Đường sắt Cát Linh – Hà Đông: Lại lỡ hẹn bàn giao
Ngày 31/3, Ban Quản lý đường sắt đô thị Hà Nội mở cửa cho báo giới vào tham quan nhà ga Cát Linh và trải nghiệm vận hành tuyến đường sắt đô thị Cát Linh – Hà Đông. Theo đó, sớm nhất phải đến tháng 5/2021 đường sắt này mới có thể được đưa vào khai thác thương mại.
Nhiều lần lỡ hẹn
Tuyến đường sắt trên cao Cát Linh - Hà Đông được người dân Hà Nội và cả nước quan tâm bởi là dự án đường sắt đô thị đầu tiên của cả nước và nhiều lần lỡ hẹn cán đích từ năm 2016.
Trao đổi với báo giới, Thứ trưởng Bộ GTVT - Nguyễn Ngọc Đông cho biết: Thời gian qua, dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông hoàn thành xây dựng và lắp đặt toàn bộ thiết bị của dự án theo hồ sơ thiết kế. Công ty Metro Hà Nội (thuộc UBND TP Hà Nội) đã ổn định, tổ chức nhân lực để vận hành toàn hệ thống từ tháng 1/2021, nay cơ bản đảm bảo yêu cầu. Bộ GTVT báo cáo Hội đồng Nghiệm thu nhà nước các công trình xây dựng về kết quả nghiệm thu của bộ này (chủ đầu tư) để xin ý kiến cuối cùng trên cơ sở báo cáo của bộ này về kết quả đánh giá cuối cùng của tư vấn đánh giá an toàn hệ thống (tư vấn ACT).
Hiện công việc còn lại của dự án là công tác đánh giá, chứng nhận an toàn hệ thống. Tư vấn ACT đã kiểm tra, đánh giá toàn bộ phạm vi công việc (bao gồm công trình và thiết bị), và tháng 1/2021, tư vấn ACT phát hành chứng nhận kiểm tra kèm theo báo cáo số 13, nêu ra 16 khuyến nghị. Và các bên triển khai thực hiện hoàn thành một số khuyến nghị như cấp chứng nhận phòng cháy chữa cháy; kết quả đánh giá an toàn bước 2 về hệ thống tín hiệu; Metro Hà Nội đã hoàn thiện lại 64 quy trình xử lý tình huống khẩn cấp, diễn tập ngoài hiện trường...
Ông Đông nhấn mạnh, những nội dung trên không phải vướng mắc mà tư vấn ACT đưa ra các khuyến cáo chủ yếu liên quan đến tiếp tục xử lý, diễn tập các tình huống khẩn cấp, bất ngờ. Ví dụ việc khắc phục như di dời cây xăng gần ga La Khê để đảm bảo phòng cháy chữa cháy. Hoặc có những khuyến cáo để nâng cao an toàn như nút chống ngủ gật cho lái tàu; bổ sung kính chắn giữa ke ga với đoàn tàu trong tương lai...
Dự kiến đến tháng 5 mới bàn giao
Lãnh đạo Bộ GTVT thông tin: Để chuẩn bị cho công tác bàn giao Dự án cho TP Hà Nội, Bộ GTVT và UBNDTP Hà Nội đã thống nhất từ ngày 31/3/2021, giao Ban Quản lý dự án đường sắt (thuộc Bộ GTVT) và Công ty Metro Hà Nội (thuộc UBNDTP Hà Nội) bắt đầu công tác kiểm đếm tiếp nhận hồ sơ, tài liệu, tài sản (thời gian dự kiến từ 3-4 tuần). Trên cơ sở báo cáo thực hiện của 2 đơn vị, Bộ GTVT và UBNDTP Hà Nội sẽ thống nhất thời điểm bàn giao, đưa dự án vào vận hành, khai thác phục vụ người dân.
Ông Vũ Hồng Trường, Tổng Giám đốc Công ty Hà Nội Metro cho biết, sau khi được bàn giao, dự án sẽ được hỗ trợ vận hành trong 1 năm bởi Liên danh các nhà thầu. Trong 15 ngày đầu vận hành, tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông sẽ miễn phí cho hành khách đi tàu. Sau đó, vé sẽ được bán cho người dân là 15.000 đồng/vé lượt (nếu đi toàn tuyến). Đối với vé tháng, vé quý, đơn vị sẽ có tính toán cụ thể để thông báo tới hành khách.
Trước đó, cuối năm 2020, Ban Quản lý dự án đã cho chạy thử toàn tuyến để đánh giá hiện trạng toàn dự án trước khi chính thức bàn giao cho Hà Nội. Đơn vị vận hành đã chạy thử hơn 5.700 chuyến tàu an toàn với tổng số trên 70.000km dưới sự giám sát của các đơn vị tư vấn giám sát. Đây cũng là thời gian để kiểm tra công tác đào tạo, đánh giá mức độ thành thục sẵn sàng thực hiện công việc của các nhân sự thuộc đơn vị vận hành của Công ty TNHH MTV Đường sắt Hà Nội (Hanoi Metro) cho giai đoạn vận hành thương mại sắp tới. Thời gian chạy tuyến khoảng 21 phút từ ga Cát Linh - Yên Nghĩa. Thời gian đầu sẽ đưa vào vận hành 8-9 đoàn tàu, chia làm 2 phân đoạn tuỳ thuộc vào mật độ giao thông.
Theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, ngày 31/3 là thời điểm “chốt” tiến độ hoàn thành đường sắt đô thị để Bộ GTVT bàn giao dự án về UBND TP Hà Nội đưa vào vận hành thương mại.
Tuy nhiên, đại diện Ban Quản lý dự án đường sắt dự kiến trong tháng 4/2021, các đơn vị liên quan mới hoàn thiện công tác kiểm đếm để thực hiện chuyển giao. Cùng với đó, các đơn vị cũng khắc phục các khuyến cáo của tư vấn đánh giá an toàn hệ thống. Như vậy sớm nhất phải đến tháng 5/2021, đường sắt Cát Linh - Hà Đông mới có thể được đưa vào khai thác thương mại.
Sau 10 năm, dự án đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông hoàn thành xong phần xây dựng hạ tầng hơn 13 km cầu cạn, 12 nhà ga trên cao, 16 khu đơn thể Depot và cảnh quan cây xanh. Tháng 12/2020, dự án đã chạy thử toàn hệ thống để kiểm chứng độ an toàn và năng lực vận hành của toàn bộ nhân viên. Đây là bước bắt buộc trong quá trình đánh giá an toàn do tư vấn ACT thực hiện.