Hoạt động ‘ma mị’ của CLB Tình Người: Có việc thiếu trách nhiệm trong quản lý xã hội, địa bàn
Chiều ngày 31/3, ông Lưu Bình Nhưỡng, Phó Trưởng Ban Dân nguyện, ĐBQH khóa XIV đã trao đổi với phóng viên Báo Đại Đoàn kết về những hoạt động của Câu lạc bộ Tình Người.
PV: Thưa ông, từ hoạt động của CLB Tình Người được Báo Đại Đoàn kết phản ánh thời gian qua, cá nhân ông có nhìn nhận như thế nào?
Ông Lưu Bình Nhưỡng: Liên quan đến vấn đề báo phản ánh, lãnh đạo cao nhất của thành phố Hà Nội đã có chỉ đạo để xử lý. Tôi cũng nghiên cứu những thông tin dư luận, báo chí phản ánh và thấy có những ý kiến trái chiều.
Ý kiến thứ nhất cho rằng CLB này vẫn thực hiện được một số việc liên quan đến hoạt động từ thiện. Nhưng nhiều ý kiến cho rằng “đây là loại hình kinh doanh tâm linh đa cấp”.
Theo tôi, nó nguy hiểm khi ở đây có rất nhiều đối tượng ở các tầng lớp tham gia, bao gồm: Cán bộ, học sinh, sinh viên, thậm chí có nơi có cả gia đình tham gia chứ không chỉ mỗi cá nhân và nó dẫn đến nhiều hệ lụy.
Thứ nhất tiến hành mua bán, nâng giá một số loại sản phẩm, ví dụ bát hương nâng giá lên mấy chục triệu/1 bát hương.
Thứ hai, sách báo tài liệu rất nhiều, thậm chí còn nhiều hơn cả người nghiên cứu khoa học.
Thứ ba, nội dung của sách báo đó có những phản ánh không đúng tinh thần của Phật giáo và truyền thống văn hóa. Bởi họ tuyên truyền dị đoan, có gì đó khiến cho con người ta phải sợ, buộc phải theo. Chính vì thế mới nảy sinh hệ lụy, làm mất thời gian, tiền bạc của người tham gia.
Bên cạnh đó, tiền bạc đóng góp vào nhiều nhưng không biết đã đi đến đâu? Dòng tiền này như thế nào? Người ta không biết vấn đề chi tiêu thế nào? Có minh bạch hay không? Hiện nay, có những cái dư luận nói rằng khó giải trình, tạo ra hoạt động xã hội dưới dạng của Hội nhưng không được pháp luật quản lý. Nếu thành lập Hội đàng hoàng, hoặc thành lập Hội mà không nằm trong phạm vi luật điều chỉnh nhưng ở trong phạm vi, quy mô này vậy bây giờ Nhà nước và xã hội quản lý như thế nào? Hay cứ để nó thoải mái diễn ra. Cho nên đây cũng là vấn đề được đặt ra yêu cầu đối với Luật về Hội. Và việc các ĐBQH đặt ra yêu cầu đối với luật về Hội là hoàn toàn đúng.
Nhưng có một hệ lụy rất nguy hiểm khác đó là bản thân các gia đình trở nên thiếu hạnh phúc, lục đục khi tham gia vào CLB này. Tham gia tâm linh để làm từ thiện, nhưng từ thiện bên ngoài làm được còn bên trong gia đình lại dẫn đến lục đục vậy những yêu cầu của từ thiện có được hay không?
Theo ông trong vụ việc này các cơ quan chức năng cần vào cuộc như thế nào, bởi nó liên quan đến rất nhiều ngành, lĩnh vực?
- Từ sự việc này có nhiều vấn đề đặt ra hiện nay chúng ta cần làm rõ. Vì vậy tôi đồng tình với việc các cơ quan chức năng cần phải vào cuộc xem xét, làm rõ đây là tổ chức gì? Là tổ chức từ thiện hay là Hội xã hội? Hay là cái gì đó như người ta vẫn nói “nếu không cẩn thận sẽ dẫn đến Hội trá hình”.
