ nhanh lớn là được.

Từ khi được giao nhiệm vụ, với mức lương chỉ 300.000đồng/tháng nhưng anh lại là một người giám sát VSATTP ở cơ sở vô cùng nhiệt tình và trách nhiệm. Anh luôn xem người trồng trọt dùng loại thuốc gì, người chăn nuôi mua cám ở đâu, có thêm những chất gì khác lạ rồi cả thời gian xuất chuồng thế nào, có bán lợn ốm, lợn chết không...

Anh bảo, mình chỉ muốn góp một phần công sức để tuyên truyền và giúp người dân nâng cao ý thức trong sản xuất, trồng trọt để bảo vệ sức khỏe của cộng đồng cũng như bảo vệ sức khỏe của chính họ.

Từ thực tế trên cho thấy, tuyên chiến với thực phẩm bẩn cần giám sát chặt chẽ từ khâu sản xuất, kinh doanh đến tiêu thụ. Thời gian vừa qua, nhiều biện pháp mạnh tay trong xử lý hành vi sản xuất, mua bán thực phẩm bẩn đã được triển khai. Trách nhiệm cụ thể của các bộ ngành liên quan và các địa phương cũng được quy định cụ thể. Thế nhưng, thực phẩm bẩn vẫn đang là nỗi ám ảnh đối với người tiêu dùng.

Điều đó đã cho thấy, cuộc chiến này không chỉ trông chờ vào mỗi ngành chức năng mà phải là một cuộc giám sát của toàn xã hội, trong đó có những người cộng tác viên và Hà Nam chính là một điển hình.

Năm 2020, toàn ngành y tế để kiểm tra 406.278 cơ sở, phát hiện 58.317 cơ sở vi phạm về an toàn thực phẩm, xử lý 10.077 cơ sở với tổng số tiền phạt là 48,6 tỷ đồng. Ngành nông nghiệp đã kiểm tra 40.036 cơ sở, xử phạt hành chính 2.737 cơ sở sản xuất kinh doanh vật tư nông nghiệp an toàn thực phẩm nông lâm thủy sản với số tiền phạt là 19,1 tỷ đồng.

Ngọc Anh