Hộ chiếu Vaccine phải cân nhắc kỹ giữa lợi ích và nguy cơ
Tại cuộc họp báo Chính phủ chiều 31/3, các thành viên Chính phủ đã lần lượt trả lời những vấn đề nóng được báo chí quan tâm.
Thiếu tướng Tô Ân Xô (Chánh Văn phòng, người phát ngôn Bộ Công an) trả lời câu hỏi về “đại án” buôn lậu xăng, dầu ở Đồng Nai. Ông Xô cho biết, đầu tháng 2/2021, dư luận rất quan tâm đến vụ án xảy ra ở Đồng Nai, được coi là đại án. Ngày 18/3, Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN cũng quyết định đưa vụ án này vào diện Ban Chỉ đạo theo dõi và chỉ đạo.
Thông tin diễn biến vụ án, ông Xô cho biết, ngày 8/2, Cơ quan điều tra Công an tỉnh Đồng Nai ra quyết định khởi tố vụ án buôn lậu; sản xuất, buôn lậu hàng giả; in, phát hành, mua bán trái phép hóa đơn chứng từ… “Quá trình điều tra ban đầu phát hiện có dấu hiệu buông lỏng quản lý và có hiện tượng bảo kê cho hoạt động buôn lậu xăng dầu giả” - ông Xô thông tin.
Đến nay, cơ quan công an khởi tố 52 bị can về tội buôn lậu, 1 bị can về tội hối lộ. Vật chứng thu giữ gồm 14 tàu thủy, 10 xe bồn, 13 ôtô, hàng triệu lít xăng và hóa chất pha chế xăng giả, trên 123 tỷ đồng tiền mặt, 15 sổ tiết kiệm, 91 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Cơ quan công an cũng niêm phong nhiều bến thủy nội địa, hàng chục cây xăng, bồn chứa xăng, phong tỏa kê biên hàng chục tài khoản ngân hàng của các đối tượng.
“Vụ án này cho thấy hoạt động buôn lậu diễn ra rất lâu, trên quy mô rộng, thủ đoạn tinh vi có sự tham gia của một cá nhân, tổ chức trong hệ thống, có bảo kê nên khó khăn trong phá án”- ông Xô nhận định và cho biết thêm các đối tượng có thủ đoạn chống lại cơ quan điều tra và đưa hối lộ rất tinh vi. Ví dụ hối lộ không gặp trực tiếp mà quy định với nhau về một “hộp thư chết”, giao tiền bí mật. Một người hàng tháng đưa một cục tiền vào đó còn một người khác đến nhận. Hoặc đưa những tài khoản thông nhau để một người gửi, một người rút tiền.
Về vấn đề ô nhiễm tiếng ồn, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Công Thành gọi đây là “vấn nạn” và cho biết Chính phủ đã có văn bản quy định xử phạt. Tuy nhiên, theo ông Thành, việc xử lý rất khó vì “lời nói gió bay, nếu không đo đạc ghi nhận thì không có căn cứ để đánh giá, xử phạt. Có lẽ giải pháp trước mắt vẫn là tuyên truyền”.
Ông Thành cũng cho biết, Bộ TNMT đang đề ra các giải pháp cải thiện ô nhiễm tiếng ồn bằng việc siết chặt, kiểm tra và có nghiệm thu cách âm tại các quán karaoke, quán bar, vũ trường. Các cơ sở có sử dụng loa như quán ăn nhà hàng phải có quy định về thời gian sử dụng… Cùng với đó, chỉ đạo xây dựng nghị định hướng dẫn chi tiết xử phạt vi phạm hành chính đối với lĩnh vực này, Bộ sẽ tiếp tục nghiên cứu để cụ thể hóa các hành vi và mức phạt cụ thể.
Trả lời câu hỏi về hộ chiếu vaccine, đại diện Bộ Y tế cho biết không chỉ ở Việt Nam, việc này đang được nghiên cứu, tranh luận ở nhiều nước trên thế giới. Bộ Y tế đang phối hợp với các bộ ngành liên quan để báo cáo với Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19, Chính phủ từ đó đưa ra các chỉ đạo phù hợp. Nếu áp dụng hộ chiếu vaccine, đại diện Bộ Y tế cho rằng phải đảm bảo an toàn, nhưng vẫn giúp mở lại các đường bay, di chuyển quốc tế.
“Bộ đang lên phương án nghiên cứu, trước hết là cách ly phù hợp đối với người nhập cảnh đã tiêm đủ liều vaccine theo quy định. Bộ đã lên kế hoạch, kịch bản, song đây vẫn là phương án phải bàn rất kỹ vì còn phải cân bằng lợi ích và nguy cơ. Nguy cơ vẫn có thể lây nhiễm trong cộng đồng, đây là việc triển khai không đơn giản và phải làm từng bước” - đại diện lãnh đạo Bộ Y tế nhấn mạnh.