Tìm ra loài cua biển gây ngộ độc cho bệnh nhân ở Thanh Hóa
Bệnh nhân sau khi ăn khoảng từ 1 đến 4 con cua biển tự đánh bắt, 2 giờ sau xuất hiện cảm giác mệt, buồn nôn, nôn nhiều và tê bì miệng, lưỡi, chân tay.
Theo PGS.TS. Đào Việt Hà, Viện Hải dương học, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, ngày 29/3, Viện nhận được 2 mẫu vật cua thu thập trong vụ ngộ độc do Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai cung cấp để xác định tên khoa học loài cua và phân tích thành phần chất gây độc.
Kết quả xác định cho thấy: Cả 2 mẫu vật đều là loài cua quạt tên khoa học là Demania reynaudii thuộc họ Xanthidae (cua rạn Xanthid). Loài cua quạt này chỉ cần ăn 2 con đủ gây tử vong cho một người trưởng thành.
Tại nước ta, trước đây đã từng ghi nhận một số trường hợp ngộ độc tử vong do ăn cua mặt quỷ Zosimus aeneus hoặc một số loài cua quạt sống rạn san hô khác.
Sau khi xác định được tên loài, 2 mẫu vật cua được chuyển đến phòng thí nghiệm trọng điểm để phân tích thành phần hóa học chất gây độc. Các chuyên gia đã xác định được sự có mặt của độc tố tetrodotoxin và dẫn suất Anhydro-tetrodotoxin trong cả 2 mẫu vật cua quạt nêu trên.
Trước đó, ngày 27/3, xảy ra một vụ ngộ độc thực phẩm tại Tĩnh Gia, Thanh Hóa sau khi ăn khoảng từ 1 đến 4 con cua biển tự đánh bắt. Triệu chứng ngộ độc xuất hiện khoảng 2 giờ sau khi ăn bao gồm cảm giác mệt, buồn nôn, nôn nhiều và tê bì miệng, lưỡi, chân tay.
Nạn nhân được đưa đến cấp cứu tại Bệnh viện đa khoa Hợp Lực, Tĩnh Gia trong tình trạng nói khó, yếu nhẹ tứ chi. Các triệu chứng ngộ độc tiếp tục tiến triển nặng; bệnh nhân không nói được, không cử động tay chân được, khó thở, suy hô hấp và ngừng tuần hoàn và được chuyển lên bệnh viện tuyến trên trong tình trạng hôn mê, liệt hoàn toàn, dùng thuốc vận mạch, bóp bóng và đặt nội khí quản.
Theo thông tin từ Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai, tình trạng ngộ độc của bệnh nhân rất nặng, cần được theo dõi chặt chẽ và điều trị tích cực.
Theo tài liệu, cua quạt là loài giáp xác biển sống đáy, thường gặp trong các rạn san hô tại vùng biển nhiệt đới Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Đã xác định gần 300 loài cua quạt sống ở biển, trong số đó một số loài chứa độc tố saxitoxin hoặc tetrodotoxin, là 2 độc tố gây ngộ độc tử vong cho người nếu ăn phải.
Với hàm lượng độc tố tetrodotoxin và dẫn suất Anhydro-tetrodotoxin có trong mẫu cua, chỉ cần ăn 2 con (khoảng 50-60 g/cá thể) đủ gây tử vong cho một người trưởng thành.
Độc tố tetrodotoxin có tính bền nhiệt, bền axit nên không bị phân hủy ở nhiệt độ cao khi nấu chín và có thể tồn tại cả trong các sản phẩm đã được chế biến (không loại bỏ chất độc), thậm chí kể cả sản phẩm cấp đông, đóng hộp.
Theo các nghiên cứu, độc tố tetrodotoxin tác động vào hệ thần kinh trung ương của người và động vật bậc cao do ức chế trao đổi ion natri trên màng tế bào thần kinh cơ, làm ngưng quá trình truyền dẫn tín hiệu thần kinh.
Triệu chứng ngộ độc thường xuất hiện khoảng 30 phút sau khi ăn, bao gồm tê lưỡi, tê môi, chóng mặt, đau đầu, đau thắt vùng bụng, buồn nôn, nôn, nói khó, nuốt khó, mất cân bằng vận động (đi loạng choạng, lảo đảo)...
Trường hợp nặng, nạn nhân co giật, sùi bọt mép, hôn mê và có thể tử vong. Khi bị ngộ độc thực phẩm từ cần thực hiện theo hướng dẫn của cơ quan y tế và nhanh chóng đưa người bị ngộ độc tới các cơ quan y tế gần nhất.
Theo ghi nhận, loài cua này đã gây khá nhiều vụ ngộ độc tử vong tại một số quốc gia trong khu vực như Philippine, Indonesia...