Có thể bị nhân vật khác cài cắm vào trong đó, khi cài cắm vào trong đó họ lôi kéo, mua chuộc, thậm chí có thể ép buộc người ta tham gia vào hoạt động nào đó, hoặc dần dần trói buộc con người vào vòng xoáy nào đó. Tức là một con người ban đầu tự do, sau đó không tự do.
Thứ hai có thể đến một lúc nào đó nó sẽ dẫn đến hệ lụy xã hội. Vì có những thứ tôn giáo bất hợp pháp được diễn ra khi người ta lợi dụng tự do tôn giáo, tự do tín ngưỡng dẫn đến hành vi không chính đáng. Dần dần sẽ là hành vi bất hợp pháp của số đông người trong phạm vi rộng lớn. Tôi nhấn mạnh rằng điều đó sẽ nguy hiểm hơn rất nhiều.
Thứ ba chúng ta phải làm rõ có hay không có việc vi phạm pháp luật? Có hay không có việc lạm dụng tín nhiệm để chiếm đoạt tài sản? Có hay không lừa đảo để chiếm đoạt tài sản? Có hay không lợi dụng lòng tin của người dân để tìm cách đưa người ta vào con đường phạm pháp?
Tôi xin nhấn mạnh đây là vấn đề cũng rất nguy hiểm.
Thứ tư, khi xác định đầy đủ tất cả những vấn đề đó nếu có vi phạm thì phải tùy theo tính chất mức độ để xử lý, có những việc phải xử lý hành chính, có việc xử lý hình sự, có việc xử lý về mặt xã hội. Đặc biệt tôi lưu ý chúng ta phải tuyên truyền, thông báo một cách công khai rộng rãi cho tất cả mọi người dân để người ta biết và tránh tình trạng “bán tín bán nghi” dẫn đến dư luận xã hội bức xúc, không hiểu đó là cái gì.
Thưa ông, CLB Tình Người hoạt động trong nhiều năm, ở nhiều tỉnh thành và công khai. Ông có nghĩ nếu không có sự bao che, “chống lưng” sẽ không thể làm được như vậy?
- Tôi không dám khẳng định có hay không việc bao che. Nhưng nếu hội này hoạt động ở quy mô thế này, hoạt động một thời gian dài, động chạm tới nhiều hoạt động khác nhau và công khai, vậy một vấn đề được đặt ra là chắc chắn đã không có sự sâu sát trong quản lý xã hội, quản lý địa bàn. Nếu có bao che chúng ta phải xử lý người bao che.
Tôi nói ví như hoạt động ở đâu, địa bàn nào, bản thân người dân khi phát hiện báo chí đưa tin, dư luận xã hội phản ánh mà tại sao không vào cuộc? Để đến bây giờ, quá bức xúc rồi thì mới vào cuộc. Chắc chắn ở đây có vấn đề thiếu trách nhiệm trong quản lý xã hội, quản lý địa bàn.
Trong việc này còn có trách nhiệm của các cơ quan khác, như cơ quan thuế, nơi cấp phép hoạt động, thưa ông?
- Đây là trách nhiệm của quản lý nhà nước và trách nhiệm của quản lý địa bàn. Quản lý nhà nước là vấn đề chung bao gồm nhiều cơ quan ban, ngành khác nhau. Nhưng cần nhấn mạnh đến trách nhiệm trong quản lý địa bàn của chính quyền địa phương.
Chúng ta cần tuyên truyền mạnh mẽ để tất cả vào cuộc, thậm chí rất cần những người trong cuộc hợp tác chặt chẽ với cơ quan có thẩm quyền, đặc biệt là cơ quan công an, cơ quan an ninh để làm sáng rõ tất cả vấn đề, nhằm trả lời cho dư luận rõ.
Bên cạnh đó, cơ quan nào chỉ đạo thì cơ quan đó phải theo dõi sát sao. Nếu có chỉ đạo mà không làm thì phải xử lý người không làm. Chúng ta rất cần đẩy nhanh tiến độ lên và lưu ý tính kịp thời để xem xét tất cả các khía cạnh của sự việc.
Trân trọng cảm ơn ông!